Lối ra cho Văn học thiếu nhi (Kỳ 2)

(VOH) - Rõ ràng là Văn học thiếu nhi (VHTN) thành phố đã có sự chuyển động tích cực. Các nhà văn đã và đang góp phần làm cho diện mạo văn học thiếu nhi ngày càng tươi mới, dù rằng vẫn còn nhiều vấn đề cần được quan tâm hơn.

Muốn tháo gỡ những hạn chế đó để cho các em nhỏ có được tác phẩm hay để đọc thì cần có những biện pháp như thế nào? Các chuyên gia sẽ tiếp tục trả lời vấn đề này trong chương trình tọa đàm “Văn học thiếu nhi thành phố” - kỳ 2: Lối ra cho Văn học thiếu nhi.

Tham gia buổi tọa đàm có Tiến sĩ Bùi Thanh Truyền – Nhà nghiên cứu văn học thiếu nhi Việt Nam, nhà văn viết cho thiếu nhi Trần Quốc Toàn và nhà văn trẻ Nguyễn Thị Kim Hòa – người đoạt giải nhất cuộc thi viết cho thiếu nhi năm 2015 do NXB Kim Đồng và Hội nhà văn Đan Mạch tổ chức.

Trẻ em đọc truyện tranh Trạng Quỳnh tại Đường sách xuân tại TPHCM 2016 (Ảnh minh họa: Lan Hương)

* VOH: Chúng ta đã rất tiếc khi để một tài năng như Đỗ Tú Cường bị thui chột chứ nếu không như các khách mời chúng ta nói là có thể sẽ có một Nguyễn Nhật Ánh thứ 2? Nhưng nói đến VHTN không thể nhắc mãi chỉ có một Nguyễn Nhật Ánh được?

- TS Bùi Thanh Truyền: Tôi cũng rất đồng cảm với Ngọc Bích. Đúng là đội ngũ phía sau Nguyễn Nhật Ánh để tiếp sức anh trong mảng viết cho các em hơi bị mỏng. Nhưng muốn làm được điều này thì không phải là ở đội ngũ nhà văn hoặc là trong trường học. Đó là sự kết hợp của nhiều tổ chức, đơn vị khác.

Ví dụ từ nhỏ mình phải làm cho trẻ em yêu văn chương và tìm được hạt nhân đó ngay từ trường tiểu học, bồi dưỡng lên THCS, THPT, đại học, tốt nghiệp đại học thì cũng còn viết cho thiếu nhi. Chứ có nhiều bạn viết hay nhưng sau đó bỏ ngang luôn.

Như có những nhà văn viết cho thiếu nhi rất hay như Nguyễn Ngọc Thuần có tên tuổi đàng hoàng nhưng anh chuyển qua viết truyện người lớn. Cái sự chia tay này làm nhiều người nuối tiếc. Viết cho thiếu nhi chịu nhiều thua thiệt nhưng không phải vì thế mà nhà văn, các tổ chức xã hội, nhà trường đứng ngoài cuộc để bồi dưỡng chất nhân văn cho trẻ em trong tác phẩm văn học.

* VOH: Chúng ta từng có những cuộc hội thảo về VHTN, những cuộc thi nữa và nổi lên đó là cuộc thi viết cho thiếu nhi do NXB Kim Đồng và Hội nhà văn Đan Mạch tổ chức. 4.000 tác phẩm tham gia, 104 tác phẩm đoạt giải nhưng thật sự tìm những tác phẩm này không dễ. Là người đoạt giải năm 2015, Kim Hòa nghĩ sao?

- Nhà văn Kim Hòa: Tôi thấy để thúc đẩy VHTN không chỉ là ở bản thân tác giả mà là sự phối hợp của rất nhiều yếu tố, rất nhiều lực lượng mà sự phối hợp của nhiều yếu tố, nhiều lực lượng.

Tôi thấy hiện nay nhiều NXB tập trung PR cho tên tuổi nào đó mà những cây bút thiếu nhi có nhiều tiềm lực khi ra tác phẩm xong thì chìm luôn và cảm thấy như tác phẩm đi qua luôn. Nhiều khi các em nghe nói về tác phẩm đó nhưng tìm không thấy ở thị trường, không thấy để đọc. Đó là điều đáng tiếc.

Bản thân tôi nghĩ là các NXB nên chú trọng hơn về mặt VHTN vì bản thân VHTN như mảng văn học, có rất nhiều yếu tố tác động đến các em như nghe, nhìn, đọc... rất nhiều sự làm phân tán tập trung. Đôi khi các em tập trung đọc sách nước ngoài như Conan, truyện tranh Nhật Bản... và khi tôi đem các cuốn sách hay về cho các em, giới thiệu hay như thế này thế này, thậm chí là kể trước nội dung cho các em đọc luôn. Vì vậy, tôi thấy mô hình rất hay đó là đọc sách cùng con ở Hà Nội. Nếu mô hình này được nhân rộng không chỉ ở Hà Nội, sẽ kích thích thêm quan tâm của các em với văn học thiếu nhi.

