Giáo dục từ văn học, nghệ thuật để xây dựng nhân cách con người

(VOH) - “Văn học, nghệ thuật với việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam” chính là chủ đề bàn luận của Hội thảo Khoa học Toàn quốc 2015 do Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức, đã diễn ra trong 2 ngày 3 và 4/10, tại TP.HCM.

Với sự tham dự của đông đảo các nhà quản lí, nhà khoa học, nhà lí luận, phê bình, các văn nghệ sĩ… hội thảo đã đón nhận được nhiều ý kiến đóng góp và tranh luận sôi nổi.  

Sự đảo lộn các giá trị trong nhân cách?!

Trước khi hội thảo diễn ra, nhiều người quan ngại rằng, chủ đề thảo luận của năm nay không quá mới mẻ, nếu không muốn nói là có thể bị trùng lắp với nội dung như Hội thảo năm trước “Vấn đề đạo đức con người trong văn học, nghệ thuật”. Tuy nhiên, sự nghi ngại đó đã nhanh chóng được xua tan, khi chủ tịch đoàn giải thích cặn kẽ giữa hai khái niệm “đạo đức” và “nhân cách”, đây là hai khái niệm có phạm trù bao hàm chứ không đồng nhất. Nói một cách ngắn gọn và dễ hiểu như PGS – TS Đào Duy Quát thì “đạo đức” là biểu hiện bên ngoài, còn “nhân cách” chính là yếu tố cốt lõi “bên trong” để làm nên diện mạo cho “đạo đức” ấy.

Lý giải thêm, vì sao Hội thảo Khoa học Toàn quốc năm nay lại chọn chủ đề này, PGS – TS Đào Duy Quát – Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng lí luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cho biết: Tại Hội nghị Trung ương 9, Khóa 11 vừa rồi, trên cơ sở tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết về văn hóa của Khóa 8, thì Trung ương 9 đã ra Nghị quyết 33, chủ đề của Nghị quyết là Xây dựng, phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững đất nước. Trung ương lần này đã ra nhiệm vụ trọng tâm của xây dựng văn hóa là xây dựng con người phát triển toàn diện. Và trong xây dựng con người thì quan trọng nhất là xây dựng nhân cách con người. Văn học, nghệ thuật là một bộ phận rất quan trọng của văn hóa, là bộ phận nhạy cảm và tinh tế của văn hóa. Cho nên, Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương quyết định tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề chính là Văn học, nghệ thuật với việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam”.

Nhiều đại biểu tham dự đánh giá cao báo cáo đề dẫn Hội thảo của GS – TS Đinh Xuân Dũng, khi ông chỉ ra rằng, từ những biến động xã hội và cả từ những hạn chế, khuyết điểm, yếu kém, trong chỉ đạo và tổ chức xã hội, mà đã và đang diễn ra những biến động đáng buồn, đáng lo ngại: “Đó là sự đảo lộn các giá trị trong nhân cách, sự loạn chuẩn trong lựa chọn, sự tha hóa, biến chất, sự gia tăng những thói hư, tật xấu, thói vô cảm, sự tham nhũng tràn lan, những tội ác ngày càng nghiêm trọng, tạo nên bóng đen đe dọa cuộc sống bình an của con người, sự sùng ngoại công khai trắng trợn, thói dối trá từ trên xuống dưới…”.

“Cha ông ta đã để lại một truyền thống quý báu, rất tâm huyết về khẳng định vai trò của văn học, nghệ thuật trong xây dựng cốt cách, bản lĩnh, nhân phẩm của con người Việt Nam chúng ta. Có thể lấy hàng trăm ngàn dẫn chứng về điều đó và nhiều tham luận trong hội thảo này đã khẳng định đầy sức thuyết phục về các giá trị quý báu mà văn học, nghệ thuật Việt Nam trong quá khứ đã tạo ra, đã đúc kết và nuôi dưỡng nhân cách con người Việt Nam một cách sâu sắc và đầy sức hấp dẫn bằng đặc trưng văn học, nghệ thuật. Di sản đó cần phải được giữ gìn, bảo vệ, kiên trì truyền bá, chuyển tải đến các thế hệ con người Việt Nam từ nay về sau, từ trong gia đình đến nhà trường và toàn xã hội. Không làm được điều đó, chúng ta có tội với cha ông và có lỗi với con cháu mình!”GS – TS Đinh Xuân Dũng bày tỏ kì vọng.

