Khi tính “giải trí” lấn át trên truyền thông

(VOH) - Cùng với “giáo dục” thì nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ văn nghệ sĩ và trách nhiệm của các cơ quan truyền thông là những giải pháp thiết thực và sâu sát được Hội thảo khoa học Toàn quốc về vấn đề “Văn học nghệ thuật với việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam” hồi đầu tháng 10 nêu ra.

2 tháng sau, buổi Tọa đàm chuyên sâu về trách nhiệm của các cơ quan truyền thông với vấn đề này đã được Đài Truyền hình TP.HCM tổ chức vào ngày 5/12.

Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Kim Ngân

Với 17 bài tham luận, cùng nhiều ý kiến đóng góp trực tiếp, tọa đàm được đánh giá là một sáng kiến hay và bổ ích về mặt nghiệp vụ nhằm phát huy những kết quả của Hội thảo Khoa học Toàn quốc hồi đầu tháng 10. Qua đó, làm rõ hơn trách nhiệm của truyền thông trong việc sáng tạo, chuyển tải các tác phẩm văn học nghệ thuật nhằm định hướng, xây đắp, nuôi dưỡng trí tuệ, đạo đức, tâm hồn, tình cảm, lối sống, nhân cách tốt đẹp của con người Việt Nam. Điều được quan tâm là các cơ quan truyền thông sẽ thực hiện “trách nhiệm” đó như thế nào?

Trách nhiệm của cơ quan truyền thông

Cũng giống như đa số các ý kiến đóng góp tại Hội thảo khoa học Toàn quốc chủ đề “Văn học nghệ thuật với việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam”, công tác “giáo dục” và “đào tạo” đội ngũ nhân sự làm truyền thông là công tác nên được ưu tiên hàng đầu và cần tiến hành một cách bài bản, có định hướng rõ ràng. Bởi không ai khác mà chính các phóng viên, biên tập viên là người thẩm định đầu tiên để chọn lựa ra các tác phẩm văn học nghệ thuật “đủ tiêu chuẩn” để gửi đến công chúng thông qua các kênh truyền thông. Trách nhiệm của các cơ quan truyền thông là phải quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng, khích lệ đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên mảng văn học nghệ thuật, trong đó tập trung vào việc xây dựng nhân cách con người. Đội ngũ này phải chuyên sâu hơn, chuyên nghiệp hơn ở nhiều bộ môn nghệ thuật như: cải lương, kịch nói, văn học…

PGS – TS Nguyễn Thế Kỷ - Phó Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương thừa nhận, viết về lĩnh vực văn học nghệ thuật “đúng nghĩa” không phải dễ, nếu muốn hay thì người viết cần cả năng khiếu bên cạnh kiến thức về mảng này. PGS – TS Nguyễn Thế Kỷ gợi ý thêm: "Cần đào tạo, bồi dưỡng chăm chút từng tháng, từng năm, chứ không thể có ngay được một đội ngũ đạt yêu cầu. Đội ngũ này ở các đài thường hạn chế, do đó phải quan tâm đến cả cộng tác viên. Không chỉ trên địa bàn thành phố mà các cơ quan văn học nghệ thuật, văn nghệ sĩ ở các ngành, các địa phương phải chú trọng ”.

Đội ngũ phóng viên, biên tập viên của các cơ quan truyền thông không chỉ cần được đào tạo về chuyên môn, kiến thức văn học nghệ thuật mà còn cần tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, nhân cách của chính mình. PGS – TS Đào Duy Quát nhấn mạnh: “Trách nhiệm hàng đầu là của các cán bộ, phóng viên, biên tập viên của các cơ quan truyền thông phải rèn luyện để mỗi người đã là một tấm gương đạo đức. Với một người có nghề nghiệp, khát vọng làm truyền thông thì khi biên tập tác phẩm hoặc xây dựng các tác phẩm, chọn tác phẩm để truyền bá đến công chúng sẽ khác”.

Sau khi đã có được đội ngũ đủ tài và tâm làm công tác tuyên truyền văn học nghệ thuật thì các đơn vị chủ quản cần thẩm định nội dung sẽ đến với công chúng, với thao tác “gạn đục, khơi trong”. Trong thời đại mới, việc làm này càng gian nan hơn. Chỉ tính riêng trong ngành phát thanh – truyền hình, Việt Nam đã có hàng chục Đài từ trung ương đến địa phương với hàng trăm kênh. Hàng ngày các kênh sản xuất hàng trăm chương trình ở nhiều thể loại. Với số lượng “khủng” như thế mà chất lượng “chưa đủ chuẩn” thì rõ ràng vô cùng tai hại.

