Múa rối nước: dấu ấn mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam

(VOH) - Múa rối là một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo từ bao đời nay của dân tộc Việt Nam. Từ múa rối trên cạn, các nghệ nhân dân gian lại sáng tác ra múa rối nước. Với môn nghệ thuật múa rối nước, vào năm 2006, Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam cũng đã bình chọn Nhà hát Múa rối Thăng Long với kỷ lục là “Đơn vị nghệ thuật duy nhất trong cả nước biểu diễn 365 ngày trong năm” với hơn 2.000 chương trình múa rối nước và đã giới thiệu tới hơn 50 quốc gia. Và ngày 17/10/2013 vừa qua, Nhà hát cũng đã vinh dự đón nhận kỷ lục Châu Á do Tổng giám đốc Tổ chức kỷ lục Thế giới trao tặng.

Nhà hát múa rối nước Thăng Long được thành lập vào năm 1969 với tên gọi là đoàn múa rối Kim Đồng chỉ với nòng cốt là 9 diễn viên, cho tới nay, trải qua gần 44 năm gây dựng và trưởng thành, đoàn múa rối nước Thăng Long đã có 2 đội diễn với 22 diễn viên chính, 15 nhạc công, và 5 kỹ thuật viên được đào tạo chuyên nghiệp.

Trong những năm qua, nhà hát đã dàn dựng một số tiết mục rối nước gây ấn tượng như: Bật cờ, Chú Tễu, Múa rồng, Em bé chăn trâu, Cày cấy, Cậu ếch, Đánh cá, Vinh quy bái tổ, Đua thuyền... thu hút đông đảo khán giả đến xem trong đó có cả du khách nước ngoài.


Nét vui thích của một khách nước ngoài với nghệ thuật múa rối nước Việt Nam - Ảnh: VN+.

Vinh dự đón nhận kỷ lục năm nay, Nghệ sĩ Chu Lượng, Phó giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long cho biết: "Qua một quá trình rất dài, Nhà hát vừa lao động nghệ thuật và vừa quảng bá giới thiệu được văn hóa, nhất là bộ môn nghệ thuật truyền thống của Việt Nam. Là một Nhà hát đã liên tục biểu diễn trong 19 năm liền, 19 năm đó đã đỏ đèn liên tục 365 ngày trong năm. Chúng tôi luôn luôn có những thay đổi về cách trang trí, hình thức biểu diễn sao cho khi khách quay lại thì họ đều thấy rằng Nhà hát có những cái thay đổi. Trong kho tàng trò rối dân gian mà các cụ để lại nhiều, thế nhưng hiện nay trong ngành nghệ thuật rối chúng ta chưa khai thác hết được thế nên Nhà hát chúng tôi có những định hướng là sưu tầm và khôi phục lại những trò cổ, xây dựng những tiết mục mới để có những cái chúng ta cần làm mới môn nghệ thuật rối nước này".

Múa rối nước Việt Nam ra đời từ rất lâu vào triều đại nhà Lý năm 1121. Theo thời gian, nghệ thuật múa rối nước được truyền từ đời này sang đời khác, dần dần đã trở thành một trò chơi tao nhã của người dân Việt trong các dịp lễ hội. Rối nước phát triển ở hầu hết các làng xã quanh kinh thành Thăng Long như: Đào Thục, Đào Xá - Huyện Đông Anh, chùa Nành - Gia Lâm Hà Nội, Phường rối nước xã Thanh Hải - Thanh Hà - Hải Dương và nhiều phường rối ở hầu hết các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ.

Ngoài các làng xã trên, thì tại Trung tâm Thủ Đô Hà Nội còn có Nhà hát múa rối Việt Nam và Nhà hát múa rối Thăng Long.

Bên cạnh danh hiệu kỷ lục Châu Á mà Nhà hát Múa rối Thăng Long nhận được, vừa qua 10 nghệ sĩ của Nhà hát múa rối Việt Nam cũng đã tham dự Liên hoan sân khấu Asean tại Trung Quốc với chương trình “Nhịp điệu quê hương” do NSƯT Nguyễn Tiến Dũng, Phó giám đốc Nhà hát làm đạo diễn. Chương trình được dàn dựng dựa trên một số làn điệu dân ca truyền thống, gần gũi với đời sống sinh hoạt của người nông dân Việt Nam. Bên cạnh đó, đoàn cũng đã có chuyến lưu diễn tại Chile nhằm quảng bá các loại hình nghệ thuật múa rối truyền thống của Việt Nam đến với bạn bè trên thế giới. Bà Ngô Thanh Thủy, Giám đốc Nhà hát múa rối Việt Nam cho biết: "

Lần đầu tiên Nhà hát đi tham dự Festival bằng hình thức rối cạn mà được khán giả quốc tế đón nhận một cách nồng nhiệt, họ cũng bất ngờ vì mọi khi Việt Nam đi tham dự các Festival về liên hoan sân khấu hay múa rối thì thường xuất hiện là rối nước vì đó là môn nghệ thuật độc đáo của dân tộc Việt Nam mà các nước khác không ai có. Khi mình mang đến chương trình đó một hình thức múa rối cạn mang đậm bản sắc dân tộc, những con rối được làm bằng mây tre đan, nứa, lá, rơm, rạ… cùng rất nhiều nước tham dự và Nhà hát đã nhận được một giải đó là Nghệ thuật sân khấu đặc biệt. Đây không phải là một cuộc thi nên không có giải là huy chương vàng, huy chương bạc…nhưng mà họ đánh giá chương trình có chất lượng và mang đậm bản sắc dân tộc…".

Không chỉ riêng Nhà hát Múa rối Thăng Long và Nhà hát Múa rối Việt nam, mà trong thời gian qua, Nhà hát rối mini của nghệ sĩ Phan Thanh Liêm ở Thủ đô Hà Nội cũng thu hút rất đông khán giả đến xem, với một không gian gần gũi, đậm chất truyền thống của rối nước được trang trí bằng một số hình rối gỗ mang đến cho khán giả sự thích thú, ấn tượng ngay từ lần đầu tiên tới xem. Đối với nghệ sĩ Phan Thanh Liêm ông luôn trăn trở một điều làm sao để rối nước Việt Nam không bị mai một và ngày càng phát triển.

Múa rối đặc biệt là rối nước là loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc, vừa mang tính giải trí, vừa mang những nội dung lành mạnh, tích cực trong đời sống xã hội góp phần định hướng giáo dục, nâng cao thị hiếu thẩm mỹ cho khán giả ở nhiều lứa tuổi, đặc biệt là các khán giả nhỏ tuổi. Vì vậy việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy bộ môn nghệ thuật này rất cần được sự quan tâm của các ban ngành chức năng và những nhà chuyên môn. Phải có kế hoạch đào tạo đội ngũ kế thừa, ngày càng nâng cao chất lượng, có nhiều tâm huyết, đặc biệt có sự đãi ngộ phù hợp đối với những người làm nghề, có như vậy thì loại hình nghệ thuật múa rối sẽ ngày càng phát triển và vẫn giữ vững được nét truyền thống mà cha ông ta đã để lại.