PGS.TS Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Hồng Vinh phát biểu khai mạc hội thảo sáng 3.10 - Ảnh: TNO

Vai trò, trách nhiệm của người sáng tạo văn học, nghệ thuật

Hội thảo lần này thu hút số lượng tham luận nhiều nhất (gần 100 tham luận) và chất lượng tương đối cao với tỉ lệ trên 70% bài khá, tốt, đóng góp ý kiến. Bên cạnh việc lí giải mối quan hệ biện chứng giữa vai trò, sứ mệnh của văn học, nghệ thuật với việc xây dựng, nuôi dưỡng nhân cách con người Việt Nam trong thời đại mới, Hội thảo còn đánh giá lại thực tiễn sáng tạo văn học, nghệ thuật thời gian qua. Đặc biệt nhất, hội thảo tập trung xoáy vào vấn đề vai trò, trách nhiệm của người sáng tạo văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay. PGS – TS Nguyễn Hồng Vinh – Chủ tịch Hội đồng Lí luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương nhấn mạnh: “Một câu hỏi lớn đặt ra: Với vai trò là người thợ xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội, đội ngũ văn nghệ sĩ cần làm gì và làm như thế nào để góp phần xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, đạo đức, lối sống và nhân cách?”.

Để nền văn học, nghệ thuật tác động tích cực đến việc hình thành, xây dựng nhân cách con người thì trước hết bản thân chủ thể sáng tạo ra nền văn học, nghệ thuật ấy phải là những con người tài năng và có nhân cách tốt. Nói một cách ví von thì một tâm hồn méo mó, một nhân cách khiếm khuyết khó có thể cho ra đời những “đứa con tinh thần” lành lặn, chứ chưa vội bàn đến đẹp, đến hay. Liệu rằng những sản phẩm sáng tạo tinh thần mà một nghệ sĩ suy đồi đạo đức, thoái hóa về nhân cách làm nên không bị “lấm lem” bởi chính cái bản ngã đã lệch lạc của tác giả? Vậy thì để nền văn học, nghệ thuật được phát triển một cách khỏe khoắn, trước hết, cần loại bỏ những hạt sạn như thế ra khỏi đội ngũ sáng tạo. Đó cũng chính là điều mà những nghệ sĩ đi trước cố gắng thể hiện trong chính lối sống và quá trình sáng tạo của mình để lớp trẻ noi theo một cách tự nguyện với lòng nể phục. “Tôi cho rằng, giáo dục ở nhà trường cần phải thay đổi, cần phải dạy điều gì các cháu thấy đúng và làm theo. Còn chúng tôi với các nghệ sĩ trẻ, vì các em lớn rồi, các em đã biết điều gì nên, không nên làm, thì chúng tôi phải làm sao cho các em thấy cách làm việc của chúng tôi, rồi từ đó tự rút ra sẽ tốt hơn là bắt các em phải làm theo”, NSND Chu Thúy Quỳnh chia sẻ.

Tuy nhiên, lực lượng văn nghệ sĩ, những người sáng tạo cũng chỉ là một bộ phận trong đời sống văn học, nghệ thuật. Bên cạnh đó còn có lực lượng biểu diễn, đội ngũ giảng dạy, bộ phận lí luận, phê bình… mà rộng ra hơn nữa còn có cả hệ thống chính trị, các cấp lãnh đạo và quần chúng nhân dân. Các đại biểu cũng bàn luận nhiều về vai trò của các kênh quảng bá, truyền thông mà cụ thể là báo chí, xuất bản cần đóng góp nhiều hơn nữa và có sự “gạn đục khơi trong” trong tuyên truyền các tác phẩm văn học, nghệ thuật, tránh cổ súy cho những trào lưu, hiện tượng “chưa chuẩn” của văn hóa.

