Picture of the author
Picture of the author
SGK Vật Lý 7»Điện Học»Bài 30: Tổng Kết Chương 3 - Điện Học

Bài 30: Tổng Kết Chương 3 - Điện Học

Lý thuyết bài Tổng kết chương 3 - Điện học môn Vật lý 7 bộ sách giáo khoa. Nay chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu lý thuyết và bài tập minh họa một cách đầy đủ, dễ hiểu.

Xem thêm

I. Tự kiểm tra

*Các kiến thức cần nhớ

1. Có thể làm nhiễm điện nhiều vật bằng cách cọ xát.

2. Có hai loại điện tích là điện tích dương và điện tích âm. Các vật nhiễm điện cùng loại thì đẩy nhau, khác loại thì hút nhau.

3. Một vật nhiễm điện âm nếu nhận thêm êlectrôn, nhiễm diện dương nếu mất bớt êlectrôn.

4. Dòng điện là dòng các điện tích dịch chuyển có hướng. Dòng điện trong kim loại là dòng êlectrôn tự do dịch chuyển có hướng.

5. Chất dẫn điện là chất cho dòng điện đi qua. Ở điều kiện bình thường, những vật dẫn điện như: mảnh tôn, đoạn dây đồng...

Chất cách điện là chất không cho dòng điện đi qua. Ở điều kiện bình thường, những vật cách điện như: đoạn dây nhựa, mảnh pôtiêtilen, không khí, mảnh sứ...

6. Dòng điện có các tác dụng:

  • Tác dụng nhiệt.
  • Tác dụng phát sáng.
  • Tác dụng từ.
  • Tác dụng hóa học.
  • Tác dụng sinh lí.

7. Đơn vị của cường độ dòng điện là ampe, kí hiệu: A. Người ta dùng ampe kế để đo cường độ dòng điện.

8. Đơn vị của hiệu điện thế là vôn, kí hiệu V. Người ta dùng vôn kế để đo hiệu điện thế.

9. Nguồn điện tạo ra giữa hai cực của nó một hiệu điện thế.

10. Trong đoạn mạch mắc nối tiếp, dòng điện có cường độ bằng nhau tại các vị trí khác nhau của mạch I = I1 = I2

- Hiệu điện thế giữa hai đầu đoạn mạch bằng tổng các hiệu điện thế trên mỗi đèn: U = U1 + U2

11. Hiệu điện thế giữa hai đầu các đèn mắc song song là bằng nhau và bằng hiệu điện thế giữa hai điểm nối chung: U = U1 = U2

Đối với đoạn mạch gồm hai đèn mắc nối tiếp Cường độ dòng điện mạch chính bằng tổng các cường độ dòng điện mạch rẽ: I = I1 +I2.

12. Một số quy tắc an toàn khi sử dụng điện:

  • Chỉ làm thí nghiệm với các nguồn điện có hiệu điện thế dưới 40 V.
  • Phải sử dụng các dây dẫn có vỏ bọc cách điện.
  • Không được tự mình chạm vào mạng điện dân dụng và các thiết bị điện nếu chưa biết rõ cách sử dụng.
  • Khi có người bị điện giật thì không được chạm vào người đó mà cần phải tìm cách ngắt ngay công tắc điện và gọi người cấp cứu.

II. Bài tập luyện tập Tổng kết chương 3 - Điện học của trường Nguyễn Khuyến

Câu 1: Có thể làm thước nhựa nhiễm điện bằng cách nào sau đây?   

A. Áp sát thước nhựa vào cực của 1 cục pin.

B. Áp sát thước nhựa vào cực của 1 nam châm.

C. Cọ xát thước nhựa với vải khô.

D. Hơ nóng thước nhựa trên ngọn lửa.

Câu 2: Một vật trung hòa về điện, sau khi được cọ xát thì nhiễm điện âm. Đó là do nguyên nhân nào dưới đây ?

A. Vật đó mất bớt điện tích dương.

B. Vật đó nhận thêm êlectrôn.

C. Vật đó mất bớt êlectrôn.

D. Vật đó nhận thêm điện tích dương.

Câu 3. Muốn có dòng điện chạy qua một bóng đèn pin thì phải làm theo cách được vẽ trong hình nào dưới đây?

 bai-30-tong-ket-chuong-3-dien-hoc-1

A. Hình 1.

B. Hình 2.              

C. Hình 3.              

D. Hình 4.

Câu 4. Vật nào dưới đây không cho dòng điện đi qua ?

