Sân khấu cần được tiếp sức

(VOH) - Trong bộn bề khó khăn của sân khấu, các nghệ sĩ vẫn hết lòng lao động nghệ thuật, bám trụ với nghề. Tuy nhiên chỉ nghệ sĩ cố gắng thôi là chưa đủ.

Nghe bài viết:

Nỗi khổ thiếu sân khấu

Về sân khấu công lập, TPHCM hiện có Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, Nhà hát kịch TP, Nhà hát nghệ thuật hát bội TPHCM, còn lại là các đơn vị hoạt động theo phương thức xã hội hóa, trong đó nhiều nhất là kịch nói. Bức xúc của các đơn vị xã hội hóa là phải gồng mình đi thuê sân khấu với giá rất cao.

Điều đó đồng nghĩa dù hoạt động cật lực, biểu diễn nhiều suất nhưng thù lao thì teo tóp. Kinh phí hạn hẹp chỉ thuê sân khấu nhỏ, không mang lại kết quả tốt nhất cho vở diễn. Một số sân khấu vì hết hợp đồng, giá thuê tăng cao nên phải chuyển đến khu vực kén khán giả. 

Hoàng Thái Thanh là một sân khấu đang phải biểu diễn tại địa điểm “heo hút”, NSƯT Ái Như, giám đốc sân khấu, ái ngại: “...chúng tôi luôn trong tâm thế không biết khi nào bị lấy lại sân khấu thì làm sao an tâm làm những điều mà sân khấu cần có”.

Đạo diễn Lâm Quang Tèo bức xúc: “Chúng tôi tha thiết đề nghị lãnh đạo TP và Thành ủy nên quan tâm cụ thể hơn về địa điểm biểu diễn cho sân khấu công lập cũng như sân khấu xã hội hóa. Thật sự chúng tôi rất cần điều này vì không có địa điểm diễn sẽ không có sân khấu và không làm gì được".

NSƯT Kim Tử Long, một nghệ sĩ hoạt động cải lương xã hội hóa, thành viên ban chấp hành nhiệm kỳ VII của Hội chung tâm trạng.

“Sân khấu xã hội hóa muốn làm được phải nhờ Nhà nước chung tay. Tôi đầu tư 400 đến 500 triệu để có 1 vở hoành tráng, sân khấu nghiêm túc, nghệ sĩ diễn thật hay, âm nhạc thật xuất sắc nhưng mỗi lần thuê rạp là nhiêu khê. Ví dụ nhà hát Hòa Bình 1 suất hát là 75 triệu, Bến Thành 1 suất hát là 60 triệu, 1 suất tập là 15 triệu, tiền đó cũng là chúng tôi trả. Diễn 1 đêm chỉ đủ chi phí cho đêm diễn và tiền thuê rạp, thậm chí nghệ sĩ nhận đồng lương chỉ đủ tiền xăng cộ. Vậy đề nghị để làm sao anh em chúng tôi có sân khấu để diễn, làm nghề", NSƯT Kim Tử Long nói.

Xót xa hơn, phải kể đến nhà hát nghệ thuật hát bội TPHCM, đơn vị hát bội duy nhất tại TP nhưng không được quan tâm đầu tư và nói theo cách của nghệ sĩ (NS) hát bội Hữu Danh là không biết nương tựa vào đâu khi nhà hát xuống cấp và có nguy cơ sập bất cứ lúc nào. 

“Mùa mưa thì bao nhiêu nước đổ ngược vào trong, sơn thì tróc từng mảng. Tôi cảm nhận là nó sẽ sập. Ở đây khách du lịch có nhu cầu nhưng chúng tôi không có 1 sân khấu để phục vụ. Muốn bảo tồn hát bội thì cần nhiều yếu tố khách quan, cần địa điểm, kịch bản và sự quan tâm của TP và nhiều phía nữa”, nghệ sĩ Hữu Danh cho biết.

Theo ý kiến của ông "bầu" Huỳnh Anh Tuấn thì việc tìm sân khấu, điểm diễn luôn là nỗi e ngại khi thành lập một sân khấu: "Tôi làm kịch thiếu nhi là chính nên nếu nói là lời nhiều thì không. Chúng tôi cũng phải nộp thuế đầy đủ dù có lỗ hay lời, và tôi duy trì sân khấu thiếu nhi bằng cách bù lỗ từ sân khấu người lớn. Chúng tôi cũng mong rằng nếu được, có quy định nào đó để chúng tôi thuê sân khấu giá rẻ hoặc giảm một phần tiền thuế để tái đầu tư".    

Dù còn nhiều khó khăn nhưng Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh vẫn cố gắng đầu tư cho từng suất diễn - Ảnh: Nhandan.

Hạn chế trong công tác quảng bá

Làm sân khấu không chỉ có sự cố gắng của riêng cá nhân của một nghệ sĩ mà nó còn phải đòi hỏi sự tổng hòa của nhiều yêu tố khác: sàn diễn, kịch bản, dàn dựng mà đặc biệt là công tác quảng bá. Các nghệ sĩ ví hội sân khấu như là “ngôi nhà chung” của nghệ sĩ thì cần phải có sự san sẻ với những khúc mắc, khó khăn của người nghệ sĩ.

Trong thời gian qua công tác quảng bá tác phẩm của hội vẫn còn ở một sự hạn chế nhất định nên phần nào làm mất khán giả. Tại sao với điện ảnh, một tác phẩm dù còn đến 3 tháng nữa mới ra rạp nhưng khán giả đã háo hức chờ để mua vé cho bằng được còn sân khấu thì lại phải chờ đợi để bán từng vé một, mà có đôi khi chính khán giả họ còn không biết có một chương trình hay sắp diễn ra thì làm sao đi mua vé. Đó là hiệu ứng công tác quảng bá nhưng điều này thì hội còn thiếu nhân lực, thiếu chiến lược nên gặp phải nhiều lúng túng.

Cảnh trong vở Nỏ thần của sân khấu kịch Phú Nhuận - Ảnh: Sankhau.

Cần phải chung tay

Sự khó khăn của sân khấu là tình hình chung, tất nhiên không thể đỗ lỗi cho bất kỳ ai nhưng làm sao để hạn chế để hạn chế đến mức thấp nhất những khó khăn này là điều mà hội và bản thân mỗi người nghệ sĩ phải suy nghĩ. Theo NSND Hồng Vân, thì các sân khấu xã hội hóa hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn, nếu không chung tay đoàn kết lại thì e rằng sẽ phải đến mức thoái trào.

“Sân khấu xã hội hóa của TPHCM rất nhiều nơi khác muốn nhưng họ không làm được, ví dụ như Hà Nội. Vậy thì tại sao chúng ta đã làm đến mức này rồi mà không cố gắng làm cho nó mạnh hơn. Gầy dựng thì khó chứ để nó mất đi thì dễ lắm, nếu chúng ta không chung tay, không cố gắng cùng nhau, rồi thì sân khấu xã hội hóa sẽ thoái trào”, NSND Hồng Vân cho biết thêm.

Sẽ phải làm như thế nào để sân khấu có được một đời sống nhộn nhịp hơn, làm sao để vực dậy một thị trường sôi động vốn có của sân khấu TP là điều mà mỗi người làm nghề và các cấp quản lý cần có những hành động cụ thể, chiến lược rõ ràng chứ không chỉ nói rồi để nó lãng quên. Kinh phí, điểm diễn, điều kiện hỗ trợ tốt cho diễn viên làm nghề và còn thêm nhiều điều khác nữa mà ngành sân khấu đang cần được tiếp sức và nghệ sĩ mong mỏi.