Picture of the author
Picture of the author
SGK Vật Lý 7»Điện Học»Bài 18: Hai Loại Điện Tích

Bài 18: Hai Loại Điện Tích

Lý thuyết Hai Loại Điện Tích Vật Lý 7 bộ sách giáo khoa. Nay chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu lý thuyết và bài tập minh họa một cách đầy đủ, dễ hiểu.

Xem thêm

A. Kiến thức

I. Hai loại điện tích

1. Thí nghiệm:

- Dùng miếng len cọ xát hai mảnh nilông rồi dùng bút chì nhấc lên. Hai mảnh nilông sẽ đẩy nhau như hình H.1.

bai-18-hai-loai-dien-tich-4

- Dùng mảnh vải khô cọ xát hai thanh nhựa sẫm màu giống nhau. Đặt một thanh lên trục nhọn có thể quay được. Đưa đầu thanh nhựa còn lại đến gần thanh kia. Ta quan sát thấy hai thanh nhựa sẽ đẩy nhau như hình H.2.

bai-18-hai-loai-dien-tich-5

Nhận xét: Hai vật giống nhau, được cọ xát như nhau thì mang điện tích cùng loại và khi được đặt gần nhau thì chúng đẩy nhau.

- Dùng mảnh vải cọ xát với thanh nhựa sẫm màu rồi đặt lên trục quay. Đưa đầu thanh thủy tinh đã được cọ xát bằng mảnh lụa lại gần đầu đã được cọ xát của thanh nhựa sẫm màu. Quan sát ta sẽ thấy chúng hút nhau như hình H.3. 

bai-18-hai-loai-dien-tich-6

Nhận xét: Thanh nhựa sẫm màu và thanh thuỷ tinh khi được cọ xát thì chúng hút nhau do chúng mang điện tích khác loại.

2. Kết luận:

Có hai loại điện tích là điện tích dương (+) và điện tích âm (-). Các vật nhiễm điện cùng loại thì đẩy nhau, khác loại thì hút nhau.

II. Sơ lược về cấu tạo nguyên tử

Nguyên tử gồm hạt nhân mang điện dương và các êlectrôn mang điện âm chuyển động quanh hạt nhân. Tổng điện tích âm của các êlectrôn có trị số tuyệt đối bằng điện tích dương của hạt nhân. Do đó bình thường nguyên tử trung hòa về điện. Êlectrôn có thể dịch chuyển từ nguyên tử này sang nguyên tử khác, từ vật này sang vật khác.

* Một vật nhiễm điện âm nếu nhận thêm êlectrôn, nhiễm điện dương nếu mất bớt êlectrôn.

bai-18-hai-loai-dien-tich-7

III. Vận dụng

Câu hỏi: Vì sao khi cọ xát vào hai mép túi nilông đang dính chặt nhau, ta có thể dễ dàng tách chúng ra?

Hướng dẫn: Khi cọ xát, hai mép túi nilông nhiễm điện cùng dấu nên hai mép túi nilông đẩy nhau và tách ra.

B. Bài tập luyện tập hai loại điện tích của trường Nguyễn Khuyến

Câu 1: Khi đưa thước nhựa đến gần quả cầu xốp được treo trên giá, quả cầu xốp bị đẩy ra xa. Kết luận nào sau đây là đúng?

  1. Quả cầu và thước nhựa bị nhiễm điện khác loại.
  2. Quả cầu không bị nhiễm điện, còn thước nhựa bị nhiễm điện.
  3. Quả cầu và thước nhựa đều không bị nhiễm điện.
  4. Quả cầu và thước nhựa bị nhiễm điện cùng loại.

Câu 2: Cho hai quả cầu như hình bên. Biết hai quả cầu hút nhau. Kết luận nào sau đây đúng về sự nhiễm điện của quả cầu A?

bai-18-hai-loai-dien-tich-1

  1. Quả cầu A nhiễm điện âm.
  2. Quả cầu A nhiễm điện dương.
  3. Quả cầu A không nhiễm điện.
  4. Chưa thể xác định được điện tích của quả cầu A.

Câu 3: Cho hai quả cầu như hình bên. Biết hai quả cầu đẩy nhau. Kết luận nào sau đây đúng về sự nhiễm điện của quả cầu B?

bai-18-hai-loai-dien-tich-2

  1. Quả cầu B nhiễm điện dương.
  2. Quả cầu B nhiễm điện âm.
  3. Quả cầu B không nhiễm điện.
  4. Chưa thể xác định được điện tích của quả cầu B.