- Nhà văn Trần Quốc Toàn: Tôi cũng rất đồng ý với CLB của cô Anh, vì tôi đã được đến đọc sách với các em ở đó. Tôi nghĩ đã đến lúc ở đây chúng ta làm được. Cách đây mấy tuần đã ra mắt trung tâm sách thiếu nhi đầu tiên ở Việt Nam ở đường Cống Quỳnh. Ở đó có cả hội trường để tác giả giao lưu với bạn đọc của mình. Đó là điểm mạnh của TPHCM trong quá trình hoạt động văn học.

Cha mẹ đọc sách cùng trẻ vừa có thể khuyến khích trẻ đọc sách, vừa có thể kiểm soát nội dung sách trước khi cho trẻ đọc (Ảnh: Lan Hương)

* VOH: Vừa qua có nhiều truyện cổ tích VN bị các nhà làm sách làm méo mó nội dung, hình ảnh thì dung tục. Tôi nghĩ điều này cũng làm cho các bậc cha mẹ ngại cho con em mình đọc truyện VN?

- Nhà văn Trần Quốc Toàn: Thể loại truyện cũ viết lại là thể loại viết rất là nghiêm túc trên thế giới. Vừa rồi là bộ sách của chị Nguyên Hương được giải thì cũng đúng là chuyện viết lại cổ tích. Đấy là cách làm hay để trẻ con có thể gặp được những tác phẩm kinh điển của dân tộc nó không ngán bởi vì mình đưa hơi thở mới vào trong truyện đó. Những cái mà người ta kêu ca thì rơi vào trách nhiệm, tài năng của người làm sách.

- TS Bùi Thanh Truyền: Tôi cũng đồng ý với nhà văn Trần Quốc Toàn. Thật ra thể loại ấy thì cách đây mấy chục năm nhà văn Tô Hoài viết khá thành công: Nỏ thần, Đảo hoang, Nhả chữ... Viết rất thành công và trẻ em Việt Nam bây giờ rất say mê. Vậy những hạt sạn mà NB vừa nói thì chủ yếu ở tài năng người viết và cái tâm của NXB. Nội dung đã có nhiều cái bất cập mà tranh ảnh minh họa lại có nhiều phản cảm. Nó kết hợp giữa nội dung và hình thức sẽ gây một sự tẩy chay từ phía phụ huynh, từ phía nhà trường là đúng.

* VOH: Nhưng các cấp quản lí cũng phải chịu trách nhiệm vấn đề này?

- TS Bùi Thanh Truyền: Đúng. Các cấp quản lí cũng phải chịu trách nhiệm trong này.

* VOH: Vậy thì sẽ cần có thêm những kênh để các em tiếp nhận văn học thiếu nhi và để văn học thiếu nhi ở thành phố phát triển?

- TS Bùi Thanh Truyền: Trước hết mình làm những CLB nhỏ: CLB đọc sách cùng con ở địa phương, trong nhà trường hoặc các hình thức khác hoặc những trung tâm như chỗ anh Cao Xuân Sơn. Thì cộng đồng, gia đình, nhà trường chung tay vào theo hình thức mưa dầm thấm lâu thì nó sẽ dần dần thay đổi cách nhìn của cộng đồng về văn học, đặc biệt là VHTN thì sẽ thay đổi.

- Nhà văn Trần Quốc Toàn: Mình không bó tay trước cô đơn đó mà mình phải chủ động thoát ra khỏi cô đơn. Nhà văn bây giờ phải làm thêm một việc là tự đưa văn chương của mình đến với các em. Bây giờ vào được trường để nói chuyện văn chương thì khó.

Để VHTN thành phố này khá lên thì cần có một kí kết giữa Hội nhà văn TP và Sở Giáo dục thành phố để có thể qui định 1 tuần hay 1 tháng có 1 buổi giới thiệu văn chương. Lẽ ra các bậc cha mẹ đưa con của mình đến các hiệu sách để làm quen với sách từ nhỏ… nhưng mà thôi thì đời sống có quá nhiều vất vả, không làm được việc đó thì để nhà văn chúng tôi làm thay, mang sách đến để giới thiệu cho các em. Nếu có sự đồng thuận của hai bên thì chúng tôi nghĩ có đường ra cho VHTN.

* VOH: Xin được cám ơn những hiến kế rất thiết thực của các vị khách mời. Và chúng ta có quyền tin rằng với những đóng góp và chung tay của cả xã hội và nhất là sự cố gắng của các nhà văn thì VHTN thành phố ngày càng lớn mạnh, các em sẽ tìm đến với văn học nhiều hơn.