Đề cập đến công tác quảng bá văn học nghệ thuật, bà Thân Thị Thư – Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM phát biểu: “Hoạt động quảng bá, giới thiệu các tác phẩm bộc lộ nhiều bất cập, mặt trái của kinh tế thị trường đã tác động tiêu cực lên hoạt động quảng bá thông qua hệ thống thông tin truyền thông. Đó là tình trạng nhiều tác phẩm được báo chí lăng xê quá đà, dù chưa tốt. Sự bất cập này dẫn đến điều đáng buồn là làm nhiễu thông tin về tác phẩm, tốt xấu lẫn lộn, thậm chí đảo ngược, ảnh hưởng tiêu cực đến sự lựa chọn hưởng thụ tác phẩm của công chúng. Chính những yếu kém này đã góp phần tác động xấu đến việc xây dựng nhân cách con người.”

Hướng tới và nâng cao giá trị chân – thiện – mỹ

Một lượng lớn các tham luận đề cập đến vấn đề “giáo dục”. Họ cho rằng đây vừa là thực trạng, nguyên nhân, đồng thời cũng là chìa khóa “giải pháp” cần thực hiện để xây dựng nền văn học, nghệ thuật đầm đà bản sắc dân tộc và góp phần xây dựng nhân cách con người. Con người vẫn luôn là vấn đề quan trọng nhất. Kể cả người sáng tạo và người hưởng thụ nghệ thuật đều cần được “giáo dục” để có thể ứng xử nhân văn.

Đây là giải pháp cấp bách mà cũng là chiến lược lâu dài để chúng ta vực dậy nền văn hóa đang có chiều hướng tiêu cực dần đi hiện nay. Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu bày tỏ: “Muốn xây dựng nhân cách không chỉ có văn học nghệ thuật mà cần kết hợp nhiều đối tượng và chúng ta cần làm việc đó tích cực hơn. Nếu không nền văn hóa chúng ta sẽ càng xuống cấp. Chúng ta phải làm ngay và triển khai ngay. Đặc biệt là vấn đề giáo dục. Điều cấp bách là việc cần làm ngay và lâu dài thì chúng ta phải làm thường xuyên”.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: TTXVN

Đến tham dự hội thảo, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang - Ủy viên Bộ chính trị, đánh giá cao Hội đồng lí luận phê bình, văn học, nghệ thuật Trung ương khi đã đưa ra chủ đề hết sức thiết thực và bổ ích trong thời điểm nước ra đang đẩy mạnh phát triển toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế. Chủ tịch nước tin rằng, kết quả của Hội thảo lần này sẽ góp phần làm cho toàn Đảng, toàn dân, nhất là các nhà văn hóa, các văn nghệ sĩ nhận thức sâu sắc hơn về vị trí, vai trò của văn hóa, văn nghệ đối với quá trình xây dựng con người phát triển nói chung và xây dựng đạo đức, lối sống con người nói riêng.  

Những ý kiến thảo luận sôi nổi của 2 ngày diễn ra hội thảo, đã được tập hợp lại để trình lên Chính phủ và góp ý vào văn kiện Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ 12. Hội thảo Khoa học toàn quốc lần này có lẽ vẫn chưa "giải quyết" được triệt để những băn khoăn mà các đại biểu tham dự đặt ra. Thế nhưng, có một điều đáng mừng cần ghi nhận đó chính là sự trao đổi thẳng thắn và thừa nhận những lỗ hổng văn hóa đã và đang tồn tại. Để khắc phục, như đã đề cập ở trên, cần sự liên kết và nỗ lực của toàn xã hội chứ không chỉ là nhiệm vụ của văn nghệ sĩ…

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu định hướng tại hội thảo: “Đảng, Nhà nước và nhân dân mong mỏi các văn nghệ sĩ sẽ ngày càng sáng tạo nhiều tác phẩm phản ánh hiện thực sinh động, chân thực, và sâu sắc sự nghiệp của nhân dân ta trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược cũng như trong công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc ngày hôm nay. Các tác phẩm cần biểu dương, cổ vũ những nhân tố tích cực trong xã hội, những nhân vật tiêu biểu, đề cao cái đúng, cái tốt, và cái đẹp trong quan hệ giữa con người với con người và giữa con người với xã hội, với thiên nhiên; phê phán thói hư tật xấu, lên án cái ác, cái thấp hèn; cố gắng nâng cao tính hấp dẫn, tính thuyết phục trong việc biểu dương cũng như phê phán, tất cả hướng tới và nâng cao giá trị chân – thiện – mỹ".