Đường sách Nguyễn Văn Bình – nét văn hóa của người thành phố

(VOH) - Gần nửa năm đi vào hoạt động, đường sách Nguyễn Văn Bình đã trở thành nơi gặp gỡ yêu thích của những người yêu sách. Có thể nói, đường sách Nguyễn Văn Bình đã dần trở thành một nét văn hóa của người thành phố.

Nhiều điểm nhấn lôi cuốn 

Với lợi thế ở vị trí trung tâm, cùng với khuôn viên mát mẻ, đường sách là lựa chọn ưu tiên của những người làm sách khi muốn giới thiệu những quyển sách hay, mới nhất của công ty mình đến với bạn đọc.

Không gian mở, thoáng đãng, đường sách Nguyễn Văn Bình là nơi “hò hẹn” của bạn văn, của những buổi giao lưu giữa tác giả và độc giả hay của những người thực sự tìm đến với sách. “Đường sách Nguyễn Văn Bình” – đã thành cụm từ quen thuộc của bạn bè, của gia đình khi muốn tìm đến không gian tri thức hay không gian thư giãn vào những ngày cuối tuần sau những ngày làm việc mệt nhọc.

Bạn Xuân Tiến ở quận 1 chia sẻ: “Đến với đường sách thì em thấy có rất nhiều hoạt động liên quan đến sách như giảm giá, hay các buổi trò chuyện về những chủ đề liên quan đến việc đọc sách, về kĩ năng đọc sách, cách nào để chúng ta có thể tìm được cuốn sách hay. Những chuyên đề như vậy để bổ sung cho việc khi mình đi đọc sách thì giúp cho mình biết cách chọn lựa sách tốt hơn. Thêm nữa, đường sách ở trung tâm sẽ tạo nên điểm nhìn mới của người nước ngoài đối với người Việt”.

Không chỉ bổ ích cho các bạn sinh viên học sinh, cho giới trẻ yêu sách mà đường sách Nguyễn Văn Bình TPHCM cũng là nơi rất lí tưởng cho những ai yêu thích sách cũ. Vào các ngày cuối tuần, tại những quầy sách cũ, hình ảnh người già, người trẻ, những người hoài niệm với điều xa xưa, nhẹ nhàng chọn lựa cho mình những quyển sách đã nhuốm màu thời gian, gợi nên trong lòng mỗi người nét bình dị, thân thương mà không phải nơi nào cũng có.  

Đường sách Nguyễn Văn Bình – Ảnh: Petrotimes

Nỗ lực hoàn thiện

Tuy vậy, đường sách nằm ở vị trí trung tâm thành phố nên cũng có điều làm đau đầu ban điều hành đường sách và công chúng yêu sách chưa hài lòng. Đó là bãi giữ xe còn khá hạn chế, chưa đáp ứng được hết nhu cầu của người tham quan, mua sách.

Bên cạnh đó, những cây dù của các quầy hàng sách cũ không được cất đi sau hai ngày cuối tuần bày bán, làm cho mặt tiền đường sách bị che khuất, tạo cảm giác chật hẹp và ảnh hưởng đến hoạt động của các nhà xuất bản, công ty sách. Ngoài ra, đường sách hiện nay chưa có biểu tượng cũng như bộ nhận dạng thương hiệu, đã làm hạn chế phần giới thiệu hình ảnh đường sách đến người dân.

Là người có kinh nghiệm trong việc xây dựng thương hiệu, và là người rất yêu sách, anh Hoàng Minh – phụ trách truyền thông của Công ty sách Alpha hiến kế: “Theo tôi ban điều hành đường sách nên xây dựng cổng chào, xử lí dứt điểm việc bán sách gây ảnh hưởng đến đường sách. Làm lại một chương trình truyền thông hệ thống và bài bản, truyền thông liên tục. Có thể là truyền thông trên báo, qua website, đặc biệt là có thể chạy thông tin trên các đài phát thanh, truyền hình. Như vậy người dân thành phố sẽ quan tâm nhiều hơn”.

Mặc dù còn nhiều hạn chế vì còn khá non trẻ, với khoảng thời gian đi vào hoạt động chưa lâu, tuy nhiên, đường sách Nguyễn Văn Bình đang ngày càng nỗ lực hoàn thiện để đưa sách đến với bạn đọc thuận lợi hơn.

”Hiện nay đội thi công của đường sách đang tiếp tục gia cố, để không gian thích ứng với 6 tháng mưa của TPHCM. Một số không gian xanh cần tăng cường cho khuôn viên của đường sách. Đang có thiết kế những hoạt động mang tính chất định kì cố định. Những nội dung được trích từ những cuốn sách được các đơn vị làm sách xuất bản phát hành trong năm”, TS Quách Thu Nguyệt – thành viên Ban điều hành đường sách nói.

Với sự cố gắng của ban điều hành, của những người dành tâm huyết cho sách, và hiến kế của những người làm nghề, chúng ta tin rằng đường sách Nguyễn Văn Bình sẽ trở thành nơi quen thuộc của cư dân đô thị tìm đến với tri thức, góp phần nâng cao văn hóa đọc của công chúng.