A. Một đoạn dây nhôm.

B. Một đoạn dây nhựa.

C. Một đoạn ruột bút chì.

D. Một đoạn dây thép.

Câu 5. Trong các sơ đồ dưới đây, sơ đồ ở hình nào chỉ đúng chiều của dòng điện

bai-30-tong-ket-chuong-3-dien-hoc-2

A. Hình 1.

B. Hình 2.               

C. Hình 3.               

D. Hình 4.

Câu 6. Có các dụng cụ hay thiết bị điện như sau: nồi cơm điện, bếp điện, tivi, rađiô, đồng hồ điện, bóng đèn dây tóc, đèn LED, đèn ống. Trong số đó, những dụng cụ hay thiết bị điện nào hoạt động dựa trên tác dụng nhiệt của dòng điện ?

A. Nồi cơm điện, ti vi, rađiô.

B. Bếp điện, đồng hồ điện, đèn LED.

C. Đèn ống, đèn LED, nồi cơm điện.

D. Nồi cơm điện, đèn dây tóc, bếp điện.

Câu 7. Khi dùng ampe kế để đo cường độ dòng điện qua đoạn mạch, cách mắc nào sau đây là đúng?

A. Mắc trực tiếp ampe và hai cực của nguồn điện.

B. Mắc chốt dương (+) của ampe kế vào cực âm của nguồn.

C. Mắc chốt dương (+) của ampe kế vào cực dương của nguồn.

D. Mắc chốt âm (-) của ampe kế vào cực dương của nguồn.

Câu 8. Một vôn kế khi đo hiệu điện thế giữa hai cực của một nguồn điện có mặt đồng hồ và kim chỉ thị như hình vẽ. Hãy cho biết giá trị hiệu điện thế đo được ở trường hợp này?

bai-30-tong-ket-chuong-3-dien-hoc-3

A. 6,5 V.

B. 6,4 V.                 

C. 6,4 mV.

D. 6,8 V.

Câu 9. Trên một bóng đèn có ghi 3 V. Để đèn sáng bình thường ta cần đặt vào giữa hai đầu bóng đèn một hiệu điện thế có giá trị

A. lớn hơn 3 V.

B. nhỏ hơn 3 V.       

C. bằng 3 V.            

D. bất kì.

Câu 10. Cho ba bóng đèn Đ1, Đ2 và Đ3 được mắc nối tiếp. Biết hiệu điện thế giữa hai đầu đèn 1 là 3 V, hiệu điện thế giữa hai đầu đèn 2 là 3 V, hiệu điện thế hai đầu đèn 3 là 4,5 V. Hiệu điện thế hai đầu đoạn mạch có giá trị là

A. 3 V.

B. 6 V.                    

C. 10,5 V.               

D. 7,5 V.

Câu 11. Cho ba bóng đèn Đ1, Đ2 và Đ3 được mắc song song. Khi mạch kín, cường độ dòng điện qua đèn Đ1 và đèn Đ2 là 0,5 A, cường độ dòng điện qua đèn Đ3 là 0,25 A. Cường độ dòng điện qua mạch chính là

A. 0,5 A.

B. 1 A.                    

C. 0,75 A.               

D. 1,25 A.

Câu 12. Làm cách nào để tránh các tác hại của dòng điện đối với cơ thể người?

A. Không sử dụng điện.

B. Sống cách xa nơi sản xuất ra điện.

C. Thực hiện các quy tắc an toàn khi sử dụng điện.

D. Chỉ sử dụng dòng điện có cường độ nhỏ.

III. Hướng dẫn giải bài tập luyện tập An toàn khi sử dụng điện

ĐÁP ÁN

Câu 1: Chọn C.

Câu 2: Chọn B.

Câu 3: Chọn A.

Câu 4: Chọn B.

Câu 5: Chọn B.

Câu 6: Chọn D.

Câu 7: Chọn C.

Câu 8: Chọn B.

Câu 9: Chọn C.

Câu 10: Chọn C.

Câu 11: Chọn D.

Câu 12: Chọn C.


Giáo viên biên soạn : Trần Thị Nguyên

Đơn vị: Trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến

Tác giả: Trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến - Tổ Vật Lý

Bài 29: An Toàn Khi Sử Dụng Điện