Picture of the author
Picture of the author
SGK Ngữ Văn 9»1»Bài 29: Viết Bài Tập Làm Văn Số 2 – Văn ...

Bài 29: Viết Bài Tập Làm Văn Số 2 – Văn Tự Sự

Lý thuyết bài Viết bài tập làm văn số 2 – Văn tự sự môn Văn 9 bộ sách giáo khoa. Nay chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu lý thuyết và bài tập minh họa một cách đầy đủ, dễ hiểu.

Xem thêm

I. Một số lưu ý khi làm bài văn tự sự kết hợp các yếu tố

Ở các lớp dưới, và đạc biệt là lớp 8, các em đã học văn tự, đã biết kết hợp Tự sự - miêu tả -biểu cảm.

Lên lớp 9, chúng ta nâng cao thêm là Tự sự kết hợp miêu tả và miêu tả nội tâm, nghị luận.

Do dó để làm bài TLV số 2 này hiệu quả, các em cần chú ý các nội dung sau:

1. Xác định đúng phương thức biểu đạt chính của bài viết

Tự sự: Là dùng ngôn ngữ để kể về một chuỗi sự việc, sự việc này dẫn đến sự việc kia, cuối cùng dẫn đến kết thúc. Ngoài ra, người viết cần quan tâm khắc họa tính cách nhân vật và nêu lên những nhận thức mới mẻ, sâu sắc về cuộc sống, con người,…

Miêu tả: Là phương thức dùng ngôn ngữ làm cho người nghe, người đọc có thể hình dung được cụ thể nhân vật, sự việc hoặc nhận biết được nội tâm của con người.

Biểu cảm: Là dùng ngôn ngữ để bộc lộ tình cảm, cảm xúc của mình về thế giới xung quanh.

Miêu tả nội tâm là: Dùng ngôn ngữ diễn tả tâm trạng bằng việc miêu tả: Hành động cử chỉ, điệu bộ, lời nói, nét mặt,.. Để thể hiện tâm trạng của nhân vật.

Nghị luận: là đưa ra ý kiến, các lời nhận xét, lời bình,…về các chi tiết sự việc trong hi kể, làm cho bài văn thêm chiêu sâu, thêm tính triết lý.

Để xác định và vận dụng đúng phương thức biểu đạt cho bài viết, học sinh cần nắm vững định nghĩa của chúng. Ngoài ra, các em có thể vận dụng sáng tạo, kết hợp giữa các phương thức biểu đạt với nhau. Tuy nhiên, phương thức biểu đạt mà đề bài yêu cầu (tự sự -kể) vẫn là yếu tố chủ đạo, các phương thức còn lại chỉ mang tính chất bổ trợ, tránh tình trạng sa đề, lạc đề.

Sau đó là xây dựng dàn ý chi tiết cho bài viết: Đây là yếu tố không thể thiếu với tất cả các bài văn nếu các em không muốn thiếu ý, bỏ sót ý. Việc lập dàn ý không chỉ giúp học sinh khái quát lại hệ thống bài viết một cách đầy đủ nhất mà còn giúp các em sắp xếp ý theo trình tự logic hợp lí.

2. Vận dụng kiến thức thực tế vào bài viết

Để làm được điều này các em cần vận dụng tối đa khả năng quan sát, nhìn nhận thế giới xung quanh cũng như quan tâm hơn về cuốc sống thường ngày của chính bản thân và những người xung quanh. Tại sao chúng tôi lại khẳng định như vậy:

Văn tự sự: Để làm được bài văn tự sự một cách chân thực, muốn câu chuyện sinh động nhất, ngoài vận dụng kiến thức trên sách vở, người viết cần phải biết diễn đạt một cách chân thực, khiến người đọc có cảm giác “ thật ” nhất thì mới có thể thu hút được họ vào bài viết của mình. Vậy những điều đó từ đâu mà có được? Đó chính là từ thực tiễn.

Ví dụ: Hãy kể về một chuyến đi du lịch của em trong kì nghỉ hè vừa qua.

Muốn làm tốt bài viết này, các em cần phải biết vận dụng tối đa kĩ năng quan sát, cảm thụ,… từ đó mới có thể tái hiện lại cảnh vật một cách chân thực nhất. Nếu không có kĩ năng này, bài viết của các em sẽ hoàn toàn sáo rỗng, không có giá trị. Ngoài ra, học sinh có thể vận dụng sáng tạo tự sự với miêu tả và biểu cảm để bài viết đạt được hiệu quả tốt nhất.

II. Hướng dẫn tìm hiểu đề, lập dàn ý

1. Tìm hiểu đề

Xác định yêu cầu của đề bài:

  • Đề bài yêu cầu kể về đối tượng nào?
  • Có cần kết hợp giữa kể với các thao tác khác (miêu tả, biểu cảm,…) không?

Lập ý: Nhớ lại hoặc tưởng tượng ra câu chuyện (nhân vật, sự việc, diễn biến,…); lựa chọn ngôi kể.

2. Lập dàn ý

Lập dàn ý cho bài văn tự sự có kết hợp với miêu tả theo bố cục ba phần.

a. Mở bài: Giới thiệu về câu chuyện sẽ kể, dẫn dắt để lôi cuốn người đọc.

b. Thân bài: Trình bày diễn biến các sự việc.

  • Nhân vật: chỉ có nhân vật người kể chuyện hay còn có những nhân vật khác? Có thể kết hợp giới thiệu nhân vật trong diễn biến sự việc.
  • Sắp xếp trình tự các sự việc theo diễn biến trước - sau hoặc theo trình tự đảo ngược từ hiện tại nhớ về quá khứ.
  • Em dự định sử dụng miêu tả ở những tình tiết nào, để làm gì?

