Cần thống nhất Nghi thức thờ cúng Hùng Vương

(VOH) - Sáng 26/12, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Thành ủy TPHCM tổ chức hội thảo khoa học “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam".

Các đại biểu tập trung làm sáng tỏ 2 nội dung chính: Lịch sử và ý nghĩa của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam và Bảo tồn, phát huy giá trị của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam hiện nay.

Dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Công viên Lịch sử - Văn hóa Dân tộc (quận 9, TPHCM). Ảnh: SGGP

Sau 3 năm UNESCO công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ (Việt Nam) là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, những giá trị văn hóa, ý nghĩa của Tín ngưỡng này đã và đang được kế thừa, phát triển.

Các tham luận tại hội thảo cũng đặc biệt chỉ rõ lịch sử hình thành và ý nghĩa của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thể hiện rất sinh động trong kho tàng di sản Hán Nôm, trong văn bản thư tịch cổ và nhiều kết quả nghiên cứu của ngành Khảo cổ học. Không chỉ ở cộng đồng người Kinh, nghiên cứu của PGS.TS Lâm Bá Nam còn cho thấy, tín ngưỡng này cũng tồn tại trong tâm thức các dân tộc thiểu số trên nhiều vùng miền của Tổ quốc và của cả bà con kiều bào ta tại hải ngoại. Chính tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã góp phần cốt lõi hình thành bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, cũng như trong chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc vì mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước.

GS.TS Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia cho biết: "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một nét đặc sắc nhất trên thế giới. Chỉ có quốc gia, dân tộc này mới suy tôn một người là ông Tổ chung của cả một dân tộc, lập nên cái gọi là ngôi mộ Tổ chung và đặt ra một ngày giỗ Tổ chung của toàn thể dân tộc.

Đây là một giá trị đặc sắc nhất, có tính chất toàn cầu để UNESCO thừa nhận là Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của chúng ta trở thành di sản thế giới. Từ tín ngưỡng thờ cúng ở một làng xã, ở khu vực núi Nghĩa Lĩnh và Đền Hùng đã lan tỏa ra khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, đi theo bước tiến của người Việt trong quá trình mở mang bờ cõi đi vào phương Nam".

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Hữu Nghị

GS.TS Lê Hồng Lý, Viên nghiên cứu Văn hóa – Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho rằng: cha ông ta cho thấy sự khôn khéo khi xây dựng biểu tượng chung của dân tộc bằng cách sử dụng triệt để các ưu thế của truyền thống văn hóa nhằm thực hiện mục đích hòa bình, hòa hợp và đoàn kết dân tộc. Cho đến hôm nay, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trở thành một nét đẹp mang tính chất thiêng liêng đối với người Việt Nam và phản ánh bản sắc văn hóa “uống nước nhớ nguồn".

Ngày nay, giá trị của quần thể di tích Đền Hùng và Lễ hội Hùng Vương đã trở thành một biểu tượng tâm linh trong đời sống cộng đồng dân tộc Việt Nam, không chỉ có giá trị văn hóa–lịch sử, tâm linh, mà còn có giá trị về mặt nghiên cứu, giáo dục. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không chỉ thể hiện ở khu vực trung tâm là Phú Thọ mà còn có hơn 1.400 di tích thờ Vua Hùng và các tiền hiền có công với nước trong cùng thời kỳ ấy.

Điều này càng chứng minh rằng, sức sống mãnh liệt của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, của văn hóa Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM chia sẻ: "Từ ngọn núi Nghĩa Lĩnh thiêng liêng, hồn thiêng sông núi vọng về từ Đền Hùng đã lan tỏa khắp mọi miền đất nước và ra nước ngoài cùng với kiều bào ta. Với đa dạng các hình thức thờ cúng, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật dân gian, lễ hội quần chúng được truyền, khơi dây, giữ gìn và phát huy, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa, tình thần của nhân dân ta. TPHCM là một trong những nơi có nhiều đền thờ các Vua Hùng, là nơi để người dân thành phố và du khách tham quan, học tập, thỏa sức thả hồn theo từng làn khói hương, gửi gắm lòng biết ơn tổ tiên lời cầu những điều tốt đẹp cho cuộc sống".

Bên cạnh việc kế thừa, gìn giữ Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, các đại biểu cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa, những nét độc đáo, mang tính bản sắc riêng của mỗi vùng miền, mỗi dân tộc, mỗi quốc gia đang có dấu hiệu phai nhạt. Vì vậy, cần phải đẩy mạnh việc gìn giữ, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa Việt Nam trong Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

Nhiệm vụ trước mắt là sớm nghiên cứu thống nhất về sự tích Hùng Vương, thống nhất về nghi thức để Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đồng nhất trên cả nước.