Picture of the author
Picture of the author
SGK Sinh Học 11»Sinh trưởng và phát triển»Bài 38: Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Sinh T...

Bài 38: Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Sinh Trưởng Và Phát Triển Ở Động Vật

Lý thuyết bài Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Sinh Trưởng Và Phát Triển Ở Động Vật môn Sinh học 11 bộ sách giáo khoa. Nay chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu lý thuyết và bài tập minh họa một cách đầy đủ, dễ hiểu.

Xem thêm

Sự sinh trưởng và phát triển của loài, cá thể do nhân tố di truyền quyết định. Ngoài nhân tố này, sinh trưởng và phát triển của động vật còn chịu ảnh hưởng của nhiều nhân tố khác, có thể chia thành hai nhóm nhân tố chính là nhân tố bên trong và nhân tố bên ngoài.

I. Nhân tố bên trong

Hoocmôn là nhân tố bên trong ảnh hưởng quan trọng nhất đến sinh trưởng và phát triển của động vật.

1. Các hoocmôn ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của động vật có xương sống

Hooc môn

 

 

Hoocmôn sinh trưởng

Do tuyến yên tiết ra.

- Kích thích phân chia tế bào và tăng kích thước của tế bào do tăng quá trình tổng hợp prôtêin.

- Kích thích phát triển xương (xương dài ra và to lên).

 

 

 

Tirôxin

Do tuyến giáp tiết ra.

- Kích thích chuyển hóa ở tế bào và kích thích quá trình sinh trưởng, phát triển bình thường của cơ thể.

- Đối với lưỡng cư, tirôxin gây biến thái từ nòng nọc thành ếch.

 

 

 

Hoocmôn sinh dục

Ơstrôgen do buồng trứng tiết ra, testostêrôn do tinh hoàn tiết ra.

- Kích thích sinh trưởng, phát triển mạnh ở giai đoạn dậy thì: tăng phát triển xương, kích thích phân hóa tế bào để hình thành các đặc điểm sinh dục phụ thứ cấp.

- Riêng testostêrôn còn làm tăng mạnh tổng hợp prôtêin, phát triển mạnh cơ bắp.

 

2. Các hoocmôn ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của động vật không xương sống

Hai hoocmôn chủ yếu ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của côn trùng là ecđixơn và juvenin.

+ Ecđixơn: gây lột xác ở sâu bướm, kích thích sâu biến thành nhộng và bướm.

+ Juvenin: phối hợp với ecđixơn gây lột xác ở sâu bướm, ức chế quá trình biến đổi sâu thành nhộng và bướm.

bai-38-39-cac-nhan-to-anh-huong-den-sinh-truong-va-phat-trien-o-dong-vat-hinh-1
Sơ đồ ảnh hưởng của hoocmon đến hình thái của bướm

II. Bài tập luyện tập các nhân tố ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển ở động vật của trường Nguyễn Khuyến

Câu 1. Testosterone được sinh sản ra ở cơ quan nào sau đây?

  1. Tuyến giáp.
  2. Tuyến yên.
  3. Tinh hoàn.
  4. Buồng trứng.

Câu 2. Nếu tuyến yên sản sinh ra quá ít hoocmôn sinh trưởng ở giai đoạn trẻ em sẽ dẫn đến hậu quả gì sau đây?

  1. Chậm lớn hoặc ngừng lớn,  trí tuệ kém.
  2. Người bé nhỏ.
  3. Các đặc điểm sinh dục phụ nữ kém phát triển.
  4. Các đặc điểm sinh dục nam kém phát triển.

Câu 3. Hoocmôn sinh trưởng (GH) được sinh sản ra ở

  1. tuyến giáp.
  2. buồng trứng.
  3. tuyến yên.
  4. tinh hoàn.

Câu 4. Các hoocmôn chủ yếu ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển ở động vật có xương sống là

  1. hoocmôn sinh trưởng và ơstrogen.
  2. hoocmôn sinh trưởng và testosterone.
  3. testosterone và tirôxin.
  4. hoocmôn sinh trưởng, tirôxin, testosterone và ơstrogen.

Câu 5. Khi trời rét, động vật biến nhiệt phát triển chậm vì thân nhiệt giảm làm cho sự chuyển hóa trong cơ thể

  1. giảm dẫn tới hạn chế tiêu thụ năng lượng.
  2. mạnh hơn tạo nhiều năng lượng để chống rét.
  3. giảm, sinh sản tăng.
  4. tăng, sinh sản giảm.

