Picture of the author
Picture of the author
SGK Sinh Học 11»Sinh Sản»Bài 44: Sinh Sản Vô Tính Ở Động Vật

Bài 44: Sinh Sản Vô Tính Ở Động Vật

Lý thuyết bài Sinh Sản Vô Tính Ở Động Vật môn Sinh học 11 bộ sách giáo khoa. Nay chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu lý thuyết và bài tập minh họa một cách đầy đủ, dễ hiểu.

Xem thêm

I. Lý thuyết về sinh sản vô tính ở động vật

Sinh sản là quá trình tạo ra các thế hệ mới, quá trình này đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của loài. Động vật có hai hình thức sinh sản phổ biến là sinh sản vô tính và sinh sản hữu tính.

1. Sinh sản vô tính là gì?

Sinh sản vô tính là hình thức sinh sản trong đó một cá thể sinh ra một hay nhiều cá thể mới có bộ nhiễm sắc thể giống hệt nó, không có sự kết hợp giữa tinh trùng và tế bào trứng. Cơ sở tế bào học của sinh sản vô tính là phân bào nguyên nhiễm (nguyên phân).

2. Các hình thức sinh sản vô tính ở động vật

2.1 Phân đôi

bai-44-sinh-san-vo-tinh-o-dong-vat-hinh-1
Phân đôi ở trùng roi xanh 

- Đặc điểm: từ một tế bào ban đầu, nhân đôi vật chất di truyền, phân chia nhân, phân chia tế bào chất bằng cách thắt eo ở giữa và tạo ra 2 cá thể mới.

- Đại diện: động vật đơn bào, giun dẹp.

2.2 Nảy chồi.

bai-44-sinh-san-vo-tinh-o-dong-vat-hinh-2
Nảy chồi ở thủy tức
bai-44-sinh-san-vo-tinh-o-dong-vat-hinh-3
Nảy chồi ở san hô

- Từ vùng sinh chồi trên cơ thể mẹ, các tế bào này phân chia nhanh và phát triển hơn các vùng lân cận, tạo thành cơ thể mới.

- Cơ thể con có thể sống bám trên cơ thể mẹ hoặc tách ra sống độc lập.

- Đại diện: bọt biển, ruột khoang.

1.3 Phân mảnh

bai-44-sinh-san-vo-tinh-o-dong-vat-hinh-4
Phân mảnh ở giun dẹp

- Từ các mảnh nhỏ tách từ cơ thể gốc phát triển thành các cơ thể mới.

- Đại diện: bọt biển, giun dẹp.

1.4 Trinh sản

bai-44-sinh-san-vo-tinh-o-dong-vat-hinh-5
Trinh sản ở loài ong

- Các tế bào trứng không qua thụ tinh phát triển thành cơ thể đơn bội (n).

- Thường xen kẽ với sinh sản hữu tính.

- Đại diện: ong, kiến, rệp, một số loài cá, lưỡng cư, bò sát.

3. Ứng dụng

3.1 Nuôi mô sống

- Cách tiến hành: tách mô từ cơ thể động vật và nuôi cấy trong môi trường đủ dinh dưỡng.

- Điều kiện: vô trùng và nhiệt độ thích hợp.

- Ứng dụng trong y học: nuôi cấy da người để chữa cho bệnh nhân bị bỏng da.

bai-44-sinh-san-vo-tinh-o-dong-vat-hinh-6
Da nhân tạo

3.2 Nhân bản vô tính

- Cách tiến hành: chuyển nhân của một tế bào xôma (2n) vào tế bào trứng đã lấy mất nhân, rồi kích thích tế bào trứng đó phát triển thành một phôi. Chuyển phôi vào con cái khác cho mang thai hộ và sinh ra cơ thể mới.

- Ý nghĩa của nhân bản vô tính đối với đời sống: hi vọng sẽ giúp tạo ra các mô, các cơ quan mong muốn, từ đó thay thế các mô, cơ quan bị bệnh, bị hỏng ở người bệnh.

VD: Qui trình tạo cừu Dolly năm 1996

bai-44-sinh-san-vo-tinh-o-dong-vat-hinh-7
Qui trình nhân bản vô tính cừu Dolly

II.  Bài tập luyện tập sinh sản vô tính ở động vật của hệ thống trường Nguyễn Khuyến – Lê Thánh Tông

Câu 1: Sinh sản vô tính ở động vật là

  1. một cá thể sinh ra một hay nhiều cá thể giống và khác mình, không có sự kết hợp giữa tinh trùng và trứng.
  2. một cá thể luôn sinh ra nhiều cá thể giống mình, không có sự kết hợp giữa tinh trùng và trứng.
  3. một cá thể sinh ra một hay nhiều cá thể giống mình, không có sự kết hợp giữa tinh trùng và trứng.
  4. một cá thể luôn sinh ra chỉ một cá thể giống mình, không có sự kết hợp giữa tinh trùng và trứng.

