Giải Trần Hữu Trang lần thứ XII: Đêm mở màn đầy kịch tính

(VOH) - Giải thưởng Trần Hữu Trang lần thứ XII năm 2014 đã khai mạc vào tối qua tại sân khấu 5B TP.HCM. Giải thưởng do Hội Sân khấu TP.HCM phối hợp với ban tổ chức Festival đờn ca tài tử Nam bộ và Đài PT-TH tỉnh Hậu Giang tổ chức. Một không khí náo nức, phấn khởi, tràn ngập cảm xúc và nụ cười, dù có không ít áp lực căng thẳng nhưng mỗi thí sinh đã thật sự tỏa sáng thăng hoa cùng nhân vật trong hơn15 phút trên sân khấu.

Trong bài phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Hồng Dung – Phó Chủ tịch Hội sân khấu TP.HCM khẳng định ý nghĩa và giá trị của giải thưởng này, một giải thưởng đã có trên 20 năm đồng hành cùng đời sống sân khấu cả nước, góp phần tìm kiếm những tài năng sáng giá, tạo ra lực lượng trẻ kế thừa để giữ gìn và phát huy những vốn quý của sân khấu cải lương:


(Mỗi mùa giải Trần Hữu Trang là dịp tập trung ca diễn cải lương cho các diễn viên trẻ chuyên nghiệp. Vì tính chất chuyên nghiệp của giải thưởng và hiệu quả của các huy chương vàng Trần Hữu Trang, giải thưởng nhận được rất nhiều ủng hộ của ban lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong việc đầu tư cho các thí sinh dự giải chu đáo, chuẩn mực của một giải thưởng mang tính chuyên nghiệp. Cho đến nay, qua 11 lần tổ chức đã có 61 huy chương vàng triển vọng, 5 huy chương vàng xuất sắc được trao cho các diễn viên trẻ mà trong số đó ngày nay đã trở thành những nghệ sĩ ưu tú, những diễn viên trụ cột tại các đơn vị nghệ thuật cải lương ở nhiều địa phương trên cả nước. Giải thưởng đã xác định được nhiệm vụ dò tìm và khẳng định những tài năng trẻ xứng đáng là lực lượng kế thừa cho các bậc nghệ sĩ đi trước.)

Diễn viên trẻ Thanh Phong của trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM, lần đầu đến với giải thưởng Trần Hữu Trang, vai diễn có phần hơi quá sức nhưng sự “Nặng nợ” của đời nghệ sĩ đã được Thanh Phong lột tả khá tốt trong trích đoạn “Cội nguồn”.  Mai Thắm đến từ Đoàn nghệ thuật Long An làm khán giả vỡ òa ngổn ngang trong bi kịch của một đời người, Mai Thắm đã thật sự nổi bật ngay trong đêm thi đầu tiên với một vai diễn có chiều sâu, có điểm nhấn, kết hợp tinh tế giữa ca và diễn. Xúc động sau vai diễn, Mai Thắm chia sẻ:


(Không biết nói như thế nào nữa, có rất nhiều cảm xúc khác nhau. Vừa lo lắng, vừa xúc động, vừa có một điều gì đó dâng trào trong lòng mình. Dù tác phẩm “Âm binh” không phải là đứa con tinh thần do mình sáng tác ra nhưng mình đọc và nó chạm phải trái tim của mình, tự nhiên mình muốn làm một điều gì đó, rồi nhân vật Nhi cũng nhảy múa trong người mình nữa. Hình như nhân vật Nhât này cứ muốn sống trong người của Mai Thắm vậy đó.)

Trong đêm thi khai mạc còn có sự trở lại của nhiều huy chương vàng Trần Hữu Trang các mùa trước giữ vai trò trợ diễn cho các thí sinh. Náo nức, phấn khởi pha lẫn niềm vui sướng khi được đồng hành cùng các thí sinh trong mùa giải năm nay, nghệ sĩ Thy Trang - Huy chương vàng giải Trần Hữu Trang năm 2003 bày tỏ:


(Khi Thy Trang đứng trên sân khấu phụ diễn cho các bạn thì mình cũng nghĩ là mình là người đi thi, nên cũng hơi run nhớ lại ngày đầu mình đi thi. Khi biết mình đoạt được huy chương vàng thì mừng dữ lắm, bao nhiêu ngày không ngủ được. Khi có chiếc huy chương vàng đó rồi thì mình càng phải cố gắng nhiều hơn nữa. Bây giờ, thấy mấy em thoải mái hơn. Các em được các thầy cô phân bổ cho mình vào trích đoạn nào để hợp với sở trường của mình thì mình đỡ lo, sẽ chuyên tâm về vai diễn của mình hơn. Các bạn, các em, các chị nên bình tĩnh. Bình tĩnh là điều quan trọng nhất để mình giữ tinh thần, mình tập trung. Khi mình run quá thì mình sẽ không kiểm soát được làn hơi.)

