Sớm đưa đờn ca tài tử trở thành môn học chính thức

(VOH) - Tính đến ngày 5/12 năm nay, nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ vừa tròn 1 năm kể từ khi được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Một năm qua, đờn ca tài tử cả nước đã hoạt động liên tục, có nhiều chương trình hành động thiết thực góp phần bảo tồn và phát triển nghệ thuật đờn ca tài tử. PGS - TS Lê Văn Toàn - Giám đốc học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam, đơn vị thực hiện hồ sơ đệ trình UNESCO và theo dõi quá trình bảo tồn phát triển sau khi di sản được công nhận đã trao đổi với phóng viên Đài.

Đại diện UNESCO trao bằng vinh danh Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cho lãnh đạo Bộ VHTTDL (Ảnh: Nhật Bắc/Dân trí)

* Thưa PGS, ông đánh giá như thế nào về kết quả của các chương trình hành động bảo tồn trong 1 năm qua?

- PGS – TS Lê Văn Toàn: Kể từ ngày đờn ca tài tử chính thức trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, cả nước đã có những chương trình hành động rất thiết thực để bảo tồn và phát triên loại hình nghệ thuật này. Mở đầu là một liên hoan đờn ca tài tử cấp quốc gia tại Bạc Liêu với sự tham gia của các câu lạc bộ khắp 21 tỉnh. thành. Tiếp theo sau đó là nhiều liên hoan ở cấp tỉnh, cấp thành phố, các quận, huyện.

Chúng ta cũng tổ chức nhiều hội thảo nhằm tìm ra những giải pháp tối ưu nhất trong việc bảo tồn loại hình nghệ thuật này. Các chương trình đưa đờn ca tài tử vào học đường được nhiều tỉnh, thành thực hiện cũng góp phần quan trọng vào việc quảng bá nghệ thuật đờn ca tài tử.

Bên cạnh đó, các chuyến biểu diễn, giao lưu đờn ca tài tử đến các nước bạn cũng mở thêm những hướng phát triển mới cho nghệ thuật đờn ca tài tử. Năm qua cũng là một năm mà nhiều CLB đội nhóm tài tử ra đời, xuất hiện nhiều gương mặt tài tử mới.

Nhìn chung, sau khi được vinh danh, tài tử cả nước đã làm tốt việc hoạt động, biểu diễn quảng bá, bảo tồn âm nhạc tài tử. Tuy nhiên cũng còn một số hạn chế, lớn nhất là dù hoạt động rộng khắp nhưng vẫn chỉ mang tính phong trào, đứt khúc, chưa có sự chuyên sâu và liên tục. Tôi nghĩ một phần cũng do kinh phí hoạt động. Việc chăm lo cho những nghệ nhân có nghề, có tuổi, là những di sản sống quý giá chúng ta vẫn vừa làm vừa tìm ra giải pháp hiệu quả nhất.

Đờn ca tài tử Nam Bộ luôn để lại nhiều ấn tượng khó phai cho người thưởng lãm (Ảnh: Nhật Bắc/Dân trí)

* Theo ông, trong 21 tỉnh, thành có nghệ thuật đờn ca tài tử, những tỉnh, thành nào thực hiện hiệu quả nhất công tác mở rộng và bảo tồn  đờn ca tài tử?

- PGS – TS Lê Văn Toàn: Tôi nhận thấy rằng, TPHCM là nơi có những mô hình bảo tồn, hoạt động hiệu quả nhất. Từ lúc mới làm hồ sơ đệ trình UNESCO chúng tôi đã đưa điều này vào hồ sơ. Một thành phố năng động, có nhiều điều kiện về cơ sở hạ tầng, chất xám, con người nên hầu như tất cả những dự án, những cuộc thi, những liên hoan về đờn ca tài tử tại TPHCM dù là quy mô lớn hay nhỏ đều mang lại những thành công nhất định và thu hút một lượng người hưởng ứng lớn. Các tỉnh, thành khác đều làm nhưng nếu nói đến sức lan tỏa, liên tục, định hướng dài lâu thì tôi cho rằng TPHCM là địa phương thực hiện hiệu quả nhất.

* Việc trẻ hóa lực lượng tài tử cũng là một trong những vấn đề được đề cập đến nhiều trong công tác bảo tồn phát triển nghệ thuật đờn ca tài tử, ông nhận định về điều này như thế nào?

- PGS-TS Lê Văn Toàn: Đây là vấn đề cấp bách. Để thực hiện tốt thì Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam vạch ra đề án là đưa đờn ca tài tử vào trường học thành một môn học chính quy bắt buộc. Cần thiết nhất, phải đưa vào những lớp đầu cấp. Hiện tại, chúng ta chỉ mới đang làm ở hình thức tiết học ngoại khóa chứ chưa phải là môn học bắt buộc. Vì lộ trình này, nếu thực hiện cho hiệu quả thì phải làm cho thật kỹ thật chắc, phải tính toán đầu tư từ cơ sở vật chất, lực lượng giáo viên đặc biệt giỏi và có chuyên môn chuyên sâu về âm nhạc tài tử.

* Tiếp theo, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam sẽ có những kế hoạch, hành động và định hướng cụ thể như thế nào trong công tác bảo tồn phát triển nghệ thuật này?

- PGS-TS Lê Văn Toàn: Chúng tôi sẽ sớm hoàn thành những dự án về bảo tồn đờn ca tài tử đang thực hiện, như sắp hoàn thành công tác thống nhất 20 bản tổ nhạc tài tử trở thành một tư liệu chính thống cho loại hình nghệ thuật này. Đưa đờn ca tài tử thành một môn học bắt buộc ở các trường cũng sẽ được chúng tôi kiến nghị nhanh chóng thực hiện. Chúng tôi đang xây dựng đề án làm sao mỗi năm có thể có một nguồn kinh phí nhất định để các địa phương hoạt động quảng bá nghệ thuật đờn ca tài tử. Chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục cập nhật những thông tin mới, hay về nghệ thuật đờn ca tài tử đến khán giả cả nước, tiếp tục tham mưu và đưa ra nhiều giải pháp tốt để nghệ thuật đờn ca tài tử được phát triển đồng bộ và hiệu quả hơn.

* Cảm ơn ông.