Câu 2: Đặc điểm nào không đúng với sinh sản vô tính ở động vật?

  1. Cá thể có thể sống độc lập, đơn lẻ vẫn sinh sản bình thường.
  2. Đảm bảo sự ổn định về mặt di truyền qua các thế hệ cơ thể.
  3. Tạo ra số luợng lớn con cháu trong thời gian ngắn.
  4. Có khả năng thích nghi cao với sự thay đổi của điều kiện môi trường.

Câu 3: Sinh sản vô tính ở động vật dựa trên những hình thức phân bào nào?

  1. Trực phân và giảm phân.
  2. Giảm phân và nguyên phân.
  3. Trực phân và nguyên phân.
  4. Trực phân, giảm phân và nguyên phân.

Câu 4: Hình thức sinh sản vô tính nào ở động vật diễn ra đơn giản nhất?

  1. Nảy chồi.
  2. Trinh sinh.
  3. Phân mảnh.
  4. Phân đôi.

Câu 5: Hình thức sinh sản vô tính nào có cả ở đông vật đơn bào và đa bào?

  1. Trinh sinh.
  2. Phân mảnh.
  3. Phân đôi.
  4. Nảy chồi.

Câu 6: Sinh sản vô tính thường gặp ở

  1. nhiều loài động vật có tổ chức cơ thể thấp.
  2. hầu hết động vật không xương sống.
  3. động vật có xương sống.
  4. động vật đa bào.

Câu 7: Trinh sản xảy ra ở loài động vật nào sau đây?

  1. Ong.
  2. Gà.
  3. Mèo.
  4. Gián.

Câu 8: Ưu điểm của sinh sản vô tính là

  1. tạo nhiều cá thể đa dạng di truyền.
  2. tạo nhiều cá thể giống nhau và giống bố mẹ.
  3. các cá thể con được tạo thành nhờ thụ tinh.
  4. tạo nhiều cá thể có kiểu gen khác bố mẹ.

Câu 9: Sinh sản vô tính ở động vật có các hình thức nào sau đây?

  1. Phân đôi, nảy chồi, phân mảnh, trinh sinh.
  2. Phân đôi, nảy chồi, phân mảnh, tái sinh.
  3. Phân đôi, tái sinh, bào tử, sinh dưỡng.
  4. Phân đôi, tiếp hợp, phân mảnh, tái sinh.

Câu 10: Nhóm động vật nào sau đây có hình thức sinh sản vô tính?

  1. Ong, thủy tức.
  2. Cá, chim.
  3. Ếch, bò sát.
  4. Giun đất, trùng đế giày.
ĐÁP ÁN

Câu 1: Đáp án: C

Hướng dẫn giải: sinh sản vô tính ở động vật là một cá thể sinh ra một hay nhiều cá thể giống mình, không có sự kết hợp giữa tinh trùng và trứng.

Câu 2: Đáp án: D

Hướng dẫn giải: Có khả năng thích nghi cao với sự thay đổi của điều kiện môi trường là sai vì các cá thể có cùng kiểu gen nên khi điều kiện sống thay đổi sẽ dễ gây chết hàng loạt.

Câu 3: Đáp án: C

Hướng dẫn giải: Trực phân và nguyên phân là các hình thức phân bào nguyên nhiễm.

Câu 4: Đáp án: D

Hướng dẫn giải: Hình thức sinh sản vô tính ở động vật diễn ra đơn giản nhất là phân đôi.

Câu 5: Đáp án: D

Hướng dẫn giải: Hình thức sinh sản vô tính có cả ở đông vật đơn bào và đa bào là nảy chồi (vi khuẩn, thủy tức…)

Câu 6: Đáp án: A

Hướng dẫn giải: sinh sản vô tính thường gặp ở nhiều loài động vật có tổ chức thấp.

Câu 7: Đáp án: A

Hướng dẫn giải: trinh sản xảy ra ở loài ong.

Câu 8: Đáp án: B

Hướng dẫn giải: sinh sản vô tính là tạo nhiều cá thể giống nhau và giống bố mẹ.

Câu 9: Đáp án: A

Hướng dẫn giải: sinh sản vô tính ở động vật có các hình thức phân đôi, nảy chồi, phân mảnh, trinh sinh.

Câu 10: Đáp án: A

Hướng dẫn giải: động vật có hình thức sinh sản vô tính là ong, thủy tức.


GV BIÊN SOẠN: NGUYỄN THỊ THÙY LINH

ĐƠN VỊ: TRƯỜNG THCS-THPT NGUYỄN KHUYẾN

Tác giả: Trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến - Tổ Sinh

Bài 42: Sinh Sản Hữu Tính Ở Thực Vật
Bài 45: Sinh sản hữu tính ở động vật