Picture of the author
Picture of the author
SGK Sinh Học 11»Cảm ứng»Bài 30: Truyền tin qua xináp

Bài 30: Truyền tin qua xináp

Lý thuyết bài Truyền tin qua xináp môn sinh học 11 bộ sách giáo khoa. Nay chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu lý thuyết và bài tập minh họa một cách đầy đủ, dễ hiểu.

Xem thêm

Trong quá trình lan truyền xung thần kinh đến tận cùng của sợi trục thần kinh thì sẽ gặp bộ phận trung gian – bộ phận đó chính là xináp.

I. Lý thuyết

1. Tìm hiểu đặc điểm của xináp

a. Khái niệm 

Xináp là diện tiếp xúc giữa tế bào thần kinh với tế bào thần kinh, giữa tế bào thần kinh với loại tế bào khác (tế bào cơ, tế bào tuyến...).

bai-30-truyen-tin-qua-xinap-1

b. Phân loại

Dựa vào loại tế bào tiếp xúc có 3 loại: 

  • Xináp thần kinh – thần kinh.
  • Xináp thần kinh – cơ.
  • Xináp thần kinh – tuyến.

bai-30-truyen-tin-qua-xinap-2

Dựa vào nhân tố dẫn truyền xung thần kinh qua xináp có 2 loại

  • Xináp hóa học( phổ biến ở động vật).
  • Xináp điện.

bai-30-truyen-tin-qua-xinap-hinh-3

bai-30-truyen-tin-qua-xinap-4

c. Cấu tạo của xináp (xináp hóa học)

Chùy xináp: chứa ti thể, các bóng chứa chất trung gian hóa học (ở động vật phổ biến có 2 chất trung gian hóa học sau: axêtincôlin, norađrênalin).

Màng trước xináp.

Khe xináp: khoảng trống tiếp giáp giữa 2 tế bào.

Màng sau xináp: có thụ thể nhận chất trung gian hóa học, có enzim phân huỷ chất trung gian hóa học.

bai-30-truyen-tin-qua-xinap-5

2. Quá trình truyền tin qua xináp

Quá trình truyền tin qua xináp gồm các giai đoạn sau:

  1. Xung thần kinh đến chùy xináp và làm Ca+ từ ngoài đi vào trong chùy xináp.
  2. Ca+ làm cho các bóng chứa chất trung gian hóa học (axêtincôlin) gắn vào màng trước và vỡ ra. Chất trung gian hóa học đi qua khe xináp đến màng sau.
  3. Chất trung gian hóa học gắn vào thụ thể ở màng sau xináp làm xuất hiện hiệu điện thế hoạt động ở màng sau. Điện thế hoạt động (xung thần kinh) hình thành lan truyền đi tiếp.

Sau khi xung thần kinh hình thành ở màng sau và lan truyền đi tiếp, thì enzim axêtincôlinesteraza có ở màng sau sẽ phân hủy axêtincôlin thành axêtat và côlin. Hai chất này quay trở lại màng trước, đi vào chùy xináp và được tái tổng hợp lại thành axêtincôlin chứa trong các bóng xináp.

bai-30-truyen-tin-qua-xinap-hinh-6

3. Ứng dụng

Thuốc tẩy giun sán cho lợn (dipterec). Sau khi uống vào, thuốc ngấm vào giun sán làm phá hủy enzim ở các xináp gây co cơ telanos, làm giun sán cứng đờ, không bám được vào niêm mạc ruột, cơ trơn của ruột lợn tăng cường co bóp đẩy giun sán ra ngoài. 

bai-30-truyen-tin-qua-xinap-7

Các thổ dân Nam Mĩ có thể săn các con thú rất lớn bằng cách bắn những mũi tên có tẩm chất độc curare ( chiết xuất từ 1 loại cây) chất này có tác dụng phong tỏa màng sau xináp thần kinh _ cơ và gây tê liệt cơ, vì lúc đó xung thần kinh từ não không thể đến được cơ xương, nên con vật không thể di chuyển được.


bai-30-truyen-tin-qua-xinap-8

Các loại thuốc giảm đau ( paracetamol, asparin...) làm ức chế màng sau xináp làm mất khả năng nhận cảm với chất axêtylcôlin của màng sau, làm hạn chế hưng phấn và giảm co thắt gây giảm đau.

Thuốc an thần (Aminazin) cũng có tác dụng tương tự như enzim aminoxidaza làm phân giải adrenalin. Vì thế làm giảm lượng thông tin về não nên dẫn đến an thần.

II. Bài tập luyện tập truyền tin qua xináp của trường NK - LTT

Phần 1. Câu hỏi tự luận

Câu 1: Tại sao chất trung gian hóa học không bị ứ động lại ở màng sau xináp?

Vì: Enzim axêtylcôlinesteraza ở màng sau sẽ phân hủy axêtylcôlin thành axêtat và côlin. Hai chất này quay lại màng trước vào trong chùy và tổng hợp lại thành chứa trong bóng xináp.

Câu 2: Quá trình truyền tin qua xináp theo trình tự nào?

Chùy xináp → màng trước xináp → khe xináp → màng sau xináp.  

Câu 3: Điều gì sẽ xảy ra nếu chất trung gian hóa học axêtylcôlin ở màng sau không được enzim phân giải?