Không biết tự bao giờ tính giải trí của văn học nghệ thuật đã lấn át những chức năng quan trọng khác. Chẳng hạn như đưa quá nhiều thông tin giật gân, 'câu view' trên báo mạng, mạng xã hội...mà bỏ quên tính định hướng. Nhà báo Phạm Thu Nga đóng góp ý kiến: “Người làm truyền thông nên chủ động cân bằng lượng tin bài “đen” trong các tin bài xuất bản hàng ngày và điều chỉnh cách thông tin để không quá sa đà vào tình trạng giật gân, câu khách, tránh để người đọc chai sạn, không còn sợ hãi, thương cảm trước các tai nạn, các hoàn cảnh thương tâm. Truyền thông cần đẩy mạnh thông tin và viết thật hay về những câu chuyện nhân ái, những tấm lòng vàng, những tấm gương hi sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích cộng đồng, những người dũng cảm đấu tranh với cái xấu, cái ác”.

PGS – TS – Nhà nghiên cứu Trần Trọng Đăng Đàn phát biểu. Ảnh: Kim Ngân

 

Cơ quan quản lý cần có biện pháp quyết liệt hơn

Trong thực tiễn, yếu tố “giải trí” đang lấn át trên các phương tiện truyền thông thì các nhà quản lí phải vào cuộc một cách mạnh mẽ hơn nữa. Nhà thơ Trịnh Công Lộc nói: “Việc quản lý và định hướng cho hoạt động của các cơ quan truyền thông phải ở cấp Trung ương, sau đó tới cấp ủy, chính quyền của các địa phương. Khi giải trí lấn át thì chúng ta phải xử lí ra sao, giải trí ở lĩnh vực nào, mức độ ra sao, chứ không khéo thì từ giải trí lành mạnh sang giải trí phản giáo dục”.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng, cần loại bỏ hoặc xử lí nghiêm những đối tượng văn nghệ sĩ không đủ đạo đức nghề nghiệp, vi phạm luật pháp hoặc thuần phong mĩ tục trong quá trình sáng tạo, trình diễn… Và câu hỏi được đặt ra là nếu chủ thể vi phạm là các cơ quan truyền thông thì bị xử lí như thế nào? PSG – TS Đào Duy Quát thể hiện quan điểm: “Đến bây giờ, chúng ta có gần 200 kênh truyền hình, nên chúng tôi kiên quyết sắp xếp lại. Hiện Trung ương cũng đã có chủ trương sắp xếp lại mà tôi nghĩ cần làm kiên quyết hơn, khẩn trương hơn. Nếu ai đó vi phạm về đạo đức báo chí thì tùy mức độ mà xử phạt, cao nhất có thể là không cho làm báo chí nữa”.

Cuộc đấu tranh giữa thiện – ác, tốt – xấu trong đời sống nói chung và văn học nghệ thuật nói riêng vốn dĩ không thể giải quyết triệt để. Song, chúng ta có thể can thiệp để làm giảm thiểu cái ác, cái xấu bằng cách củng cố, phát huy cái thiện, điều tốt. Vì lẽ đó mà cái tốt cần được tuyên truyền và nhân rộng hơn nữa trên các phương tiện truyền thông, nhất là trong đời sống hoạt động văn học nghệ thuật. Đó cũng là quan niệm mà ông Nguyễn Thành Tài – nguyên Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân TP.HCM trình bày trong buổi gặp gỡ này.

Trong bài phát biểu của PGS – TS – Nhà nghiên cứu Trần Trọng Đăng Đàn đã chỉ ngay vào “căn bệnh mạn tính” của các hội thảo, tọa đàm là thường chỉ dừng lại ở việc tổng kết, báo cáo thành văn bản, tài liệu chứ chưa cụ thể hóa bằng hành động những kiến nghị, giải pháp được nêu ra. Hi vọng rằng, sau tọa đàm này, các cơ quan truyền thông trên địa bàn TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung, sẽ ý thức được nhiệm vụ quan trọng của mình trong việc xây dựng nhân cách, văn hóa con người Việt Nam từ văn học nghệ thuật. Quan trọng hơn cả là hãy hành động cụ thể trong công tác tuyên truyền, quảng bá văn học nghệ thuật hàng ngày, hàng giờ, chứ không chỉ là “chờ thời” để nộp “báo cáo suông”.