Giai điệu Lạc Hồng thắt chặt tinh thần đoàn kết dân tộc

(VOH) - Nếu các thí sinh Liên hoan Giai điệu Lạc Hồng năm 2015 đã có cơ hội thể hiện “Nét đẹp biên giới” với những bản sắc dân tộc các vùng miền trên đất nước Việt Nam thì ở Liên hoan năm nay chính là sự tiếp nối của âm nhạc, giai điệu quê hương, đất nước và đặc biệt là sự phát triển, hội nhập của đất nước trong thời đại mới với chủ đề “Việt Nam ngày mới”.

Liên hoan Giai điệu Lạc Hồng năm 2016 với chủ đề mở cùng sự mở rộng về nội dung dự thi, đón nhận sự tham gia của học sinh, sinh viên các dân tộc thiểu số đang theo học và sinh hoạt trên địa bàn TPHCM cũng như sinh viên nước bạn Lào và Campuchia.

Sau vòng sơ loại, ban tổ chức đã lựa chọn 9 tiết mục xuất sắc nhất để công diễn đêm gala công diễn và trao giải đầy ấn tượng đúng dịp kỉ niệm 70 năm ngày Bác Hồ gửi thư cho Đại hội các dân tộc thiểu số (19/4/1946 – 19/4/2016).  

Các tiết mục dự thi có nội dung phong phú, nêu bật được bản sắc đặc trưng của các dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam, đặc biệt là sự phát triển, hội nhập của đất nước trong giai đoạn mới. Ở vòng sơ loại, Đại học Văn hóa TPHCM là đơn vị dự thi nhiều tiết mục nhất tại Liên hoan năm nay với 5 tiết mục ở 5 thể loại khác nhau: song ca, tốp ca, múa, ca múa và biểu diễn thời trang.

Đánh giá về thành công của Liên hoan năm nay, anh Dương Trọng Phúc – Phó Giám đốc Nhà văn hóa Sinh viên, cho biết: “Thành công của chúng tôi là sự tham gia đông đảo của các đơn vị: tổng cộng 9 đơn vị tham gia với 28 tiết mục và 120 diễn viên. Các tiết mục đều được đầu tư kĩ lưỡng, dù còn bận thi cử rồi trùng vào dịp Tết cổ truyền của một số dân tộc. Tuy nhiên các bạn sinh viên vẫn tập luyện rất hăng hái để tham gia liên hoan và được đánh giá rất cao. Các tiết mục này chúng tôi sẽ giới thiệu để các bạn biểu diễn các chương trình sắp tới của Nhà văn hóa Sinh Viên cũng như Hội Sinh viên TPHCM”.

Các thí sinh của Giai điệu Lạc Hồng đã mang đến cho Liên hoan những nét đẹp văn hóa độc đáo của từng dân tộc anh em trên lãnh thổ Việt Nam. Không chỉ được thể hiện niềm tự hào của dân tộc mình, các bạn trẻ còn được học hỏi và giao lưu tinh hoa văn hóa của dân tộc bạn, biết thêm về điệu múa Chăm, tiếng đàn tính độc đáo hay nghệ thuật hát then…

Bạn Kiều Đào Phi Khanh đến từ Đại học Sư phạm TPHCM, theo dõi hầu hết tất cả các tiết mục của Liên hoan chia sẻ những suy nghĩ của mình: “Em ấn tượng nhất với cô gái mặc áo đỏ người Chăm, hát bài Huyền thoại Posanư. Tiết mục đưa em về với không gian của quê nhà, với tháp Chàm cổ kính. Em nghĩ rằng hàng năm nên duy trì liên hoan này. Bởi vì mỗi dân tộc đều có nét văn hóa đặc sắc riêng, khi tạo sân chơi như thế này sẽ tạo được mối quan hệ tốt hơn giữa các sinh viên, nâng cao tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc anh em. Đất nước ta có 54 dân tộc, gom góp lại sẽ tạo nên sự phong phú về văn hóa giữa các dân tộc với nhau. Liên hoan còn có thêm sự tham gia của các bạn nước ngoài, như vậy cũng rất hay, điều đó sẽ giúp chúng ta có cơ hội biết nhiều thêm về các nền văn hóa lân cận…”.

