Picture of the author
Picture of the author
SGK Sinh Học 11»Sinh trưởng và phát triển»Bài 36: Phát Triển Ở Thực Vật Có Hoa

Bài 36: Phát Triển Ở Thực Vật Có Hoa

Lý thuyết bài Phát triển ở thực vật có hoa môn Sinh học 11 bộ sách giáo khoa. Nay chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu lý thuyết và bài tập minh họa một cách đầy đủ, dễ hiểu.

Xem thêm

I. Lý thuyết về phát triển ở thực vật có hoa

1. Khái quát về phát triển ở thực vật có hoa

1.1 Khái niệm phát triển ở thực vật

  • Phát triển của thực vật là toàn bộ những biến đổi diễn ra theo chu trình sống.

bai-36-phat-trien-o-thuc-vat-co-hoa-hinh-1

1.2 Chu trình phát triển của thực vật có hoa

  • Gồm ba quá trình liên quan với nhau: sinh trưởng, phân hóa và phát sinh hình thái tạo nên các cơ quan (rễ, thân, lá, hoa, quả và hạt).
bai-36-phat-trien-o-thuc-vat-co-hoa-hinh-2
Chu trình phát triển của khoai tây

1.3 Mối quan hệ giữa sinh trưởng và phát triển

  • Mối quan hệ giữa sinh trưởng và phát triển: sinh trưởng và phát triển là hai quá trình có liên quan đến nhau, đó là 2 mặt của chu trình sống của cây.
  • Sinh trưởng là cơ sở cho sự phát triển và phát triển lại thúc đẩy sự sinh trưởng.

2. Những nhân tố chi phối sự ra hoa

Xác định nhân tố chi phối sự ra hoa thông qua các ví dụ sau đây

Ví dụ 1: Cây cà chua ra hoa khi có lá thứ 14; cây lúa sau 3 tháng sẽ trổ bông; sau 50 – 60 năm thì tre trổ bông, chuối trồng được 1 năm sẽ ra hoa, cây na trồng gần 3 năm sẽ ra hoa....

bai-36-phat-trien-o-thuc-vat-co-hoa-hinh-3

 Nhân tố chi phối sự ra hoa là tuổi của cây: Tuỳ vào giống, loài, đến độ tuổi xác định thì cây ra hoa.

Ví dụ 2: Nhiều cây ra hoa phụ thuộc vào nhiệt độ thấp gọi là hiện tượng xuân hóa ví dụ: bắp cải, lúa mì, lúa mạch...

bai-36-phat-trien-o-thuc-vat-co-hoa-hinh-4

bai-36-phat-trien-o-thuc-vat-co-hoa-hinh-5

Nhân tố chi phối sự ra hoa: nhiệt độ thấp.

Ví dụ 3: Thời gian chiếu sáng xen kẽ sáng tối ( độ dài ngày và đêm) ảnh hưởng đến sinh trưởng sinh trưởng và phát triển của cây

 

Cây ngày dài

Cây ngày ngắn

Cây trung tính

Ví dụ

Lúa mì, dâu tây.

Cà phê, mía, cà tím.

Cà chua, lạc, đậu cô ve.

Đặc điểm

+ Ra hoa trong điều kiện chiếu sáng nhiều hơn 12h/ngày. 

+ Ra hoa vào mùa hè.

+ Ra hoa trong điều kiện chiếu sáng ít hơn 12h/ngày.

+ Ra hoa vào mùa đông.

+ Ra hoa trong điều kiện ngày dài và ngày ngắn.

+ Ra hoa cả mùa đông lẫn mùa hè.

→ Nhân tố chi phối sự ra hoa: là tương quan độ dài ngày và đêm còn được gọi là quang chu kì

Ví dụ 4: Là sắc tố cảm nhận quang chu kì của thực vật và là sắc tố nảy mầm đối với các loại hạt mẫn cảm với ánh sáng.

→ Nhân tố chi phối sự ra hoa: là Phitôcrôm.

+ Phitôcrôm là một loại prôtêin hấp thụ ánh sáng ảnh hưởng đến sự ra hoa, nảy mầm, đóng mở khí khổng.

