Picture of the author
Picture of the author
SGK Vật Lý 7»Điện Học»Bài 17: Sự Nhiễm Điện Do Cọ Xát

Bài 17: Sự Nhiễm Điện Do Cọ Xát

Lý thuyết Sự Nhiễm Điện Do Cọ Xát Lý 7 bộ sách giáo khoa. Nay chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu lý thuyết và bài tập minh họa một cách đầy đủ, dễ hiểu.

Xem thêm

A. Kiến thức

I. Vật nhiễm điện

1. Thí nghiệm:

Cọ xát thanh nhựa bằng giấy khô hoặc vải khô rồi đưa thanh nhựa đến gần các vụn giấy, thanh nhựa hút các vụn giấy như hình H.1.

bai-17-su-nhiem-dien-do-co-xat-1

Cọ xát thanh thủy tinh bằng giấy khô rồi đưa đến gần vật nhẹ như ngôi sao giấy, thanh thủy tinh hút vật nhẹ như hình H.2.

bai-17-su-nhiem-dien-do-co-xat-2

Bong bóng sau khi được cọ xát có thể hút tóc như hình H.3.

bai-17-su-nhiem-dien-do-co-xat-3

Đặt mảnh tôn lên mảnh nhựa, dùng mảnh len cọ xát vào mảnh phim nhựa. Quan sát đèn của bút thử điện khi chạm vào miếng tôn ta thấy đèn sáng như hình H.4. 

bai-17-su-nhiem-dien-do-co-xat-4

2. Kết luận:

  • Có thể làm nhiễm điện nhiều vật bằng cách cọ xát.
  • Vật bị nhiễm điện (vật mang điện tích) có khả năng hút các vật khác. 

II. Vận dụng

Câu 1. Giải thích tại sao vào những ngày thời tiết khô ráo, đặc biệt là những ngày hanh khô, khi ta chải đầu bằng lược nhựa, nhiều sợi tóc bị lược nhựa hút kéo thẳng ra?

Hướng dẫn: Khi ta chải đầu bằng lược nhựa, lược nhựa và tóc cọ xát vào nhau. Cả lược nhựa và tóc đều bị nhiễm điện. Do đó tóc bị lược nhựa hút kéo thẳng ra.

Câu 2. Trong các phân xưởng dệt người ta treo các tấm kim loại đã nhiễm điện ở trên cao. Làm như vậy có tác dụng gì? Vì sao?

Hướng dẫn: Trong các phân xưởng thường có nhiều bụi lông gây ô nhiễm không khí. Những tấm kim loại nhiễm điện hút các bụi lông thực hiện nhiệm vụ “thu gom” và làm sạch không khí trong phân xưởng.

B. Bài tập luyện tập sự nhiễm điện do cọ xát của trường Nguyễn Khuyến

Câu 1: Dùng mảnh vải khô cọ xát vào các vật gồm: vỏ chai nhựa, thước nhựa, thìa kim loại, lược nhựa. Vật nào sau khi cọ xát không có khả năng hút các mẫu giấy vụn nhỏ?

  1. Vỏ chai nhựa.
  2. Thước nhựa.
  3. Thìa kim loại.
  4. Lược nhựa.

Câu 2: Dùng mảnh vải khô để cọ xát, thì có thể làm cho vật nào dưới đây mang điện tích?

  1. Một ống giấy.
  2. Một ống nhựa.
  3. Một ống kim loại.
  4. Một ống gỗ.

Câu 3: Có thể làm thước nhựa nhiễm điện bằng cách nào sau đây?

  1. Áp sát thước nhựa vào cực của 1 cục pin.
  2. Áp sát thước nhựa vào một đầu của thanh nam châm.
  3. Cọ xát thước nhựa với vải khô.
  4. Hơ nóng nhẹ thước nhựa trên ngọn lửa.

Câu 4: Khẳng định nào dưới đây là đúng?

