Nghề báo trên "mặt trận" văn hóa nghệ thuật

(VOH) - Không ít người cho rằng, mảng văn hóa nghệ thuật nhàn nhã bởi chỉ suốt ngày xoay quanh nghệ thuật và giới văn nghệ sĩ, không gai góc như nội chính, hay nhức đầu như kinh tế. Các sản phẩm hay bị xếp vào hàng “vô thưởng vô phạt”. Nhìn nhận như vậy có chính xác?

Nhà báo Thúy Bình (Báo SGGP) và nhà báo Tiểu Quyên (Báo Phụ nữ Thành phố) chia sẻ: “Khi có một sự kiện hoặc đi xem chương trình nghệ thuật phải đến 11,12 giờ khuya. Đối với phóng viên nam đi khuya cũng là vấn đề chứ huống gì là nữ. Khi xem một vở kịch, khán giả đến xem, khóc cười rồi thôi. Còn phóng viên phải canh góc chụp hình, phải cảm tác phẩm rồi về viết bài, phải ở góc độ khán giả lẫn nhà báo để tiếp cận…”

“Nhiều đồng nghiệp ở mảng khác so sánh, phóng viên văn hóa nghệ thuật sướng quá, suốt ngày đi sự kiện, xem phim, xem kịch, ca nhạc,… Đó là do tâm thế của mỗi người. Nhiều người cho rằng tác nghiệp ban đêm khá vất vả với nữ, nhất là người có gia đình nhưng Tiểu Quyên thì nhìn ở tâm thế khác. Dù đôi lúc rất mệt nhưng không xem mình là đi làm mà mình đi chia sẻ”.

Giống như vẻ hào nhoáng của ánh đèn sân khấu, mảng văn hóa nghệ thuật cũng có khó khăn, phức tạp mà chỉ có người làm và bám trụ mới hiểu. 

Nhà báo Xuân Huy (Đài Truyền hình Thành phố): ” Luôn có đấu tranh giữa những thứ thuộc về thị hiếu, trào lưu nhưng dưới góc độ của người làm báo thì nó chưa phù hợp thẩm mỹ, văn hóa nhưng nó lại là trào lưu. Điều trăn trở nhất là nhìn thấy góc khuất phía sau hào quang, mồ hôi, nước mắt của người làm nghệ thuật và đôi khi cảm thấy ngòi bút của mình nhỏ bé quá…”

“Cái khó là áp lực của đề tài và thời gian ra báo, làm mình luôn nghĩ phải viết cái gì. Nó không hiển thị rõ ràng như dự sự kiện rồi về đưa tin mà nó nằm trong đầu mình. Tiểu Quyên nghĩ, người mới sẽ khó trong tư duy đề tài vì văn hóa nghệ thuật quá phức tạp, cần kinh nghiệm, nhìn sâu chứ không phải hôm nay làm rồi ngày mai không cần thông tin đó nữa” - Nhà báo Tiểu Quyên nói.

Như tất cả lĩnh vực báo chí khác, ngoài áp lực chung về đề tài, deadline,… thì để viết đúng, viết hay đòi hỏi kiến thức chuyên ngành cùng với kĩ năng tác nghiệp tốt. Không ít phóng viên, nhà báo từ chỗ tiếp cận nghệ thuật như công việc đã dần được nghệ thuật “cảm hóa”, chuyển sang đam mê rồi chủ động tìm tòi, học hỏi trở thành người nghệ sĩ làm báo.

Đạo diễn Thanh Hiệp (báo Người Lao Động): “Thích sân khấu và văn hóa nghệ thuật thì tôi tìm tòi, học hỏi ở nghệ nhân, tài tử, nhạc sĩ có tác phẩm hay và kiến thức rộng để học cách phân tích tác phẩm hợp lý và thuyết phục”.

“Mình phải biết thì mới viết khách quan và chính xác, chắt lọc hình ảnh, lời bình đắt giá nên phải học hỏi dần mỗi khi tác nghiệp để mở mang thêm vốn hiểu biết” - nhà báo Xuân Huy.

Sự ra đời ồ ạt của các trang báo mạng, đặc biệt là sự sinh sôi nảy nở của đội ngũ làm báo mảng văn hóa văn nghệ giải trí càng làm lĩnh vực này sôi động và phức tạp hơn. Không ít phóng viên trẻ, non tay nghề vô tình bị “bẻ cong ngòi bút”, trở thành công cụ để giới giải trí thao túng. Những “con sâu” ấy khiến hình ảnh nhà báo văn hóa văn nghệ giảm uy tín.

“Một số bạn trẻ bây giờ làm báo vì thấy có danh tiếng, lợi lộc nhưng lại không nghĩ đến con đường dài. Riêng với bản thân mình, mình luôn tâm niệm phải làm báo một cách chính thống đàng hoàng, trước tiên là phải có lòng tự trọng…” - Nhà báo Thúy Bình trăn trở.

Đại tá, nhà báo, nhạc sĩ Đào Văn Sử và nhà báo, đạo diễn Thanh Hiệp chia sẻ: “Một nhà báo am hiểu được nhiều lĩnh vực thì sẽ rất có lợi cho quá trình tác nghiệp và mỗi loại hình nghệ thuật sẽ có sự tác động tương hỗ lẫn nhau làm cho quá trình làm báo không bị khô khan mà ngòi bút bay bổng hơn…”

 “Tôi mong muốn những ngòi bút hiện nay, nhất là ở mảng văn hóa nghệ thuật phải luôn sắc bén, luôn trang bị kiến thức và nhất là lòng tự trọng khi đã đứng vào đội ngũ những người làm báo chuyên nghiệp”.