Kết bài: Kết thúc câu chuyện; nêu suy nghĩ của mình về kết cục câu chuyện hoặc ấn tượng về những gì đã diễn ra trong câu chuyện. Nêu bài học hoặc cảm nhận chung mà câu chuyện đã gợi ra.

3. Viết một số đoạn văn( dựng đoạn, nháp đoạn trước khi viết vào bài)

Đoạn tả lại cảm xúc của mình trước khung cảnh ngôi trường cũ; những hình ảnh gắn với kỉ niệm thời đi học.

Đoạn tả diễn tả tình cảm vui sướng, xúc động của mình khi gặp lại người thân; đoạn tả hình ảnh người thân.

Đoạn tả khung cảnh trận chiến đấu, khắc hoạ diễn biến các sự việc chính trong trận chiến đấu, hình ảnh những đội quân,…

Đoạn diễn tả cảm xúc của mình trước ngội mộ người thân; tả ngôi mộ người thân,…

Đoạn tả những hình ảnh em bắt gặp trong các bức tranh khi xem triển lãm,…

III. Đề văn và bài văn mẫu

Đề 1: Tưởng tượng 20 năm sau, vào một ngày hè, em về thăm lại trường cũ. Hãy viết thư cho một bạn học hồi ấy kể lại buổi thăm trường đầy xúc động đó.

Dàn ý

Đầu thư : Thời gian, địa điểm viết. Lời chào, giới thiệu bản thân, lí do viết thư.

Nội dung thư :

  • Hỏi thăm tình hình bạn trong những năm qua (học tập, cuộc sống, công tác của bạn).
  • Giới thiệu hoàn cảnh hiện tại của bản thân (công việc, gia đình)
  • Kể lại tình huống về thăm trường : vô tình đi ngang hay có chủ ý, thời gian (mùa hè), có đi cùng ai không?
  • Hình ảnh ngôi trường sau 20 năm xa cách có thay đổi nhiều :
    • Con đường đến trường, cổng trường, toàn bộ quang cảnh (sân trường, cây cối, các dãy nhà, lớp học, cơ sở vật chất).
    • Những người thầy, người cô sau 20 năm đã thấy tuổi già hiện trên gương mặt.
    • Hồi tưởng về quá khứ với bạn bè thầy cô.
  • Cuộc gặp gỡ người xưa : gặp lại thầy cô, bạn bè, ôn chuyện cũ và bày tỏ cảm nhận khi thấy ngôi trường trở nên khang trang, sạch sẽ hơn.
  • Bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ sau buổi thăm trường.

Cuối thư : Lời chào, lời chúc, hứa hẹn và ký tên.

Đề 2: Kể lại một giấc mơ, trong đó em được gặp lại người thân đã xa cách lâu ngày.

Dàn ý

Mở bài : Giới thiệu về giấc mơ đó (hoàn cảnh, nội dung).

Thân bài : Kể lại giấc mơ :

  • Không gian, thời gian cuộc gặp gỡ trong mơ ấy.
  • Nhân vật trong giấc mơ : em là ai, người thân đã xa lâu ngày đó là ai (ông bà,...), người đó xuất hiện trong giấc mơ từ đâu, hình ảnh đầu tiên (dáng người, khuôn mặt thân quen...)
  • Cuộc gặp gỡ, câu chuyện (kỉ niệm, những chuyện vui buồn đã qua, điều mơ ước của em chưa kịp làm khi người thân đã đi xa)

Kết bài. Tình cảm , cảm xúc, mong muốn của bản thân sau giấc mơ

Đề 3: Đã có lần em cùng bố, mẹ (hoặc anh, chị) đi thăm mộ người thân trong ngày lễ, tết. Hãy viết bài văn kể về buổi đi thăm đáng nhớ đó.

Dàn ý

Mở bài : Giới thiệu không gian, thời gian, sự vật, cảm xúc của em (sáng 30 Tết, em đi lễ tảo mộ cùng gia đình theo phong tục truyền thống).

Thân bài :

  • Giải thích khái niệm “tảo mộ” : tảo mộ là thăm viếng, sửa sang và khang trang lại phần mộ tổ tiên, ông bà, người thân trong sáng ngày cuối năm trước khi vào Tết Nguyên đán.
  • Việc đi tảo mộ :
    • Công cuộc chuẩn bị, em đi cùng với ai, phương tiện gì.
    • Quang cảnh ngày hôm ấy : khí trời mùa xuân mát mẻ, trong xanh.
    • Đến nghĩa trang : tìm được phần mộ người thân, quét dọn, chuẩn bị đồ lễ (thắp hương, cắm hoa, bày hoa quả...), khấn vái thành tâm.
    • Không khí nghiêm trang.

Kết bài : Cảm nhận của em sau buổi tảo mộ đó (em nhớ những người thân của mình, nghĩ về đời người ngắn ngủi, em hiểu được rằng chúng ta không được quên và tôn trọng những người đã xa chúng ta đến một thế giới khác). Lễ tảo mộ là một phong tục đáng được giữ gìn để nhớ về tổ tiên trong văn hóa Việt.


Biên soạn: Nguyễn Duy Tuấn
Đơn vị: Trung Tâm Đức Trí - 0286 6540419
Địa chỉ: 26/5 đường số 4, KP 3, P. Bình Hưng Hòa A, Q. Bình Tân, TP. HCM
Fanpage: https://www.fb.com/ttductri

Tác giả: Nguyễn Duy Tuấn

Bài 28: Trau Dồi Vốn Từ
Bài 31: Lục Vân Tiên Cứu Kiều Nguyệt Nga (trích Truyện Lục Vân Tiên)