Bộ phim “Thầu Chín ở Xiêm” và “Nhà tiên tri”: hai giai đoạn hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh

(VOH) - Những bộ phim điện ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có một chỗ đứng trong lòng công chúng, tái hiện chân thực quãng thời gian hoạt động cách mạng của Người để cứu dân cứu nước.

Nghe nội dung bài viết:

Khán giả không thể quên những bộ phim kinh điển như “Hẹn gặp lại ở Sài Gòn”, “Hà Nội mùa đông năm 46”, “Vượt qua bến Thượng Hải”, “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kong”, “Nhìn ra biển cả”…Những bộ phim này đã chạm đến trái tim người xem về một con người vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

“Làm phim về đề tài chiến tranh đã khó, làm phim về lãnh tụ còn khó hơn gấp trăm ngàn lần”, đó là lời tâm sự chân tình của một vị đạo diễn. Để làm nên một tác phẩm để đời là một thách thức không nhỏ. 2 bộ phim điện ảnh mới nhất về Bác hoàn thành trong năm 2015 và đã “ghi điểm” trong lòng người hâm mộ là bộ phim “Thầu Chín ở Xiêm” đạo diễn Bùi Tuấn Dũng do Hãng phim Hội điện ảnh VN thực hiện và “Nhà tiên tri” của đạo diễn NSUT Vương Đức do Hãng phim truyện VN sản xuất.

Một cảnh trong phim “Thầu Chín ở Xiêm”. Ảnh: SGGP

“Thầu Chín ở Xiêm” ra mắt công chúng vào đúng dịp kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng Cộng Sản VN (1930- 2015). Bộ phim kể về quá trình hoạt động cách mạng, chuẩn bị những bước đầu tiên thành lập Đảng Cộng Sản VN của Nguyễn Ái Quốc từ tháng 7/1928 đến tháng 11/1929 tại Thái Lan. Tuy khoảng thời gian khai thác khá ngắn nhưng với tài chắp bút của nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc thì nhiều tính tiết gây cấn, nghẹt thở được đẩy lên cao trào, những cuộc đấu trí cân não giữa Nguyễn Ái Quốc với bọn mật thám Pháp làm khán giả càng thêm ngưỡng mộ về sự tài tình của Bác.

Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng- gương mặt quen thuộc với những phim cách mạng như “Đường thư”, “Những người viết huyền thoại”, “Đường lên Điện Biên” đã trải lòng khi vinh dự thực hiện bộ phim này: "Bộ phim tương đối khó kể cả đạo diễn lớn tuổi chứ không chỉ người trẻ như tôi. Cơ hội để tôi vinh dự làm bộ phim lịch sử mang chút dã sử vì cũng qua gần trăm năm rồi, tôi cố gắng để bộ phim có tiếng nói nhất định nào đó trong lòng công chúng".

Từ Châu Âu trở về Xiêm lấy bí danh Thầu Chín, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã không ngại hiểm nguy ra sức tuyên truyền, vận động bà con người Việt ở Xiêm đoàn kết, yêu nước để đến một ngày chiến đấu giành độc lập tự do cho nước nhà.

Nhân vật Thầu Chín được giao cho diễn viên trẻ Mạnh Trường, lần đầu thử sức với điện ảnh, lại là vai diễn nặng ký, có người e chừng vì với ngoại hình điển trai, to cao liệu có giống với hình tượng vị lãnh tụ. Vượt qua sự nghi ngại đó, Mạnh Trường đã làm khán giả rơi lệ khi diễn tả nội tâm sâu sắc khi Người nhớ về quê hương, một tách trà ướp hoa ngâu, một nắm đất quê nhà luôn mang theo gợi bao miền ký ức, bất chợt nghe tiếng ầu ơ ru con bên cách võng mà lòng bồi hồi nghẹn đắng: “ước gì mình vượt núi băng rừng đặt chân về đất mẹ dù chỉ một khắc rồi biệt xứ cũng cam lòng!”.