Câu 4: Cho hai quả cầu nhiễm điện, với các điện tích được kí hiệu như hình vẽ. Kết luận nào sau đây là đúng về lực tương tác giữa hai quả cầu?

bai-18-hai-loai-dien-tich-3

  1. Hai quả cầu đẩy nhau.
  2. Hai quả cầu không tác dụng lực với nhau.
  3. Hai quả cầu hút nhau.
  4. Hai quả cầu có thể hút hoặc đẩy.

Câu 5: Một vật trung hòa về điện, sau khi được cọ xát thì nhiễm điện âm. Đó là do nguyên nhân nào dưới đây ?

  1. Vật đó mất bớt điện tích dương.
  2. Vật đó nhận thêm êlectrôn.
  3. Vật đó mất bớt êlectrôn.
  4. Vật đó nhận thêm điện tích dương.

Câu 6: Có bốn vật a, b, c, d đều bị nhiễm điện. Nếu vật a hút b, b hút c, c đẩy d thì câu phát biểu nào dưới đây là đúng?

  1. Vật a và c có điện tích trái dấu.
  2. Vật b và d có điện tích cùng dấu.
  3. Vật a và c có điện tích cùng dấu.
  4. Vật a và d có điện tích trái dấu.

Câu 7. Một mảnh vải khô trung hòa về điện sau khi cọ xát với thanh nhựa, mảnh vải bị mất bớt êlectrôn. Sau đó mảnh vải sẽ

  1. nhiễm điện âm.
  2. nhiễm điện dương.
  3. vẫn trung hòa về điện.
  4. có thể nhiễm điện âm hoặc dương.

Câu 8. Ở tâm của mỗi nguyên tử có một hạt nhân

  1. mang điện tích âm.
  2. trung hòa về điện.
  3. mang điện tích dương.
  4. không mang điện.

Câu 9. Một nguyên tử trung hòa về điện, khi đó tổng độ lớn các điện tích âm của các êlectrôn sẽ

  1. lớn hơn điện tích dương của hạt nhân.
  2. nhỏ hơn điện tích dương của hạt nhân.
  3. bằng điện tích dương của hạt nhân.
  4. có thể lớn hơn hoặc nhỏ hơn điện tích dương của hạt nhân.

Câu 10. Cho biết khi dùng tay cọ xát thanh thuỷ tinh vào một tờ giấy khô, thanh thủy tinh nhiễm điện dương. Khi này, đã có sự dịch chuyển của êlectrôn từ

  1. thanh thuỷ tinh sang tờ giấy.
  2. tờ giấy sang thanh thủy tinh.
  3. thanh thủy tinh sang tay.
  4. tờ giấy sang tay.
Hướng dẫn giải bài tập đề nghị

Câu 1: Chọn D.

Vì quả cầu xốp bị đẩy ra xa nên quả cầu và thước nhựa bị nhiễm điện cùng loại.

Câu 2: Chọn A.

Hai quả cầu hút nhau nên quả cầu A nhiễm điện âm.

Câu 3: Chọn B.

Hai quả cầu đẩy nhau nên quả cầu B nhiễm điện âm.

Câu 4: Chọn C.

Hai quả cầu nhiễm điện trái dấu nên hút nhau.

Câu 5: Chọn B.

Vật nhiệm điện âm sau khi cọ xát vì vật đã nhận thêm êlectrôn.

Câu 6: Chọn C.

  • Vì a hút b nên a và b trái dấu.
  • Vì b hút c nên b và c trái dấu. Vậy a và c cùng dấu.
  • Vì c đẩy d nên c và d cùng dấu.Vậy Chọn C: Vật a và c cùng dấu.

Câu 7: Chọn B.

Mảnh vải mất bớt êlectrôn nên nhiễm điện dương.

Câu 8: Chọn C.

Ở tâm của một nguyên tử có một hạt nhân mang điện tích dương.

Câu 9: Chọn C.

Tổng độ lớn của điện tích âm của các êlectrôn bằng điện tích dương của hạt nhân.

Câu 10: Chọn A.

Thanh thủy tinh nhiễm điện dương vì đã có sự di chuyển của êlectrôn sang tờ giấy.  


Giáo Viên Biên Soạn: TRẦN THỊ NGUYÊN

Đơn vị: Trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến

Tác giả: Trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến - Tổ Vật Lý

Bài 17: Sự Nhiễm Điện Do Cọ Xát
Bài 19: Dòng Điện - Nguồn Điện