Trao giải cho các tiết mục vă nghệ xuất sắc của Liên hoan - Ảnh: K.Ngân

Tự hào về nét đẹp văn hóa đặc trưng của dân tộc

Điểm mới của Liên hoan Giai điệu Lạc Hồng 2016 chính là ngoài hình thức dự thi qua các tiết mục được trình diễn dưới hình thức: đơn ca, song/tam/tứ ca, tốp ca, ca múa, nhạc kịch, múa độc lập… thí sinh còn có thể chọn hình thức biểu diễn trang phục các dân tộc.

Với hình thức dự thi này, Liên hoan Giai điệu Lạc Hồng không chỉ dành cho những người yêu ca hát, nhảy múa mà còn là sân chơi sáng tạo của những bạn trẻ yêu thích thời trang, đam mê sáng tạo nghệ thuật, đặc biệt là đối với loại hình nghệ thuật trình diễn được thể hiện rõ nét qua những bộ sưu tập thời trang đậm đà bản sắc dân tộc, vùng, miền…

Đại học Văn hóa TPHCM đã có phần trình diễn ấn tượng ở hạng mục này và đoạt được Giải Vàng của Liên hoan năm nay. Cô Minh Hằng – Giảng viên Đại Học Văn hóa – đại diện đơn vị nhìn nhận: “Các bạn đều là thành viên của Câu lạc bộ Âm nhạc dân tộc, và các bạn tham gia biểu diễn đều là người dân tộc thiểu số. Thực tế cũng không khó khăn lắm vì Khoa Văn hóa dân tộc của chúng tôi có một quy ước nho nhỏ, đó là vào ngày đầu tiên của mỗi tháng thì các bạn sinh viên người dân tộc thiểu số sẽ mặc trang phục dân tộc của mình đến trường, còn các bạn người Kinh thì mặc áo dài đến trường.

Do đó, khi tham gia biểu diễn trang phục dân tộc của mình thì các bạn thấy rất tự hào và thoải mái. Chỉ khó khăn một chút là vì thời điểm này vừa xong Tết của các bạn Khmer nên việc tham gia của các bạn cũng hơi cập rập chút xíu. Mình thấy hãnh diện về các bạn. Đôi khi các bạn sinh viên người dân tộc thiểu số hơi rụt rè chút xíu khi đứng trước sân khấu thì hôm nay các bạn đã gạt bỏ được điều đó mà thể hiện nét đẹp của văn hóa mình trên sân khấu…”.

Trao học bổng cho các sinh viên dân tộc thiểu số.

Như tinh thần mà Bác Hồ kính yêu từng nhắc đến khi gửi thư cho Đại hội các dân tộc thiểu số năm 1946: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là con em ruột thịt, chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”; Liên hoan Giai điệu Lạc Hồng như một vòng tròn nhỏ, đã kết nối được các sinh viên Thành phố đến gần nhau hơn. Không phân biệt màu da, dân tộc…tất cả các tri thức trẻ đều tự hào mang dòng máu Việt, không chỉ làm đẹp cuộc đời với tiếng hát, nhịp đàn mà sẽ cùng nhau góp phần xây dựng quê hương Việt Nam giàu mạnh.

Khép lại Liên hoan Giai điệu Lạc Hồng 2016, Giải Vàng đơn ca đã thuộc về thí sinh Nguyễn Trung Việt Y Hoàng Đại học Sài Gòn và đơn vị này cũng giành được Giải Bạc thể loại Song ca, tam ca, tứ ca (không có Giải Vàng); tương tự thể loại Tốp ca, ca múa, nhạc kịch cũng không có Giải Vàng và Giải Bạc, Giải Đồng được trao cho Đại học Văn hóa  và CLB Hát Then - Đàn Tính; Giải Vàng múa độc lập được trao cho Cao đẳng Sư phạm Trung ương TPHCM; Đại học Văn hóa TP giành Giải Vàng thời trang; CLB Hát Then – Đàn Tính còn mang về thêm được Giải Bạc thổi sáo.

Trong đêm gala, Hội sinh viên, Trung tâm Hỗ trợ học sinh - sinh viên Thành phố phối hợp cùng Nhà văn hóa Sinh viên, đã trao tặng 30 suất học bổng cho các sinh viên dân tộc thiểu số của 18 trường đại học, cao đẳng trên địa bàn, mỗi suất trị giá 2 triệu đồng.