+ Phitôcrôm tồn tại ở 2 dạng: dạng hấp thụ ánh sáng đỏ (Pđ), dạng hấp thụ ánh sáng đỏ xa (Pđ). Hai dạng này có thể chuyển hóa thuận nghịch cho nhau dưới tác động của ánh sáng.

Ví dụ 5: Hoocmôn ra hoa (florigen) là chất hữu cơ được hình thành trong lá và được vận chuyển đến các điểm sinh trưởng của thân làm cây ra hoa.

bai-36-phat-trien-o-thuc-vat-co-hoa-hinh-6

→ Nhân tố chi phối sự ra hoa: là hoocmon florigen.

3. Ứng dụng kiến thức về sinh trưởng và phát triển của thực vật có hoa

3.1 Ứng dụng kiến thức về sinh trưởng

  • Trong ngành trồng trọt: điều khiển sự sinh trưởng của thực vật theo ý muốn con người.
  • Khi cây gỗ còn non để mật độ dày nhằm thúc cây gỗ non mọc vống nhanh nhờ điều kiện ánh sáng yếu dưới tán rừng.
  • Khi cây trưởng thành thì tỉa bớt để lại tăng lượng ánh sáng lọt xuống làm chậm sinh trưởng chiều cao nhưng lại tăng sinh trưởng theo đường kính.

+ Dùng gibêrelin để thúc hạt hoặc củ nảy mầm sớm khi chúng còn đang ở trạng thái ngủ (củ khoai tây).

+ Điều tiết quá trình sinh trưởng của cây rừng bằng cách điều chỉnh ánh sáng của cây theo từng giai đoạn phát triển.

+ Bảo quản giống trong kho lạnh.

  • Trong công nghiệp rượu bia: sử dụng hoocmôn sinh trưởng gibêrelin để tăng quá trình phân giải tinh bột thành mạch nha.

3.2 Ứng dụng kiến thức về phát triển

Kiến thức về tác động của nhiệt độ, quang chu kì được sử dụng trong công tác chọn cây trồng theo vùng địa lí, theo mùa; xen canh; chuyển, gối vụ cây nông nghiệp và trồng rừng hỗn loài.

II. Bài tập luyện tập về phát triển ở thực vật có hoa của trường Nguyễn Khuyến

Câu 1: Tác dụng chủ yếu của auxin là

  1. phân chia tế bào.
  2. kéo dài tế bào.
  3. phân hóa tế bào.
  4. làm trương phồng tế bào.

Câu 2: Vai trò của phitôcrôm là

  1. tác động đến sự phân chia tế bào.
  2. tác động đến sự ra hoa, nảy mầm, đóng mở khí khổng.
  3. kích thích sự ra hoa của cây ngày dài.
  4. kích thích sự ra hoa của cây ngắn ngày.

Câu 3: Quang chu kì là

  1. tương quan độ dài ban ngày và ban đêm.
  2. thời gian chiếu sáng xen kẽ với bóng tối bằng nhau trong ngày.
  3. thời gian chiếu sáng trong một ngày.
  4. tương quan độ dài ban ngày và ban đêm trong một mùa.

Câu 4: Cây trung tính là cây ra hoa ở

  1. ngày dài vào mùa mưa và ở ngày ngắn vào mùa khô.
  2. cả ngày dài và ngày ngắn.
  3. ngày dài vào mùa lạnh và ở ngày ngắn vào mùa nóng.
  4. ngày ngắn vào mùa lạnh và ngày dài vào mùa nóng.

Cây 5: Nhóm cây nào sau đây là cây ngày dài?

  1. Lúa mì, đại mạch, yến mạch.
  2. Thanh long, lúa, cà phê.
  3. Hoa cúc, cà chua, khoai tây.
  4. Hướng dương, thanh long, hoa cúc.

Câu 6: Phitôcrôm Pđ và Pđx có mối liên hệ với nhau là

  1. hai dạng đều không chuyển hóa lẫn nhau dưới sự tác động của ánh sáng.
  2. hai dạng chuyển hóa lẫn nhau dưới sự tác động của ánh sáng.
  3. dạng Pđ không chuyển hóa được sang dạng Pđx.
  4. dạng Pđ không chuyển hóa được sang dạng Pđx.

