Picture of the author
Picture of the author
SGK Vật Lý 7»Điện Học»Bài 19: Dòng Điện - Nguồn Điện

Bài 19: Dòng Điện - Nguồn Điện

Lý thuyết Dòng điện - Nguồn điện Vật Lý 7 bộ sách giáo khoa. Nay chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu lý thuyết và bài tập minh họa một cách đầy đủ, dễ hiểu.

Xem thêm

I. Dòng điện

- Làm cho mảnh phim nhựa bị nhiễm điện bằng cách cọ xát như hình (H.1). Khi đó điện tích của mảnh phim nhựa tương tự như nước trong bình ở hình (H.2).

bai-19-dong-dien-nguon-dien-hinh-1
Hình (H.1)
bai-19-dong-dien-nguon-dien-hinh-2
Hình (H.2)

- Khi chạm bút thử điện vào mảnh phim nhựa thì có điện tích dịch chuyển qua bòng đèn đến tay như hình (H.3) giống như nước từ bình A xuống bình B ở hình (H.4). Khi đèn bút thử điện ngừng sáng, nếu muốn sáng lại ta cần cọ xát để làm nhiễm điện mảnh phim nhựa.

bai-19-dong-dien-nguon-dien-hinh-3
Hình (H.3)
bai-19-dong-dien-nguon-dien-hinh-4
Hình (H.4)

Nhận xét: Bóng đèn bút thử điện sáng khi có các điện tích dịch chuyển qua nó.

Kết luận: Dòng điện là dòng các điện tích dịch chuyển có hướng.

- Trong thí nghiệm trên, có sự tương tự giữa dòng điện và dòng nước khi chảy từ bình A sang bình B.

- Đèn điện sáng, quạt điện quay và các thiết bị điện khác hoạt động khi có dòng điện chạy qua.

II. Nguồn điện

1. Các nguồn điện thường dùng

- Nguồn điện có khả năng cung cấp dòng điện để các dụng cụ điện hoạt động.

- Mỗi nguồn điện đều có hai cực. Hai cực của pin hay acquy ở hình (H.5) là cực dương (kí hiệu dấu +) và cực âm (kí hiệu dấu -).

 

bai-19-dong-dien-nguon-dien-hinh-5
Hình (H.5)

2. Mạch điện có nguồn điện

- Mạch điện đơn giản như hình (H.6) bao gồm:

  • Nguồn điện.
  • Công tắc.
  • Bóng đèn.
  • Các dây dẫn.
bai-19-dong-dien-nguon-dien-hinh-6
Hình (H.6)

- Khi các dụng cụ trên được nối với nhau tạo thành mạch kín thì đèn sáng. Khi đó có dòng điện chạy qua mạch.

Kết luận chung: Mỗi nguồn điện đều có hai cực. Dòng điện chạy trong mạch điện kín bao gồm các thiết bị điện được nối liền với hai cực của nguồn điện bằng dây điện.


III. Bài tập luyện tập về Dòng điện - Nguồn điện của trường Nguyễn Khuyến

Câu 1. Đang có dòng điện chạy trong vật nào dưới đây?

  1. Một mảnh nilông đã được cọ xát.
  2. Chiếc pin tròn được đặt tách riêng trên bàn.
  3. Đồng hồ dùng pin đang chạy.
  4. Đường dây điện trong gia đình khi không sử dụng bất cứ một thiết bị điện nào.
ĐÁP ÁN

Chọn C.

Khi đồng hồ dùng pin đang chạy sẽ có dòng điện chạy qua nó.

Câu 2. Dòng điện là gì?

  1. Là dòng chất lỏng dịch chuyển có hướng.
  2. Là dòng các nguyên tử dịch chuyển có hướng.
  3. Là dòng các hạt nhân trong các chất dịch chuyển có hướng.
  4. Là dòng các điện tích dịch chuyển có hướng.
ĐÁP ÁN

Chọn D.

Dòng điện là dòng các điện tích dịch chuyển có hướng.

Câu 3. Trong vật nào dưới đây đang có dòng điện chạy qua?

