Bảo vệ tác quyền âm nhạc: Chuyện nhỏ mà không nhỏ!

(VOH) - Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam chi nhánh phía Nam đã tạo được uy tín, sự tin cậy của hàng trăm nhạc sỹ để bảo vệ đứa con tinh thần của mình. Nhưng điều đáng lo ngại là ở lĩnh vực website nhạc, nhạc trực tuyến thì con số thu được tác quyền càng ngày càng đi xuống.

Mảnh đất internet đang là nơi “đất lành chim đậu” của tất cả các ca sỹ, nhạc sỹ. Giờ đây chuyện một ca sỹ phát hành album hay MV trực tuyến đã không còn quá xa lạ, nó đang trở thành thời thượng vì sức lan tỏa nhanh chóng. Thậm chí có những MV khủng của các ca sỹ đang ăn khách như Sơn Tùng MTP, Tóc Tiên, Noo Phước Thịnh…có lượt truy cập hàng chục triệu lượt. Thói quen nghe nhạc thay đổi, thói quen phát hành nhạc cũng đổi theo, tuy nhiên thói quen tôn trọng tác quyền lại có vẻ như chưa được thực thi một cách hiệu quả.

Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam mới thu phí được 10% website tên miền Việt Nam có sử dụng âm nhạc.- Ảnh: ICTnews

Tràn lan vi phạm

Theo báo cáo, năm 2015, việc thất thoát tác quyền ở lĩnh vực biểu diễn giảm 35%, website ứng dụng nhạc giảm 12%, nhạc chuông nhạc chờ dowload giảm 9%, trong khi ai cũng nhìn thấy đây chính là “khu vực” hoạt động âm nhạc sôi động nhất. 

Hiện nay, Trung tâm thực hiện nhiều biện pháp mạnh tay để “bảo hộ” quyền tác giả, ngoài thành lập phòng pháp chế thì Trung tâm còn mạnh dạn sử dụng hệ thống phần mềm lưu trữ quốc tế và phần mềm lưu trữ châu Á. Đây là các hệ thống phần mềm tương tác giúp Trung tâm cập nhật, lưu trữ, tra cứu dữ liệu tác phẩm, tác giả VN và quốc tế. 

Qua phần mềm hiện đại và tiên tiến này, tiền tác quyền sẽ không bị bỏ sót. Nhưng trên thực tế chỉ cần lướt vài trang web nhạc nổi tiếng, tên nhạc sỹ đã bị lãng quên. Thậm chí có những ca khúc “râu ông nọ cắm cằm bà kia” thì thử hỏi tác quyền sẽ được bảo hộ như thế nào?

Nhạc sỹ Lê Vinh Phúc là trường hợp bị “nhầm” tên tác giả trong ca khúc “Dòng Tiền Giang” của mình suốt 3 năm qua, bức xúc: “Tôi mong muốn điều chỉnh lại “Dòng Tiền Giang” chính thức tôi là tác giả. Họ có nói là đã làm việc với Trung tâm tác quyền để trả tiền tác quyền cho tôi, nhưng vừa qua chỉ thấy có đơn vị ngoài Hà Nội trả tác quyền chứ chưa thấy đơn vị nào ở Tiền Giang. Tôi không quan trọng tiền tác quyền mà làm sao đúng tên tôi là tôi vui”.

Trường hợp của nhạc sỹ Lê Vinh Phúc không phải là trường hợp hy hữu, mà còn có rất nhiều trường hợp đã và đang vi phạm chưa bị phát hiện, nguyên nhân có thể vô tình hay cố ý, nhưng với muôn hình vạn trạng kiểu vi phạm thì chỉ có nước kêu “trời”.

Bà Thu Dung, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam chua xót cho biết ngày xưa bị băng đĩa lậu hoành hành, giờ phải tìm cách khai thác bản quyền trên mạng để các hãng băng đĩa sinh tồn, nhưng mức độ vi phạm còn nhanh hơn cả chớp mắt.

“Bây giờ mất bản quyền rất nhanh, sáng vừa ra là trưa đã có đầy trên mạng internet. Chúng tôi hiệp sức lại, hỗ trợ với nhau để tìm mọi biện pháp để bảo vệ bản quyền của mình, khai thác các bản ghi mà mình sản xuất ra một cách có hiệu quả để  mong thu hồi vốn. Lỗ là chắc chắn lỗ rồi”, bà Dung nói.

Lúng túng xử lý

Chính vì sự phát triển như vũ bão của internet, xu thế tất yếu của thời đại kỹ thuật số, nên việc bảo vệ quyền tác giả đang đứng trước nhiều thách thức. Chưa nói đến lĩnh vực biểu diễn sân khấu, liveshow, băng đĩa, karaoke, nhà hàng, quảng cáo, phát thanh truyền hình… chỉ tính riêng lĩnh vực khai thác website nhạc, đã đủ làm đau đầu những người đang “bảo vệ” tác quyền.

Nhiều công nghệ mới, nhiều tính năng mới trên mạng đôi khi cũng gây lúng túng vì không biết xử lý thế nào. Đơn cử như: nếu một đường link chia sẻ trên mạng xã hội thì bản quyền coi như mất trắng bởi mạng xã hội có thể chia sẻ “âm thanh, hình ảnh” giữa các người dùng với nhau mà lại không có quy định rõ ràng nào về việc ai sẽ chịu trách nhiệm nếu có hành vi vi phạm tác quyền.

“Chuyện vi phạm là việc vẫn luôn xảy ra ở tất cả quốc gia trên thế giới, ở nước mình, hiện nay chúng tôi chỉ mới làm được 10-15% những điều đáng lẽ ra chúng tôi phải bảo vệ được. Ví dụ như ở Singapore họ có bộ phận giống chúng tôi là pháp chế thì tháng nào hầu như cũng ra tòa, tòa giải quyết tất cả các tranh chấp dân sự, và ra tòa xong coi như gọn gẽ, còn mình chưa có tòa án về quyền tác giả riêng biệt”, Nhạc sỹ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, thẳng thắn thừa nhận.

Để có một thị trường âm nhạc chuyên nghiệp, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho tác giả, thiết nghĩ không chỉ các cá nhân tập thể mà toàn xã hội cần phải chung tay đồng lòng, lên án những trường hợp vi phạm, tránh tình trạng “dĩ hòa vi quý”. Nhà nước cũng cần có những chế tài mạnh tay để quyền tác giả được thực thi một cách nghiêm túc. Tôn trọng tác phẩm, tôn trọng tác giả là cách mà chúng ta thực thi luật pháp một cách nghiêm túc, tôn trọng những người xung quanh và trân trọng giá trị nghệ thuật chân chính.