Câu 7: Kết quả của quá trình phát triển là

  1. hình thành các cơ quan rễ, thân, lá, hoa, quả.
  2. làm cho cây lớn lên.
  3. làm cho cây ngừng sinh trưởng và chuẩn bị ra hoa.
  4. làm cho cây sinh sản và chuyển sang già cỗi.

Câu 8: Phitôcrôm là sắc tố cảm nhận quang chu kì

  1. nhưng không cảm nhận ánh sáng, có bản chất là prôtêin và có trong các hạt cần ánh sáng để nảy mầm.
  2. và cảm nhận ánh sáng, có bản chất không phải là prôtêin và có trong các hạt cần ánh sáng để nảy mầm.
  3. và cảm nhận ánh sáng, có bản chất là prôtêin và chứa trong các lá cần ánh sáng để quang hợp.
  4. và cảm nhận ánh sáng, có bản chất là prôtêin và có trong các hạt cần ánh sáng để nảy mầm.

Câu 9: Một cây ngày ngắn, người ta chiếu sáng ngắt quãng trong đêm dài một thời gian. Cây ngày ngắn đó sẽ

  1. héo.
  2. ra hoa.
  3. chết.
  4. không ra hoa.

Câu 10: Florigen kích thích sự ra hoa của cây được sinh ra ở

  1. chồi nách.
  2. lá.
  3. đỉnh thân.
  4. rễ.
ĐÁP ÁN

Câu 1: Chọn B.

Hướng dẫn giải

Auxin có tác dụng kích thích quá trình nguyên phân và sinh trưởng dãn dài của tế bào.

Câu 2: Chọn B.

Hướng dẫn giải

Phitôcrôm là một loại prôtêin hấp thụ ánh sáng ảnh hưởng đến sự ra hoa, nảy mầm, đóng mở khí khổng.

Câu 3: Chọn A.

Hướng dẫn giải

Quang chu kì là tương quan độ dài ban ngày và ban đêm.

Câu 4: Chọn B.

Hướng dẫn giải

Cây trung tính có đặc điểm ra hoa trong điều kiện ngày dài và ngày ngắn, ra hoa cả mùa đông lẫn mùa hè.

Cây 5: Chọn A.

Hướng dẫn giải

Trong các nhóm cây trên có lúa mì, đại mạch, yến mạch là những cây thuộc nhóm cây ngày dài.

Câu 6: Chọn B.

Hướng dẫn giải

Phitôcrôm Pđ và Pđx có mối liên hệ với nhau là hai dạng chuyển hóa lẫn nhau dưới sự tác động của ánh sáng.

Câu 7: Chọn A.

Hướng dẫn giải

Quá trình phát triển sẽ gồm ba quá trình liên quan với nhau: sinh trưởng, phân hóa và phát sinh hình thái tạo nên các cơ quan (rễ, thân, lá, hoa, quả và hạt).

Câu 8: Chọn D.

Hướng dẫn giải

Phitôcrôm là sắc tố cảm nhận quang chu kì và cảm nhận ánh sáng, có bản chất là prôtêin và có trong các hạt cần ánh sáng để nảy mầm.

Câu 9: Chọn D.

Hướng dẫn giải

Cây ngày ngắn ra hoa trong điều kiện chiếu sáng ít hơn 12h/ngày nên khi chiếu sáng ngắt quãng trong đêm dài một thời gian thành điều kiện chiếu sáng hơn 12h/ ngày, cây sẽ không ra hoa.

Câu 10: Chọn B.

Hướng dẫn giải

Florigen kích thích sự ra hoa của cây được sinh ra ở được sản sinh ở lá.


GIÁO VIÊN BIÊN SOẠN: TRẦN NGỌC THỦY

ĐƠN VỊ: TRƯỜNG THCS – THPT NGUYỄN KHUYẾN - BÌNH DƯƠNG

Tác giả: Trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến - Tổ Sinh

Bài 35: Hoocmon Thực Vật
Bài 37: Sinh Trưởng Và Phát Triển Ở Động Vật