Chất trung gian sẽ ứ đọng ở màng sau gây hiện tượng co cơ telanos. 

Câu 4: Điều gì xảy ra nếu thụ thể ở màng sau bị mất khả năng nhận cảm với chất axêtylcôlin?

Nếu thụ thể ở màng sau bị mất khả năng nhận cảm với chất axêtylcôlin thì xung thần kinh không dẫn truyền đi được ( làm giảm cảm giác hoặc bị tê liệt, mất khả năng vận động).  

Phần 2. Câu hỏi trắc nghiệm

Câu 1: Trong xináp hoá học, thụ quan tiếp nhận chất trung gian hoá học nằm ở 

  1. màng trước xináp.
  2. màng sau xináp.
  3. khe xináp.
  4. chuỳ xináp.

Câu 2: Thông tin được truyền qua xináp nhờ

  1. sự di chuyển ion Ca2+ từ ngoài vào trong chùy xináp.
  2. xung thần kinh lan đến xináp.
  3. chất trung gian hóa học.
  4. sự di chuyển ion Na+ từ khi xináp vào trong tế bào xuất hiện điện thế hoạt động ở màng sau.

Câu 3: Điện thế hoạt động lan truyền qua xináp chỉ theo một chiều từ màng trước sang màng sau vì

  1. phía màng sau không có chất trung gian hoá học.
  2. màng trước không có thụ thể tiếp nhận chất trung gian hoá học.
  3. phía màng sau có màng miêlin ngăn cản và màng trước không có thụ thể tiếp nhận chất này.
  4. phía màng sau không có chất trung gian hoá học và màng trước không có thụ thể tiếp nhận chất này.

Câu 4: Trong xináp, túi chứa chất trung gian hóa học nằm ở

  1. khe xináp.
  2. trên màng trước xináp.    
  3. trên màng sau xináp.
  4. chùy xináp.

Câu 5: Chất trung gian hóa học phổ biến ở động vật dẫn truyền thần kinh tại xináp là

  1. axêtincôlin.
  2. rhodopsin.
  3. glucagon.
  4. insulin.

Câu 6: Đặc điểm nào sau đây không phải của quá trình lan truyền điện thế hoạt động qua xináp?

  1. Xung thần kinh lan truyền theo một chiều.
  2. Tốc độ lan truyền chậm hơn so với trên sợi thần kinh.
  3. Cần có chất trung gian hóa học.
  4. Xung thần kinh lan truyền theo hai chiều.

Câu 7: Sau khi điện thế hoạt động lan truyền đi tiếp ở màng sau, axêtincôlin phân hủy thành

  1. axit axêtic và côlin.
  2. axêtat và côlin.    
  3. côlin.
  4. esteraza và côlin.

Câu 8: Chất trung gian hóa học truyền tin bằng cách nào sau đây?

  1. Thay đổi tính thấm của màng sau xináp của tế bào tiếp theo.
  2. Dùng các bóng xináp.
  3. Dùng các thùy xináp.
  4. Dùng các bóng hóa học.
Đáp án câu hỏi trắc nghiệm

Câu 1:

Chọn B.

Hướng dẫn giải:

Màng sau xináp có thụ thể nhận chất trung gian hóa học, có enzim phân huỷ chất trung gian hoá học.

Câu 2:

Chọn C.

Hướng dẫn giải:

Sự truyền tin qua xináp thực hiện được là nhờ chất trung gian hóa học.

Câu 3:

Chọn D.

Hướng dẫn giải:

Do đặc điểm cấu tạo của xináp ở màng sau không có chất hóa học và màng trước không có thụ thể tiếp nhận chất này nên điện thế hoạt động lan truyền qua xináp chỉ theo một chiều từ màng trước sang màng sau.

Câu 4:

Chọn D.

Hướng dẫn giải:

Trong xináp, túi chứa chất trung gian hóa học nằm ở chùy xináp.

Câu 5:

Chọn A.

Hướng dẫn giải:

Chất trung gian hóa học phổ biến ở động vật là axêtincôlin và norađrênalin.

Câu 6:

Chọn D.

Hướng dẫn giải:

A, B, C đúng.

D không phải vì xung thần kinh chỉ lan truyền theo 1 chiều do màng sau không có chất trung gian hóa học để đi về màng trước và màng trước không có thụ thể tiếp nhận chất trung gian hóa học. 

Câu 7:

Chọn B.

Hướng dẫn giải:

Enzim axêtincôlinesteraza có ở màng sau sẽ phân hủy axêtincôlin thành axêtat và côlin.

Câu 8:

Chọn A.

Hướng dẫn giải:

Chất trung gian hóa học được giải phóng đi qua màng trước, khe xináp đến màng sau. Chất trung gian hóa học gắn vào thụ thể ở màng sau xináp bị phân giải → làm thay đổi tính thấm ở màng sau xináp xuất hiện điện thế hoạt động (xung thần kinh) ở màng sau → xung thần kinh lan truyền tiếp.


Giáo viên biên soạn: Trần Ngọc Thủy

Trường THCS – THPT Nguyễn Khuyến - Bình Dương

Tác giả: Trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến - Tổ Sinh

Bài 29: Điện thế hoạt động và sự lan truyền xung thần kinh
Bài 31: Tập tính của động vật