Picture of the author
Picture of the author
SGK Sinh Học 11»Sinh trưởng và phát triển»Bài 39: Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Sinh T...

Bài 39: Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Sinh Trưởng Và Phát Triển Ở Động Vật (tt)

Lý thuyết bài Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Sinh Trưởng Và Phát Triển Ở Động Vật (tt) môn Sinh học 11 bộ sách giáo khoa. Nay chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu lý thuyết và bài tập minh họa một cách đầy đủ, dễ hiểu.

Xem thêm

I. Nhân tố bên ngoài

1. Thức ăn

Thức ăn là nhân tố ảnh hưởng mạnh nhất đến quá trình sinh trưởng và phát triển kể cả động vật và người.

Ví dụ:

  • Thiếu prôtêin: động vật chậm lớn và gầy yếu, dễ mắc bệnh.
  • Thiếu vitamin D: gây bệnh còi xương, chậm lớn ở động vật và người.

2. Nhiệt độ

Mỗi loài động vật sinh trưởng, phát triển tốt trong điều kiện nhiệt độ môi trường thích hợp. Nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp có thể làm chậm quá trình sinh trưởng và phát triển của động vật, đặc biệt là đối với động vật biến nhiệt.

Ví dụ:

  • Vào mùa đông, khi nhiệt độ hạ xuống 16 - 18℃, cá rô phi ngừng lớn hoặc ngừng đẻ.
  • Đối với gia súc non, mùa đông lạnh giá gây mất nhiều nhiệt, cần tăng khẩu phần ăn của chúng.

3. Ánh sáng

Những ngày trời rét, động vật mất nhiều nhiệt vì vậy chúng thường phơi nắng để thu thêm nhiệt.

Tia tử ngoại tác động lên da biến tiền vitamin D thành vitamin D giúp chuyển hóa canxi hình thành xương.

Ở người: có nhiều nhân tố môi trường ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển, đặc biệt là giai đoạn phôi thai.

  • Nếu mẹ nghiện rượu, nghiện ma túy: con sinh ra có tỉ lệ dị tật cao hơn bình thường.
  • Nếu mẹ bị nhiễm virut cúm trong những tháng đầu mang thai: con sinh ra có thể bị dị tật như hở hàm ếch, thiếu ngón tay, ngón chân...
  • Nếu mẹ nghiện thuốc lá: con sinh ra nhẹ cân (giảm so với bình thường từ 200 – 500g...).

II. Một số biện pháp điều khiển sinh trưởng và phát triển ở động vật và ngườI

1. Cải tạo giống

Bằng các phương pháp chọn lọc nhân tạo, lai giống, công nghệ phôi... người ta đã tạo ra các giống vật nuôi có tốc độ sinh trưởng và phát triển nhanh, năng suất cao, thích nghi với các điều kiện địa phương.

2. Cải thiện môi trường sống của động vật

Vệ sinh chuồng trại, nâng cao khẩu phần ăn (theo từng giai đoạn, từng mục đích chăn nuôi) làm thay đổi tốc độ sinh trưởng và phát triển của vật nuôi làm tăng năng suất chăn nuôi.

3. Cải thiện chất lượng dân số

Nâng cao đời sống: cải thiện chế độ dinh dưỡng, luyện tập thể dục thể thao...

Tư vấn di truyền, phát hiện sớm các đột biến trong phát triển phôi thai.

Giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Chống sử dụng ma túy, chống nghiện thuốc lá, lạm dụng rượu, bia...


GV BIÊN SOẠN: NGUYỄN THỊ THÙY LINH

ĐƠN VỊ: TRƯỜNG THCS-THPT NGUYỄN KHUYẾN

Tác giả: Trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến - Tổ Sinh

Bài 38: Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Sinh Trưởng Và Phát Triển Ở Động Vật