"Nhiếp ảnh phải phản ánh được đời sống đất nước"

(VOH) - Cách đây 63 năm, ngày 15/3/1953, tại An toàn khu Định Hoá, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh thành lập Doanh nghiệp quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam với mục đích: “Tuyên truyền chính sách, chủ trương của Chính phủ; Nêu cao những thành tích, những gương chiến đấu anh dũng của quân và dân Việt Nam; Giới thiệu đời sống và thành tích đấu tranh kiến thiết của nhân dân nước bạn; Giáo dục văn hóa và chính trị cho nhân dân”.

Hướng đến kỷ niệm 63 năm Ngày truyền thống của nhiếp ảnh Việt Nam, phóng viên Đài TNND TPHCM (VOH) đã có cuộc phỏng vấn với Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Quốc Khánh – Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam về những hoạt động chào mừng cũng như những thành quả thiết thực của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam trong việc gắn kết, đẩy mạnh phong trào nhiếp ảnh cả nước. 

NSNA Vũ Quốc Khánh, Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam - Ảnh: Vifolac.

* VOH: Xin ông cho biết về những hoạt động tiêu biểu để chào mừng 63 năm Ngày truyền thống của Nhiếp ảnh VN?

NSNA Vũ Quốc Khánh: Ngày 12/3, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh VN phối hợp với tỉnh ủy, UBND tỉnh và Hội VHNT tỉnh Quảng Ngãi tổ chức một triển lãm rất lớn tại Hà Nội mang tên “Đất và người trên quê hương Hải đội Hoàng Sa - Trường Sa”, tập hợp 150 ảnh của các nghệ sĩ nhiếp ảnh cả nước chụp về Quảng Ngãi, trong đó có rất nhiều ảnh về đảo Lý Sơn, về những lễ hội liên quan đến chủ quyền biển đảo, truyền thống của cha ông từ xưa và đời sống hôm nay của người dân Quảng Ngãi.

Vào ngày 14 và 15/3, chúng tôi tổ chức một triển lãm ảnh nghệ thuật tại Thái Nguyên – nơi mà Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 147/SL thành lập Doanh nghiệp Quốc doanh Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam, triển lãm này trưng bày 120 ảnh ở Bảo tàng các Dân tộc Việt Nam.

Tại Huế cũng sẽ diễn ra hoạt động dâng hương cụ Đặng Huy Trứ - ông tổ nghề của nhiếp ảnh cùng với các lớp tập huấn, trao đổi về nhiếp ảnh.

Ngoài ra, các Chi hội tại các địa phương cũng phát động nhiều cuộc thi ở các khu vực với các đề tài rất rộng như đề tài về biển đảo, đề tài về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

* VOH: Bên cạnh những thành tựu chung của nhiếp ảnh VN thì ông nhận định như thế nào về tương quan lực lượng, chất lượng nhiếp ảnh giữa của các khu vực, các tỉnh thành hiện nay?

NSNA Vũ Quốc Khánh: Nhiếp ảnh mỗi vùng miền thì có thế mạnh, thế yếu khác nhau. Tiêu biểu như ở phía Nam thì có những tác phẩm nghệ thuật có chất lượng rất tốt trong khi ở phía Bắc thì lại gắn với thực tiễn cuộc sống nhiều hơn nhưng chất nghệ thuật thì lại thấp hơn, nên chúng tôi cũng đang cân nhắc để làm cho hài hòa và cũng đưa ra chủ trương là ảnh nghệ thuật phải bám sát cuộc sống.

Ở các thành phố, đô thị lớn thì anh em nghệ sĩ có điều kiện phát triển hơn từ kiến thức, máy móc, tiếp cận kỹ thuật nhiều hơn, còn những khu vực xa xôi như miền núi phía Bắc, Bắc miền Trung thì vẫn còn nhiều hạn chế.

Tuy nhiên, ở những vùng xa xôi đó thì lại có rất nhiệu chất liệu để có thể sáng tác ảnh đẹp và hiệu quả. Hiện nay phần lớn các khu vực đã có sự tiến bộ rất nhanh bởi sự cần cù, học tập chăm chỉ trong sáng tạo của các anh em nghệ sĩ nhiếp ảnh.

* VOH: Vậy thì vai trò của Hội trong việc gắn kết nhiếp ảnh giữa các khu vực, các địa phương hiện nay đang ở mức nào?

NSNA Vũ Quốc Khánh: Việc gắn kết trong các khu vực hiện nay thì thông qua các liên hoan khu vực thường niên để anh em nghệ sĩ gặp gỡ, giao lưu, học tập nhau rất nhiều. Ngoài ra, giữa các tỉnh thành thì các anh em nghệ sĩ cũng kết nghĩa, thường xuyên giao lưu, triển lãm với nhau, ví dụ như Bạc Liêu – Ninh Bình, Hà Nội – Huế - Sài Gòn.

Các Hội nhiếp ảnh của các tỉnh, thành và các Chi hội nhiếp ảnh tại các địa phương đã rất nỗ lực, nhiệt tình trong việc gắn kết này nhưng làm sao để thực hiện tốt hơn nữa, làm sao để các tác phẩm có giá trị cao về nội dung tư tưởng, nghệ thuật thì chúng ta còn cần phải phấn đấu nhiều.

* VOH: Với cột mốc 63 năm của nhiếp ảnh Việt Nam, ông có điều gì nhắn gởi đến thế hệ những người cầm máy trên cả nước?

NSNA Vũ Quốc Khánh: Đây là ngày truyền thống rất quan trọng của Hội, là ngày chúng ta có thể xem lại, nhớ lại nội dung của sắc lệnh 147/SL của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là làm sao đó để nhiếp ảnh phải phản ánh được đời sống đất nước, phải kết nối quan hệ quốc tế và đặc biệt là góp phần vào công việc xây dựng và bảo vệ tổ quốc, thông qua mỗi tác phẩm để thấy được những cái hay, cái tốt, bao gồm cả những phản biện chứ không đơn thuần là những tác phẩm ảnh thông thường. Tôi tin rằng anh em nghệ sĩ sẽ ngày càng hiểu hơn về bản chất của nhiếp ảnh để chúng ta cùng sáng tác, cùng đóng góp sức lực, tài năng của mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

* VOH: Cám ơn ông!