Picture of the author
Picture of the author
SGK Vật Lý 11»Từ Trường»Bài 19: Từ Trường

Bài 19: Từ Trường

Lý thuyết Từ Trường Vật Lý 11 bộ sách giáo khoa. Nay chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu lý thuyết và bài tập minh họa một cách đầy đủ, dễ hiểu.

Xem thêm

A. Kiến thức

I. Tương tác từ

Tương tác giữa nam châm với nam châm, giữa nam châm với dòng điện, giữa dòng điện với dòng điện gọi là tương tác từ. Lực tương tác gọi là lực từ.

II. Từ trường

1. Khái niệm từ trường:

Từ trường là một dạng vật chất tồn tại xung quanh dòng điện, nam châm hoặc một điện tích chuyển động.

Tính chất cơ bản của từ trường: Từ trường gây ra lực từ tác dụng lên nam châm, lên dòng điện hay lên hạt mang điện chuyển động trong nó.

Để phát hiện từ trường ta dùng kim nam châm thử.

2. Cảm ứng từ :

Cảm ứng từ là đại lượng vectơ đặc trưng cho từ trường về mặt gây ra lực từ, kí hiệu là .

  • Vectơ cảm ứng từ có phương là phương của nam châm thử nằm cân bằng tại một điểm trong từ trường.
  • Vectơ cảm ứng từ có chiều là chiều từ cực Nam sang cực Bắc của nam châm thử.

III. Đường sức từ

1. Định nghĩa:

Đường sức từ là đường được vẽ trong từ trường sao cho tiếp tuyến tại bất kì điểm nào trên đường cũng trùng với phương của vectơ cảm ứng từ tại điểm đó.

2. Tính chất của đường sức từ:

Tại bất kì điểm nào trong từ trường ta cũng có thể vẽ một và chỉ một đường sức từ đi qua điểm đó;

Các đường sức từ là những đường cong kín ⇒ từ trường là một trường xoáy.

Đối với nam châm, ở ngoài nam châm các đường sức từ đi ra từ cực Bắc và đi vào ở cực Nam của nam châm;

Nơi nào cảm ứng từ lớn hơn thì các đường sức từ ở đó vẽ mau hơn (dày hơn), nơi nào cảm ứng từ nhỏ hơn thì các đường sức từ ở đó vẽ thưa hơn;

3. Từ phổ:

Là hình ảnh tạo ra bởi các mạt sắt trong từ trường đang xét. Từ phổ cho ta hình dung dạng và sự phân bố các đường sức từ.

bai-19-tu-truong-1

4. Từ trường đều:

Từ trường đều là từ trường mà cảm ứng từ có cùng độ lớn và cùng hướng ở mọi điểm.

Đường sức của từ trường đều là những đường thẳng song song, cách đều nhau.

Ví dụ: Từ trường giữa hai cực một nam châm chữ U là từ trường đều.

B. Bài tập luyện tập từ trường của trường Nguyễn Khuyến

Câu 1. Các đường sức từ của từ trường đều là những đường

  1. tròn đồng tâm.
  2. cong hở.
  3. hyperbol.
  4. thẳng song song, cách đều nhau.

Câu 2. Chọn phát biểu đúng.

  1. Tại mỗi điểm trong từ trường vẽ được vô số đường sức từ đi qua nó.
  2. Đường sức từ do nam châm thẳng tạo ra xung quanh nó là những đường thẳng.
  3. Ở ngoài nam châm, các đường sức từ đi ra từ cực Nam, đi vào ở cực Bắc của nam châm.
  4. Các cực cùng tên của các nam châm thì đẩy nhau.

Câu 3. Ứng dụng nào sau đây liên quan đến từ trường?

  1. La bàn.
  2. Cung tên.
  3. Lò xo giảm xóc.
  4. Băng kép.

Câu 4. Từ phổ

  1. là hình ảnh các mạt sắt trong điện trường.
  2. cho biết hình dạng và sự phân bố đường sức từ.
  3. đối với mọi từ trường đều giống nhau.
  4. cho biết hình dạng và sự phân bố đường sức điện.

Câu 5. Từ trường tồn tại ở xung quanh

  1. thanh kim loại bất kỳ.
  2. điện tích đứng yên.
  3. vật bất kỳ chuyển động.
  4. chùm êlectron chuyển động có hướng.

Câu 6. Một kim nam châm thử đặt cạnh một nam châm thẳng như hình vẽ. Kim nam châm

bai-19-tu-truong-2

  1. có đầu trên là cực Bắc, đầu dưới là cực Nam.
  2. có các cực Bắc và cực Nam là tùy ý chọn.
  3. có cực Bắc ở gần thanh nam châm hơn.
  4. xoay ngang vuông góc với nam châm thẳng.

Câu 7. Nam châm không tác dụng lực từ lên vật được làm từ

  1. nhôm.
  2. sắt.
  3. niken.
  4. coban.

Câu 8. Đường sức của từ trường và đường sức của điện trường tĩnh không có tính chất chung nào sau đây?

  1. Chiều của đường sức tuân theo những quy tắc xác định.
  2. Các đường sức là những đường cong khép kín.
  3. Qua mỗi điểm trong từ trường (điện trường) có một và chỉ một đường sức mà thôi.
  4. Nơi nào từ trường (điện trường) mạnh hơn thì các đường sức ở đó được vẽ mau hơn.

Câu 9. Để phát hiện trong không gian có từ trường người ta thường sử dụng

  1. đoạn dây dẫn.
  2. nam châm thử.
  3. điện tích thử.
  4. cân đồng hồ.

Câu 10. Véctơ cảm ứng từ tại điểm M trong từ trường có

  1. phương vuông góc với phương của nam châm thử nằm cân bằng tại M.
  2. chiều hướng theo chiều của lực từ.
  3. chiều từ Nam sang cực Bắc của nam châm thử nằm cân bằng tại M.
  4. độ lớn luôn không đổi tại mọi điểm.
ĐÁP ÁN

Câu 1. Chọn D.

Câu 2. Chọn D.

Câu 3. Chọn A.

Câu 4. Chọn B.

Từ phổ là hình ảnh các mạt sắt trong từ trường, nó cho biết hình dạng và sự phân bố đường sức từ.

Câu 5. Chọn D.

Từ trường tồn tại ở xung quanh nam châm, dòng điện và điện tích chuyển động

Câu 6. Chọn A.

Câu 7. Chọn A.

Nam châm tác dụng lực từ lên vật được làm từ sắt, niken, coban…và hợp chất của chúng.

Câu 8. Chọn B.

Các đường sức từ là những đường cong khép kín còn đường sức điện của điện trường tĩnh là đường không kín.

Câu 9. Chọn B.

Để phát hiện trong không gian có từ trường người ta thường sử dụng nam châm thử.

Câu 10. Chọn C.

Véctơ cảm ứng từ tại điểm M trong từ trường có

  • phương trùng với phương của nam châm thử nằm cân bằng tại M.
  • chiều từ Nam sang cực Bắc của nam châm thử nằm cân bằng tại M.

Giáo viên biên soạn: Ngô Thành

Đơn vị: Trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến

Tác giả: Trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến - Tổ Vật Lý

Bài 20: Lực Từ – Cảm Ứng Từ