Picture of the author
Picture of the author
STL Vật Lý 8»Nhiệt học»Bài 20: Nhiệt Năng

Bài 20: Nhiệt Năng

Lý thuyết Nhiệt năng Vật Lý 8 bộ sách tài liệu. Nay chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu lý thuyết và bài tập minh họa một cách đầy đủ, dễ hiểu.

Xem thêm

I. Nhiệt năng

Nhiệt năng của một vật là tổng động năng của các phân tử cấu tạo nên vật.

Nhiệt năng của một vật phụ thuộc vào nhiệt độ của vật đó.

bai-20-nhiet-nang-1

II. Các cách làm thay đổi nhiệt năng của một vật – nhiệt lượng

1. Các cách làm thay đổi nhiệt năng của một vật

Có hai cách làm thay đổi nhiệt năng của một vật:

- Thực hiện công.

- Truyền nhiệt (dẫn nhiệt, đối lưu, bức xạ nhiệt).

2. Nhiệt lượng

Phần nhiệt năng vật được nhận thêm vào hoặc mất bớt đi trong quá trình truyền nhiệt gọi là nhiệt lượng.

Kí hiệu: Q

Đơn vị: J

III. Phương pháp giải các dạng bài tập về nhiệt năng thường gặp

1. Nhận biết cách làm biến đổi nhiệt năng của vật

♦ Cách làm biến đổi nhiệt năng do thực hiện công: Có lực tác dụng vào vật và vật chuyển động.

♦ Cách làm biến đổi nhiệt năng do truyền nhiệt: Có sự tiếp xúc giữa các vật có nhiệt độ khác nhau.

2. Giải thích các hiện tượng liên quan đến nhiệt năng và sự truyền nhiệt

♦ Vật có nhiệt độ càng cao thì có nhiệt năng càng lớn.

♦ Sự chuyển hóa từ cơ năng sang nhiệt năng: từ nhiệt năng thành cơ năng thì nhiệt năng của vật giảm xuống nên nhiệt độ của vật sẽ hạ xuống và vật có thể thực hiện công; từ cơ năng thành nhiệt năng thì nhiệt năng của vật tăng lên nên nhiệt độ của vật tăng lên.

♦ Khi hai vật có nhiệt độ khác nhau tiếp xúc nhau thì sẽ có sự truyền nhiệt xảy ra giữa hai vật: vật có nhiệt độ thấp hơn sẽ nhận thêm nhiệt năng nên nhiệt độ sẽ tăng lên; vật có nhiệt độ cao hơn sẽ mất bớt nhiệt năng nên nhiệt độ sẽ giảm đi. Sau một thời gian thì nhiệt độ hai vật sẽ như nhau (cân bằng).

IV. Bài tập luyện tập về Nhiệt năng của trường Nguyễn Khuyến

Bài 1: Hãy cho biết trong các trường hợp dưới đây, nhiệt năng của vật được biến đổi theo cách thực hiện công hay truyền nhiệt:

a. Cọ xát miếng đồng.

bai-20-nhiet-nang-2

b.Sưởi ấm bên bếp lửa.

bai-20-nhiet-nang-3
c. Chà xát 2 bàn tay vào nhau.

bai-20-nhiet-nang-4

ĐÁP ÁN

a. Thực hiện công.

b. Truyền nhiệt.

c. Thực hiện công.

Bài 2: Một học sinh nói: “Một cốc nước ở nhiệt độ 30oC có nhiệt năng nhỏ hơn một giọt nước ở nhiệt độ 90oC”. Theo em, bạn học sinh đó nói đúng hay sai? Giải thích tại sao?

ĐÁP ÁN

- Bạn đó nói sai.

- Vì:

+ Nhiệt năng không chỉ phụ thuộc vào nhiệt độ của vật.

+ Nhiệt năng bằng tổng động năng của các phân tử cấu tạo nên vật

→ Nhiệt năng phụ thuộc vào khối lượng của vật.

Bài 3:

a. Có thể làm thay đổi nhiệt năng của một vật bằng cách nào?

b. Vào những hôm trời lạnh, xoa hai bàn tay vào nhau, ta cảm nhận được tay ấm nóng lên. Nhiệt năng của tay đã thay đổi bằng cách nào? Trong hiện tượng này, có sự chuyển hóa năng lượng từ dạng nào sang dạng nào?

bai-20-nhiet-nang-5

c. Nhúng một cái muỗng kim loại vào một cốc nước nóng. Nhiệt năng của cái muỗng và của cốc nước thay đổi như thế nào? Có sự chuyển hóa năng lượng từ dạng nào sang dạng nào hay không?

ĐÁP ÁN

a. Thực hiện công và truyền nhiệt.

b.Thực hiện công. Có sự chuyển hóa từ cơ năng sang nhiệt năng.

c. Nhiệt năng của nước giảm, của muỗng tăng. Không có sự chuyển hóa năng lượng.

Bài 4: Khi có bão biển, người ta thấy sau khi bão tan, nước biển tại nơi đó ấm hơn so với khi chưa có bão. Hãy cho biết khi đó đã có sự chuyển hóa từ dạng năng lượng nào sang dạng năng lượng nào của nước biển?

ĐÁP ÁN

Cơ năng của nước biển chuyển hóa thành nhiệt năng.  

Bài 5: Một người thợ đang cưa gỗ, sau một thời gian lưỡi cưa bị nóng lên. Trong hiện tượng này có sự chuyển hóa năng lượng nào không? Cho biết đây là quá trình gì?

bai-20-nhiet-nang-6

ĐÁP ÁN

Trong hiện tượng này có sự chuyển hóa từ cơ năng sang nhiệt năng. Đây là quá trình thực hiện công.  


GV: PHÙ THỊ TIẾN

TRƯỜNG THCS - THPT NGUYỄN KHUYẾN

Tác giả: Trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến - Tổ Vật Lý

Bài 19: Nguyên Tử, Phân Tử Chuyển Động Hay Đứng Yên
Bài 21: Dẫn Nhiệt