Câu 6. Sự sinh trưởng và phát triển của động vật hằng nhiệt khi đến mùa rét bị ảnh hưởng vì thân nhiệt giảm làm cho sự chuyển hóa

  1. và sinh sản giảm.
  2. trong cơ thể giảm, sinh sản giảm.
  3. trong cơ thể giảm dẫn tới hạn chế tiêu thụ năng lượng.
  4. trong cơ thể tăng tạo nhiều năng lượng để chống rét.

Câu 7. Tirôxin được sản sinh ra ở

  1. tuyến giáp.
  2. tuyến yên.
  3. tinh hoàn.
  4. buồng trứng. 

Câu 8. Nhân tố nào sau đây ảnh hưởng mạnh nhất đến sự sinh trưởng và phát triển của động vật?

  1. Thức ăn.
  2. Nhiệt độ.
  3. Ánh sáng.
  4. Ôxi.

Câu 9. Hoocmôn ecđixơn có tác dụng

  1. gây ức chế sự lột xác của sâu bướm, kích thích sâu biến thành nhộng và bướm.
  2. gây ức chế sự lột xác của sâu bướm, kìm hãm sâu biến thành nhộng và bướm.
  3. gây lột xác của sâu bướm, kích thích sâu biến thành nhộng và bướm.
  4. gây lột xác của sâu bướm, ức chế sâu biến thành nhộng và bướm.                                           

Câu 10. Hooc môn juvenin có tác dụng

  1. gây lột xác của sâu bướm, kích thích sâu biến thành nhộng và bướm.
  2. gây lột xác của sâu bướm, ức chế sâu biến thành nhộng và bướm.
  3. ức chế sự lột xác của sâu bướm, kích thích sâu biến thành nhộng và bướm.
  4. ức chế sự lột xác của sâu bướm, kìm hãm sâu biến thành nhộng và bướm.
ĐÁP ÁN

Câu 1. Đáp án: C

   Hướng dẫn giải: Testosterone được sinh sản ra ở tinh hoàn.

Câu 2. Đáp án: B

   Hướng dẫn giải: Nếu tuyến yên sản sinh ra quá ít hoocmôn sinh trưởng ở giai đoạn trẻ em sẽ dẫn đến cơ thể bé nhỏ.

Câu 3. Đáp án: C

   Hướng dẫn giải: Hoocmôn sinh trưởng (GH) được sinh sản ra ở tuyến yên.

Câu 4. Đáp án: D

   Hướng dẫn giải: Các hoocmôn chủ yếu ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển ở động vật có xương sống là hoocmôn sinh trưởng, tirôxin, testosterone và ơstrogen.

Câu 5. Đáp án: A

   Hướng dẫn giải: Khi trời rét, động vật biến nhiệt phát triển chậm vì thân nhiệt giảm làm cho sự chuyển hóa trong cơ thể giảm dẫn tới hạn chế tiêu thụ năng lượng.

Câu 6. Đáp án: D

   Hướng dẫn giải: Sự sinh trưởng và phát triển của động vật hằng nhiệt khi đến mùa rét bị ảnh hưởng vì thân nhiệt giảm làm cho sự chuyển hóa trong cơ thể tăng tạo nhiều năng lượng để chống rét.

Câu 7. Đáp án: A

   Hướng dẫn giải: Tirôxin được sản sinh ra ở tuyến giáp.

Câu 8. Đáp án: A

  Hướng dẫn giải: Nhân tố ảnh hưởng mạnh nhất đến sự sinh trưởng và phát triển của động vật là thức ăn.

Câu 9. Đáp án: C

   Hướng dẫn giải: Hoocmôn ecđixơn có tác dụng gây lột xác của sâu bướm, kích thích sâu biến thành nhộng và bướm.    

Câu 10. Đáp án: C

   Hướng dẫn giải: Hoocmôn juvenin có tác dụng gây lột xác của sâu bướm, ức chế sâu biến thành nhộng và bướm.


GV BIÊN SOẠN: NGUYỄN THỊ THÙY LINH

ĐƠN VỊ: TRƯỜNG THCS-THPT NGUYỄN KHUYẾN

Tác giả: Trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến - Tổ Sinh

Bài 37: Sinh Trưởng Và Phát Triển Ở Động Vật
Bài 39: Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Sinh Trưởng Và Phát Triển Ở Động Vật (tt)