  1. Thanh nam châm luôn bị nhiễm điện do nó hút được các vụn sắt.
  2. Thanh sắt luôn bị nhiễm điện vì nó hút được mảnh nam châm.
  3. Khi bị cọ xát, thanh thủy tinh bị nhiễm điện vì khi đó nó hút được các vụn giấy.
  4. Mặt đất hút được các vật gần nó vì mặt đất nhiễm điện.

Câu 5: Vì sao khi dùng một mảnh len cọ xát nhiều lần một mảnh phim nhựa thì mảnh phim nhựa này có thể hút được các vụn giấy?

  1. Vì mảnh phim nhựa bị nhiễm điện.
  2. Vì mảnh phim nhựa có từ tính như nam châm.
  3. Vì mảnh phim nhựa được làm sạch bề mặt.
  4. Vì mảnh phim nhựa nóng lên.

Câu 6: Dùng miếng vải khô cọ xát vào thước nhựa, rồi đem thước nhựa lại gần các vụn giấy viết thì thấy

  1. thước nhựa đẩy các vụn giấy ra xa.
  2. thước nhựa hút các vụn giấy.
  3. thước nhựa không hút, không đẩy các vụn giấy.
  4. một số mẫu giấy vụn bị thước nhựa hút, một số lại bị thước nhựa đẩy.

Câu 7: Khi lau kính bằng giẻ khô ta thấy các sợi bông bám vào kính bởi vì:

  1. Tấm kính bị nóng lên nên có thể hút các sợi bông.
  2. Nhiệt độ của tấm kính thay đổi do vậy nó hút các sợi bông.
  3. Tấm kính bị nhiễm điện do vậy nó hút các sợi bông.
  4. Khi lau chùi, kính bị xước và hút các sợi bông.

Câu 8: Các đám mây tích điện do nguyên nhân:

  1. Gió thổi làm lạnh các đám mây.
  2. Hơi nước chuyển động cọ xát với không khí.
  3. Khi nhiệt độ của đám mây tăng.
  4. Khi nhiệt độ thay đổi đột ngột.

Câu 9: Có thể làm nhiễm điện cho một vật bằng cách:

  1. Cọ xát vật.
  2. Nhúng vật vào nước đá.
  3. Cho chạm vào nam châm.
  4. Nung nóng vật.

Câu 10: Vật nhiễm điện là vật: 

  1. Có khả năng làm biến dạng các vật khác.
  2. Có khả năng truyền vận tốc cho các vật khác.
  3. Có khả năng hút hay đẩy các vật khác hoặc phóng tia lửa điện sang các vật khác.
  4. Có khả năng làm biến dạng hoặc truyền chuyển động cho các vật khác.
Hướng dẫn giải bài tập đề nghị

Câu 1: Chọn C.

Khi cọ xát thìa kim loại thì không có khả năng hút các mảnh giấy vụn.

Câu 2: Chọn B.

Khi cọ xát với mảnh vải khô thì có thể làm cho ống bằng nhựa mang điện tích.

Câu 3: Chọn C.

Có thể làm cho thước nhựa nhiễm điện bằng cách cho thước nhựa cọ xát với vải khô.

Câu 4: Chọn C.

Khi bị cọ xát, thanh thủy tinh bị nhiễm điện vì khi đó nó hút được các vụn giấy.

Câu 5: Chọn A.

Vì mảnh phim nhựa bị nhiễm điện.

Câu 6: Chọn B.

Thước nhựa hút các vụn giấy.

Câu 7: Chọn C.

Tấm kính bị nhiễm điện do vậy nó hút các sợi bông.

Câu 8: Chọn B.

Hơi nước chuyển động cọ xát với không khí.

Câu 9: Chọn A.

Có thể làm nhiễm điện cho vật bằng cách cọ xát vật.

Câu 10: Chọn C.

Có khả năng hút hay đẩy các vật khác hoặc phóng tia lửa điện sang các vật khác.  


Giáo Viên Biên Soạn: TRẦN THỊ NGUYÊN

Đơn vị: Trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến

Tác giả: Trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến - Tổ Vật Lý

Bài 18: Hai Loại Điện Tích