  1. Một thanh thủy tinh đã được cọ xát bằng mảnh lụa.
  2. Một chiếc đèn pin mà bóng đèn của nó bị đứt dây tóc.
  3. Một chiếc bút thử điện đặt trong quầy bán đồ điện.
  4. Một chiếc điện thoại di động đang được dùng để nghe và nói.
ĐÁP ÁN

Chọn D.

Chiếc điện thoại đang được dùng để nghe và nói sẽ có dòng điện chạy qua nó.

Câu 4. Loại hạt nào dưới đây khi chuyển động có hướng thì không tạo thành dòng điện?

  1. Các hạt mang điện tích dương.
  2. Các hạt nhân của nguyên tử.
  3. Các nguyên tử.
  4. Các hạt mang điện tích âm.
ĐÁP ÁN

Chọn C.

Các nguyên tử là các hạt trung hòa về điện nên khi dịch chuyển có hướng sẽ không tạo ra dòng điện.

Câu 5. Không có dòng điện chạy qua vật nào dưới đây?

  1. Quạt điện đang quay liên tục.
  2. Bóng đèn điện đang phát sáng.
  3. Thước nhựa đang bị nhiễm điện.
  4. Rađiô đang nói.
ĐÁP ÁN

Chọn C.

Thước nhựa đang bị nhiễm điện thì không có dòng điện vì các điện tích không phải di chuyển có hướng.

Câu 6. Muốn có dòng điện chạy qua một bóng đèn pin thì phải làm theo cách được vẽ trong hình nào dưới đây?

bai-19-dong-dien-nguon-dien-hinh-7
Hình (H.7)
  1. Hình 1.
  2. Hình 2.
  3. Hình 3.
  4. Hình 4.
ĐÁP ÁN

Chọn A.

Hình 1 sẽ có dòng điện chạy qua. Vì phải mắc dây dẫn và bóng đèn với hai cực của nguồn điện tạo thành mạch kín.

Câu 7.  Dụng cụ nào dưới đây không phải là nguồn điện?

  1. Pin.
  2. Bóng đèn điện đang sáng.
  3. Đinamô lắp ở xe đạp.
  4. Acquy.
ĐÁP ÁN

Chọn B.

Bóng đèn điện đang sáng là vật tiêu thụ điện, không phải nguồn điện.

Câu 8. Trong vật nào dưới đây không có dòng điện chạy qua?

  1. Máy ảnh dùng pin lúc đang chụp ảnh.
  2. Máy tính lúc màn hình đang sáng.
  3. Nồi cơm điện lúc đang nấu cơm.
  4. Đồng hồ chạy pin lúc kim của nó đang đứng yên.
ĐÁP ÁN

Chọn D.

Đồng hồ chạy pin khi kim đang đứng yên thì không có dòng điện. Khi đó có thể chưa được lắp pin hoặc pin đã cạn nên xem như không có nguồn điện.

Câu 9. Dụng cụ tiêu thụ điện nào dưới đây sử dụng nguồn điện là acquy?

  1. Bộ phận khởi động của ôtô, xe máy.
  2. Điện thoại di động.
  3. Remote điều khiển tivi.
  4. Máy vi tính.
ĐÁP ÁN

Chọn A.

Bộ phận khởi động ở ôtô, xe máy sử dụng nguồn điện là acquy.

Câu 10. Đặc điểm chung của các nguồn điện là

  1. Các nguồn điện đều có hai cực là cực Bắc và cực Nam.
  2. Các nguồn điện đều có hai cực là cực dương và cực âm.
  3. Các nguồn điện đều có năng lượng vô hạn, sẽ không bị cạn khi sử dụng.
  4. Các nguồn điện chỉ được sử dụng để thắp sáng bóng đèn.
ĐÁP ÁN

Chọn B.

Đặc điểm chung của các nguồn điện là có hai cực là cực dương và cực âm.



GV: Trần Thị Nguyên

Hệ thống trường Nguyễn Khuyến - Lê Thánh Tông

Tác giả: Trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến - Tổ Vật Lý

Bài 18: Hai Loại Điện Tích
Bài 20: Chất Dẫn Điện Và Chất Cách Điện. Dòng Điện Trong Kim Loại