Trong đêm khai mạc, rất đông khán giả đã đến sân khấu 5B cổ vũ cho các thí sinh. Sân khấu với sức chứa 200 chỗ trở nên nhỏ bé so với một lượng khán giả nhiệt tình, hùng hậu. Điểm chung duy nhất ở những khán giả đáng mến này chính là một tấm lòng mộ điệu chân thành với nghệ thuật cải lương. Anh Xuân Hiếu ở Q.Thủ Đức tỏ ra hài lòng, thích thú với phần thi của các thí sinh:


(Giải Trần Hữu Trang năm nay, đêm thi đầu tiên, tôi thấy có rất nhiều thí sinh trẻ và tài năng, có sắc vóc ca diễn tốt. Nhưng đặc biệt, tôi thích vai diễn của Mai Thắm trong vở “Hồn của đất”.  Tôi đặc biệt thích vai diễn này vì đây là vai diễn có sự đầu tư và suy nghĩ. Nó chuyển tải được cảm xúc đến khán giả mà trong đó có tôi.)

 Khán giả Ngọc Gương ở Q.8 lại tâm sự:


(Thường thường chỉ xem trên đài, trên tivi thôi, năm nay mới được xem trực tiếp. Năm nay các thí sinh rất trẻ, tuy trẻ nhưng rất yêu nghề nên thấy cũng rất mừng. Gương cảm thấy hôm qua các thí sinh diễn rất tốt. Gương thích diễn viên Mai Thắm của tiết mục sau cùng.)

Nếu giải thưởng Thanh Tâm ra đời năm 1958 được xem là giải thưởng đầu tiên dành cho các nghệ sĩ trẻ giới sân khấu cải lương thời điểm ấy,  thì giải thưởng Trần Hữu Trang xuất hiện sau đó (1991) như một sự kế thừa trọn vẹn và được nâng lên một tầm cao mới.

Hơn 20 năm tồn tại, giải thưởng Trần Hữu Trang do Hội Sân khấu TP.HCM và Báo Sân khấu TP.HCM lập nên đã góp phần phát hiện được nhiều nghệ sĩ trẻ tài hoa, tô điểm cho nền nghệ thuật nước nhà những danh ca “thanh – sắc” vẹn toàn. Và sự góp mặt làm việc một cách công tâm, hết lòng của các nghệ sĩ tên tuổi ở vị trí giám khảo chuyên môn của giải thưởng, sự uy tín của giải thưởng danh giá này như càng được nhân lên gấp bội.

NSND Tiến sĩ Bạch Tuyết, một trong những nghệ sĩ có nhiều cống hiến cho cải lương nước nhà không chỉ qua những vai diễn mà còn qua những nghiên cứu về cải lương, nhiều năm gắn bó với giải thưởng này – Giữ vai trò Chủ tịch hội đồng nghệ thuật cho biết khá bất ngờ với tinh thần cũng như khả năng diễn xuất của các thí sinh ngay trong đêm thi khai mạc:


(7 tiết mục, mỗi tiết mục là một sắc thái khác nhau, điều đó nói lên, nghệ thuật cải lương đã đi vào lòng dân tộc Việt Nam, có một sức quyến rũ lạ lùng với tất cả mọi người và hầu như là tất cả các giới khác nhau. Chỉ điều đó thôi cũng làm chúng mình thấy vui, xúc động và tự hào, bởi cải lương là môn nghệ thuật rất đặc biệt. Nó rất khó, người diễn viên lên diễn phải ca, rồi nhịp nhàng, rồi hóa trang… tất cả mọi thứ phải cùng làm một lúc nên khi bước lên diễn trên sân khấu trong một vai diễn thì đó là cả một kì công. Khi xem thì mình không nghĩ ở vị trí của giám khảo đâu, mình chỉ nghĩ là ở sự xúc động của một nghệ sĩ thôi nên khi xem tất cả diễn hầu như đều cảm thấy rưng rưng.)

Đêm khai mạc cũng đồng thời là buổi thi đầu tiên tại TP.HCM với quá nhiều cảm xúc khép lại trong những tràng pháo tay không ngớt của khán giả. Đó không chỉ là động lực vô cùng to lớn với các thí sinh mà còn là niềm động viên với những người tổ chức. Hi vọng, mùa giải năm nay, sân khấu cải lương sẽ có thêm những gương mặt mới hội đủ tài năng và nhiệt huyết để tiếp tục kế thừa sự nghiệp nghệ thuật thiêng liêng quý giá mà bao thế hệ nghệ sĩ đi trước đã gìn giữ đến tận hôm nay.