Picture of the author
Picture of the author
SGK Sinh Học 8»Da»Bài 41: Cấu tạo và chức năng của da

Bài 41: Cấu tạo và chức năng của da

Lý thuyết Cấu tạo và chức năng của da Sinh học 8 bộ sách giáo khoa. Nay chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu lý thuyết và bài tập minh họa một cách đầy đủ, dễ hiểu.

Xem thêm

 

Da che chở, bảo vệ cơ thể. Da có cấu tạo phù hợp với chức năng.

A. Lý thuyết

Nội dung 1.  Cấu tạo của da

Các lớp của da

Các thành phần thuộc mỗi lớp

Lớp biểu bì

Tầng sừng, tầng tế bào sống.

Lớp bì

Thụ quan, tuyến nhờn, cơ co chân lông, lông và bao lông, tuyến mồ hôi, dây thần kinh, mạch máu.

Lớp mỡ dưới da

Lớp mỡ.

cau-tao-va-chuc-nang-cua-da
(Nguồn: vinmec)

Nội dung 2. Chức năng của da

cau-tao-va-chuc-nang-cua-da-1

B. Bài tập và hướng dẫn giải của hệ thống NK - LTT

Phần I: Câu hỏi tự luận

Câu 1: Vì sao vào mùa đông, da thường tím tái, sởn gai ốc hoặc nổi da gà?

Hướng dẫn trả lời:

Mùa đông khi trời rét, mạch máu dưới da co, lưu lượng máu qua da ít nên da bị tím tái. Ngoài ra các cơ chân lông co (hiện tượng sởn gai ốc) để giảm thiểu sự tỏa nhiệt qua da.

Câu 2: Vì sao vào ngày trời nắng, nóng, da chúng ta thường hồng hào, mồ hôi tiết ra nhiều?

Hướng dẫn trả lời:

Ngày trời nắng, nóng, mạch máu dưới da dãn (tăng tỏa nhiệt qua da), lưu lượng máu qua da nhiều nên da trở nên hồng hào. Ngoài ra, mồ hôi tiết ra mang theo nhiệt cơ thể giúp làm mát cơ thể.

Câu 3: Một số người thường xuyên sử dụng các loại mĩ phẩm để làm trắng da cấp tốc? Theo em, có nên lạm dụng các loại mĩ phẩm này không? Tại sao?

Hướng dẫn trả lời:

Không nên vì dưới tác dụng của hóa chất, lớp da bị bong tróc quá nhanh, không đúng theo chu kì thay da khiến lớp da non mới hình thành “quá yếu” dễ bị sạm, nám, kích ứng và nổi mụn nhiều hơn. Ngoài ra, còn gây tổn thương lớp melanine (lớp sắc tố này bảo vệ da chống tia cực tím từ mặt trời), mất lớp sắc tố, tia cực tím có khả năng phá hủy collagen và mô liên kết khiến da dễ bị lão hóa, chảy xệ, xuất hiện nhiều nếp nhăn nhăn.

Phần II: Câu hỏi trắc nghiệm

Câu 1. Bộ phận nào giúp da tiếp nhận các kích thích?

  1. Thụ quan.
  2. Lớp mỡ.
  3. Nang lông.
  4. Tuyến mồ hôi.

Câu 2. Các bộ phận nào giúp da luôn mềm mại, khi bị ướt không thấm nước?

  1. Lớp mỡ, tầng sừng.
  2. Các sợi mô liên kết bện chặt và tuyến nhờn.      
  3. Thụ quan, tuyến mồ hôi.
  4. Lông và bao lông.

Câu 3. Lớp mỡ dưới da có vai trò gì?

  1. Tiếp nhận kích thích xúc giác.
  2. Cảm nhận độ cứng, mềm của vật mà ta tiếp xúc.
  3. Dự trữ, cách nhiệt.
  4. Có khả năng phân chia tạo ra các tế bào mới.

Câu 4. Đâu không phải là chức năng của da của người?

  1. Tạo nên vẻ đẹp của con người.
  2. Bài tiết.                  
  3. Điều hòa thân nhiệt.
  4. Hô hấp.

Câu 5. Lông và móng được sinh ra từ 

  1. mô thần kinh.
  2. các túi cấu tạo bởi các tế bào của tầng tế bào sống.        
  3. mô mỡ.
  4. mô xương.
Đáp án câu hỏi trắc nghiệm

Câu 1:

Đáp án - A

Hướng dẫn trả lời:

Thụ quan da tiếp nhận các kích thích từ môi trường.

Đáp án B, C, D sai.

Câu 2: 

Đáp án - B

Hướng dẫn trả lời:

Các sợi mô liên kết bện chặt và tuyến nhờn tiết chất nhờn làm da luôn mềm mại, khi bị ướt không thấm nước.

Đáp án A, C, D sai.

Câu 3:

Đáp án - C

Hướng dẫn trả lời:

Lớp mỡ dưới da có vai trò dự trữ, cách nhiệt.

Đáp án A sai vì đây là vai trò của các thụ quan dưới da.

Đáp án B sai vì đây cũng là vai trò của các thụ quan dưới da.

Đáp án D sai vì đây là vai trò của tầng tế bào sống.

Câu 4:

Đáp án - D

Hướng dẫn trả lời:

Da người không có các cấu trúc thực hiện chức năng hô hấp như ở da một số loài động vật như ếch.

Đáp án A, B, C sai vì đều là các chức năng của da.

Câu 5: 

Đáp án - B

Hướng dẫn trả lời:

Lông và móng được sinh ra từ các túi cấu tạo bởi các tế bào của tầng tế bào sống.

Đáp án A, C, D sai.


Giáo viên biên soạn: Đỗ Thu Hiền

Trường THCS – THPT Nguyễn Khuyến Bình Dương

Tác giả: Trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến - Tổ Sinh

Bài 42: Vệ sinh da