Nô nức niềm vui sáng tạo

(VOH) - Gần 2 tuần qua, nhà hát Cao Văn Lầu của thành phố Bạc Liêu ngập tràn trong không gian sáng tạo nghệ thuật. Những câu chuyện buồn vui của nhân gian, ánh sáng của tình yêu, tình người được khắc họa tinh tế. Dù chỉ mới đi 1 nửa chặng đường nhưng cuộc thi có những dấu ấn đẹp trong lòng khán thính giả mộ điệu.

Một cảnh trong vở diễn Chiến Binh của nhà hát cải lương Trần Hữu Trang

Là đơn vị mở màn cuộc thi, chủ nhà đoàn Cao Văn Lầu tỉnh Bạc Liêu để lại dấu ấn đẹp với kịch bản “Quê hương và mẹ”. Một câu chuyện tràn ngập tình thương và sự hy sinh của những người mẹ Việt Nam anh hùng. Lặng lẽ gạt qua những nỗi đau riêng của bản thân khi hết chồng rồi con đều nằm lại nơi chiến trường, những người mẹ ấy lại tiếp tục đứng lên tranh đấu cho đến ngày đất nước được giải phóng.

Cũng là đề tài chiến tranh – Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang lại đưa khán giả đến một câu chuyện gai góc và khốc liệt hơn với kịch bản “Chiến binh”. Những người chiến binh đầy kiêu hùng quên tuổi xuân, quên cả hạnh phúc riêng, chỉ nghĩ đến niềm vui chung của đất nước. Sự thông minh, duyên dáng trong ca diễn và xử lý tính cách nhân vật của đôi nghệ sĩ ưu tú Trọng Phúc - Quế Trân đã đưa kịch bản đến độ chín và độ đẹp hiếm thấy với 1 đề tài kén khán giả.

“Đời như ý” là cuộc thử sức đầy tươi mới của những diễn viên trẻ Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, gây xúc động không chỉ bởi kịch bản hay mà còn bởi diễn xuất của nhiều diễn viên trẻ và diễn viên nhí. Bà Huỳnh Mai – Phó giám đốc nhà hát cải lương Trần Hữu Trang phấn khởi khi đưa các diễn viên trẻ thử sức tại cuộc thi lớn:

Năm nay, Nhà hát cải lương Việt Nam tiếp tục tạo tiếng vang với hai kịch bản được đầu tư kỹ lưỡng: Mai Hắc Đế do Triệu Trung Kiên dàn dựng và Vua thánh triều Lê do Hoàng Quỳnh Mai dàn dựng. Mai Hắc Đế là sự hoành tráng, choáng ngợp từ trang phục, cảnh trí âm nhạc cho đến lực lượng diễn viên hùng hậu kể về cuộc đời của Mai Thúc Loan từ trai trẻ đến khi dựng nghiệp. “Vua thánh triều Lê” là cuộc giải oan ngoạn mục cho tiên sinh Ức trai Nguyễn Trãi. Mai Hắc Đế lôi cuốn người xem bởi sắc màu, tiết tấu nhanh, lối diễn xuất sắc sảo thì “Vua thánh Triều Lê” lại len lỏi vào lòng người nhẹ nhàng, từ từ. Đạo diễn NSUT Hoàng Quỳnh Mai chia sẻ về sự nô nức sáng tạo và công hiến của các nghệ sĩ tại cuộc thi :

So với nhiều mùa trước, năm nay được xem là một thay đổi lớn của Nhà hát nghệ thuật truyền thống Đồng Nai. Hai vở diễn “Ánh đèn khuya” và "Tình sử hai vương triều" đều đậm đặc bàn tay của đạo diễn. Ngoài cái tài của diễn viên thì âm nhạc hay, cảnh trí đẹp, đặc biệt là hiệu ứng màn hình led đã vẽ nên hai câu chuyện vừa đủ hay, tạo điểm nhấn đẹp trong lòng khán giả và bạn bè đồng nghiệp. NSND Giang Mạnh Hà – Giám đốc nhà hát cải lương Nghệ thuật truyền thống Đồng Nai cho biết nghệ sĩ của mình đến cuộc thi để học nghề chứ không đặt nặng vấn đề giải thưởng:

“Cơn mê cuối cùng” của đoàn cải lương nhân dân Kiên Giang lại làm người xem nhức nhối bởi cái gọi là “con” và “người”. Lần nào đoàn cải lương này cũng cho thấy 1 màu sắc cải lương rất riêng không lẫn lộn vào đâu được. Đặc biệt là sự hội tụ của nhiều chuông vàng như: Bùi Trung Đẳng, Thu Vân, Nguyễn Bình Trọng với những giọng ca đẹp hiếm thấy làm cho kịch bản thêm tròn trịa và hấp dẫn.

“Mặt nạ người” đoàn cải lương Nam Định, Những người con Thạch Thành thuở ấy đoàn cải lương Thanh Hóa, Đường đua trong bóng tối đoàn cải lương Thái Bình  cho thấy sự tiến bộ rất rõ nét trong dàn dựng ca diễn. Nếu so với hội diễn năm 2012 thì năm nay, họ mang đến những câu chuyện đáng xem, đáng suy ngẫm. Bên cạnh đó, 1 số kịch bản chưa để lại tình cảm đẹp với khán giả như: “Sống trong lòng địch”, “Sân khấu cuộc đời”, “Đen đỏ mặt người”…

Nửa chặng đường đã qua và những gì mà các đơn vị mang đến phần nào làm hài lòng khán giả bởi nó đa sắc, khi thì nhẹ nhàng da diết, lúc lại sống động. Câu chuyện nào cũng để lại 1 cảm xúc riêng. Khán giả, giám khảo nghĩ gì về các vở diễn:

Đáng tiếc nhất đến thời điểm này là sự hời hợt cũ kỹ của 1 số đơn vị, lý do thì nhiều nhưng thiết nghĩ đã làm nghệ thuật thì phải không ngừng tìm tòi sáng tạo, và trân trọng khán giả. NSND Lê Tiến Thọ  - chủ tịch hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, thành viên ban chỉ đạo cuộc thi, cho rằng:

Một tuần nữa cuộc thi sẽ khép lại. Mong các nghệ sĩ tiếp tục cháy hết mình để lưu lại trong lòng khán giả những dấu ấn, tình cảm tốt đẹp nhất và mong khán giả vẫn đồng hành cùng cuộc thi cho đến ngày bế mạc 23/11.