"Khi được giao vai về Bác bất cứ người diễn viên nào cũng có vinh dự rất lớn nhưng bên cạnh đó áp lực cũng không hề nhỏ bởi chỉ được thành công chứ không được thất bại. Cũng rất may công chúng đón nhận rất nhiệt tình và cảm thấy may mắn em đã thành công một phần nào đó trong bộ phim này".

“Thầu Chín ở Xiêm” là một bộ phim điện ảnh chỉnh chu trong từng khuôn hình, đẹp trong từng thước phim, đắt giá trong từng chi tiết, lời thoại sắc gọn chạm được đến trái tim khán giả.

Nếu “Thầu Chín ở Xiêm” nói về hình tượng lãnh tụ trong thời gian còn trẻ hoạt động cách mạng ở nước ngoài thì “Nhà tiên tri” của đạo diễn Vương Đức lại là hình ảnh khác về Người. Bộ phim lấy bối cảnh Bác Hồ “nằm gai nếm mật” ở chiến khu Việt Bắc giai đoạn 1947-1950. Bộ phim được ví như bức tranh thi ca thật đẹp, không chỉ có súng ống, có chết chóc đau thương qua những trận đánh, càn quét của địch mà hình ảnh Bác thật gần gũi, giản dị khi đưa ra những quyết định quan trọng của đất nước.

Khi nhắc đến tựa phim, nhiều người không nghĩ đây là bộ phim làm về Bác, nhưng sau khi xem phim, việc lựa chọn “Nhà tiên tri” hoàn toàn đúng vì với tầm nhìn chiến lược của mình, Bác dự đoán hoàn toàn chính xác những sự kiện lịch sử sắp diễn ra.

“Nhà tiên tri” được nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm viết trong vòng 7 năm, không khó hiểu khi nhà thơ tự nhận đây như một bài thơ về chiến tranh và hòa bình: “Bác lấy Tổ quốc làm nhà, đồng bào làm người thân, Bác lo cho tổ quốc chính là lo cho gia đình của mình!”.

Nhiều cảnh dẹp trong phim “Nhà tiên tri”. Ảnh: nguyenmailong

Dưới bàn tay của NSƯT Vương Đức, ông mang sắc thái điện ảnh vừa phim truyện vừa tài liệu đến với tác phẩm này. Núi rừng Việt Bắc hiện lên không chỉ hoang dã, điệp trùng, mà đầy chất lãng mạn, nên thơ. Bởi theo ông, Bác không chỉ là chiến sỹ mà còn là một nghệ sĩ, những vần thơ thép của Bác trong khung cảnh hùng tráng của núi rừng Việt Bắc chính là ngọn lửa mạnh mẽ hung đúc tinh thần chiến đấu của quân và dân ta.

“Tiếng suối trong như tiếng hát xa

Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa

Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”.

NSƯT Vương Đức nói thêm: "Những hình ảnh chúng tôi ghi lại tại núi rừng Việt Bắc từ Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Tuyên Quang Thái Nguyên cho đến đỉnh núi Ba Vì, thiên nhiên nước Việt chúng ta vô cùng đẹp, thi ca trữ tình, chúng ta không thể diễn tả được bằng lời thì điện ảnh sẽ nói hộ điều ấy bằng ngôn ngữ mạnh nhất - đó là hình ảnh".         

Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cả cuộc đời lo cho dân cho nước, hơn 30 năm bôn ba ở nước ngoài để tìm ra chân lý cách mạng, tìm ra con đường giải phóng dân tộc. Những câu chuyện, sự kiện gắn với Người không phải là huyền thoại mà rất gần gũi, chân thực.

Chính điện ảnh đã truyền tải điều đó thành công nhất. Những hình ảnh, thước phim về Bác là kho tư liệu lịch sử quý giá, là bài học sâu sắc cho thế hệ mai sau học tập và làm theo. Vì vậy, chúng ta hãy trân trọng những thước phim ấy để Người luôn mãi hiện hữu trong tim mỗi người con Việt Nam.