Đón đầu âm nhạc thời số hóa

(VOH) - Trong thời đại âm nhạc số hóa lên ngôi, công tác bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các nhạc sĩ cũng cần phải được tiến hành với sự hỗ trợ của công nghệ cao. Đó chính là chiến lược “đón đầu” mà Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) – Chi nhánh phía Nam, từng bước chuẩn bị để tiến hành trong giai đoạn phát triển từ 2016 – 2020.

Theo Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC)  – Chi nhánh phía Nam, năm qua đã kí được 3.171 hợp đồng sử dụng âm nhạc ở tất cả các lĩnh vực với tổng số tiền thu được hơn 44,6 tỉ đồng, tăng 12,7% so với năm 2014. Con số ấy đã phần nào phản ánh được hiệu quả làm việc trong hoạt động đồng hành, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhạc sĩ.

Ông Vũ Ngọc Hoan – Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả - Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch đánh giá: “Đây là điểm sáng của thị trường âm nhạc Việt Nam. Trong thời gian tới khi chúng ta kí kết các hiệp định thương mại quốc tế thì sức ép ấy sẽ càng lớn hơn. Chúng ta phải tạo được môi trường thực thi quyền sở hữu trí tuệ, đáp ứng được yêu cầu của các hiệp định thương mại này. Bản thân Cục cũng sẽ tạo những điều kiện để việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ được tốt hơn”.

So với giai đoạn đầu, thành quả mà Trung tâm đạt được hôm nay rất đáng trân trọng, việc mở rộng hơn nữa phạm vi hoạt động là điều tất yếu, song càng mở rộng thì sẽ càng phức tạp và đòi hỏi chiến lược sắc nét, đột phá hơn nữa. Tự hào về những thành quả lao động tích cực đã gặt hái được, song nhạc sĩ Phó Đức Phương – Giám đốc VCPMC vẫn còn nhiều trăn trở: “Thành công trong tất cả các hạng mục của Chi nhánh phía Nam đã góp phần lớn cho thành công của VCPMC. Công nghệ kinh doanh âm nhạc ngày càng phức tạp và chúng tôi phải đuổi theo. Do đó nhiệm vụ của chúng tôi cũng ngày càng phức tạp hơn”.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc VCPMC và Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn Phó Giám đốc Trung tâm kiêm Giám đốc Chi nhánh phía Nam - Ảnh: BTDKT

So với năm 2014, trong 16 lĩnh vực sử dụng âm nhạc mà Chi nhánh phía Nam thu tác quyền âm nhạc thì doanh thu của 11 lĩnh vực tăng, cao nhất là ở lĩnh vực hàng không, thu về hơn 118 tỉ đồng; 5 lĩnh vực giảm doanh thu, mà đáng lo ngại nhất là lĩnh vực biểu diễn.

Lí giải về việc suy giảm doanh thu tác quyền, đại diện Chi nhánh phía Nam cho biết, năm 2015, tình hình kinh doanh tại các đơn vị kinh doanh có sử dụng âm nhạc cắt giảm chi phí, quy mô hoặc tần suất sử dụng âm nhạc. Nhiều đơn vị tổ chức biểu diễn lợi dụng các điều khoản chưa chặt chẽ của pháp luật để “trốn bản quyền”. Hiện tượng đó không phải ít, thậm chí còn tạo tiền lệ xấu, lan truyền một cách tiêu cực làm thất thoát một khoản lớn tiền tác quyền các sản phẩm âm nhạc.

Phải quyết liệt, triệt để và “thông minh” hơn nữa trong cách giải quyết những trường hợp tương tự, đó là điều mà năm 2016 VCPMC chi nhánh phía Nam sẽ thực hiện để đòi lại quyền lợi hợp pháp các tác giả âm nhạc xứng đáng được thụ hưởng.

“Trung tâm đã tiến hành thành lập Phòng Pháp chế, tăng cường tuyển dụng các Luật sư, thu thập bằng chứng, để nếu đơn vị nào vi phạm có thể đưa ra tòa xử lí. Có thể nói trong thời gian qua, Trung tâm đã được sự hỗ trợ rất lớn từ các cơ quan quản lí nhà nước, một khi có phản ánh thì các cơ quan này luôn có sự hỗ trợ kịp thời”, Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn – Giám đốc VCPMC – Chi nhánh phía Nam cho hay.

Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến luật pháp tại địa bàn TPHCM và các tỉnh/thành khác hoặc củng cố, đào tạo đội ngũ chuyên viên tâm huyết, giỏi nghề thì chiến lược “đón đầu” công nghệ để quản lí tác quyền là điểm nhấn quan trọng cho kế hoạch phát triển thời gian tới của Trung tâm.

“Hiện nay, hầu như thị trường âm nhạc đều chuyển hướng sang số hóa. Chính vì thế trong những năm qua, chúng tôi đã chuẩn bị các lực lượng được đào tạo ở nước ngoài, để có thể kết nối với tất cả các phần mềm tương tác trên thế giới. Chúng tôi đã nỗ lực hết mình để khi số hóa bùng nổ, chúng ta đã có đủ lực trong tay để thực hiện”, Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn cho biết thêm.

Để đảm bảo tính nghiêm minh của luật pháp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tác giả âm nhạc nói riêng, những giá trị lao động sáng tạo nói chung không chỉ nhờ vào nỗ lực của một tập thể như VCPMC. Quá trình giữ gìn, duy trì sự công bằng ấy cần có sự phối hợp của các đơn vị quản lí nhà nước và sự đồng lòng của toàn xã hội. Quan trọng hơn cả chính là ở ý thức tôn trọng “bản quyền” ở mỗi cá nhân. Có được tôn trọng, bảo vệ và nâng niu như thế thì những giá trị sáng tạo mới có cơ sở tồn tại và phát triển.