Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh chính thức trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

(VOH) - Ngày 27/11/2014, Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể đã chính thức công nhận dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Như vậy, sau nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ, Việt Nam đã có thêm di sản văn hóa phi vật thể thứ 9 được thế giới vinh danh.

Ví, Giặm là hai lối hát dân ca không nhạc đệm được cộng đồng người Nghệ Tĩnh sáng tạo ra từ hàng trăm năm nay. Ví, Giặm được thực hành trong lao động và đời sống thường nhật như lúc ru con, khi làm ruộng, chèo thuyền, lúc quay tơ, dệt vải, khi trèo non, lội suối. Các điệu hát Ví, Giặm vì thế cũng được gọi tên theo các hoạt động như: ví phường vải, ví đò đưa, ví phường cấy, ví trèo non, giặm ru, giặm kể, giặm vè, giặm cửa quyền… Lễ vinh danh và đón Bằng của UNESCO công nhận dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại sẽ diễn ra tại Quảng trường Hồ Chí Minh, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An vào tối nay ngày 31/1.

Phóng viên Đài TNND TPHCM có cuộc phỏng vấn Tiến sĩ Đặng Thị Bích Liên - Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xung quanh công tác quảng bá, bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh.

* Thưa bà, sự kiện nghệ thuật dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh có ý nghĩa như thế nào trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân xứ Nghệ nói riêng và người dân Việt Nam nói chung ?

Bà Đặng Thị Bích Liên: Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là một những loại hình nghệ thuật đặc sắc được cộng đồng người Nghệ An và Hà Tĩnh rất yêu thích. Việc dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh là một điều vinh dự đối với dân tộc Việt Nam. Đây là dịp để chúng ta quảng bá văn hóa của Việt Nam đến với bạn bè thế giới; đây cũng là dịp ghi nhận và vinh danh các thế hệ người Việt Nam, trong đó có người Nghệ An và Hà Tĩnh đã có công sáng tạo, gìn giữ và bảo tồn cho chúng ta một di sản văn hóa được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

* Chứng kiến thời khắc lịch sử dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được thế giới vinh danh; bà nhận thấy mức độ ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với di sản dân ca Ví, Giặm của chúng ta như thế nào ?

Bà Đặng Thị Bích Liên: Tôi rất vinh dự khi được tham dự kỳ họp vừa qua của Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO tại Paris (Pháp). Kỳ họp này có đại diện 192 quốc gia tham dự với tổng cộng 48 hồ sơ. Có 38 hồ sơ đã được Ủy ban xem xét, trong đó có dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh. Và chúng tôi vô cùng sung sướng bởi lẽ dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là một trong những hồ sơ được Ủy ban UNESCO đánh giá cao và cả 24/24 thành viên của Ủy ban UNESCO đều bỏ phiếu tán thành. Điều này thể hiện sự đánh giá cao của các nhà khoa học, các thành viên Hội đồng Ủy ban UNESCO đối với giá trị của di sản văn hóa này.

Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên phát biểu về quyết định của Ủy ban Liên chính phủ. (Ảnh: VOV)

* So với các di sản văn hóa phi vật thể khác của Việt Nam thì di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh có những nét đặc trưng khác biệt như thế nào ?

Bà Đặng Thị Bích Liên: Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là một trong những di sản đang sống trong cộng đồng. Nó gắn liền với cuộc sống đời thường của người dân Nghệ An và Hà Tĩnh; được người dân sáng tạo, gìn giữ, và phát huy ngay trong sinh hoạt đời thường như gặt lúa, ru con,… Đây có thể nói là một đặc trưng khác biệt của dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh so với các di sản khác.

* Với những nét đặc trưng đó thì chúng ta sẽ có kế hoạch, chương trình hành động gì để có thể nâng tầm và lan tỏa giá trị di sản này trong chặng đường mới ?

Bà Đặng Thị Bích Liên: Việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa này thì cách đây gần 10 năm, Nghệ An và Hà Tĩnh cũng đã chủ động trong việc kiểm kê, đánh giá di sản này và bước đầu đã làm tốt công tác bảo tồn, phát huy, trao truyền nghệ thuật này đến thế hệ trẻ. Cho đến nay thì hoạt động ở các câu lạc bộ, những sinh hoạt cộng đồng ở các làng, xã hay những lễ hội, liên hoan, trình diễn nghệ thuật ở các địa phương thì đều có những lời ca, tiếng hát Ví, Giặm. Trong Công ước của UNESCO vinh danh nghệ thuật dân ca Ví, Giặm thì điều cốt lõi được đánh giá cao là di sản phải được sống trong cộng đồng. Vì vậy, trong đề án phát triển, bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật dân ca Ví, Giặm thời gian tới thì hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh cũng đã có những kế hoạch và chương trình hành động mà chúng tôi đánh giá rất cao và hiện cũng đang được triển khai sâu rộng trong cộng đồng dân cư ở Nghệ An và Hà Tĩnh.

* Trước thềm lễ vinh danh và chính thức đón nhận bằng của UNESCO vào đêm 31/1, bà có lời nhắn gởi gì đến các nghệ nhân, nghệ sĩ và đồng bào cả nước trong việc quảng bá, bảo tồn và phát huy giá trị di sản dân ca Ví, Giặm ?

Bà Đặng Thị Bích Liên: Thông qua chương trình nghệ thuật phục vụ cho lễ vinh danh và đón bằng của UNESCO vào 20h ngày 31/1, chúng tôi hi vọng chương trình này sẽ thể hiện được giá trị cũng như tình cảm của người dân Nghệ An, Hà Tĩnh gửi đến đông đảo người dân trong nước và quốc tế thông qua hình thức nghệ thuật dân ca Ví, Giặm. Chúng tôi cũng mong rằng các thế hệ trẻ sẽ tiếp tục yêu quí, gìn giữ và bảo tồn, phát huy giá trị của dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh để di sản này sống mãi với thời gian.

Cám ơn bà. 

Một chương trình biểu diễn Dân ca Ví, Giặm - Ảnh: TITC.