Thông điệp về ý thức bảo vệ di sản văn hóa Việt Nam

(VOH) - Kỷ niệm lần thứ 8 ngày Di sản văn hóa VN (23-11) vừa qua tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hội Di sản Văn hóa TPHCM phối hợp cùng Tạp chí Vietnam Heritage tổ chức triển lãm ảnh Di sản Việt Nam tại TP.HCM 2012. Đây là hoạt động nhằm quảng bá những hình ảnh có giá trị về di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc VN đến với bạn bè thế giới như: phong tục tập quán và lễ hội, cuộc sống sinh hoạt và lao động của con người, các công trình kiến trúc văn hóa vật thể hay những khoảnh khắc thăng hoa của nghệ thuật sân khấu truyền thống và đương đại.

Sau các cuộc triển lãm diễn ra từ cuối tháng 10 tại Phan Thiết, Cần Thơ, Nha Trang, Hà Nội, Hội An, Hạ Long. Triển lãm lần này tại TP.HCM quy tụ trên 100 tác phẩm xuất sắc về đề tài di sản thiên nhiên và di sản văn hóa Việt của nhiều tác giả trong cả nước. Hầu hết các tác phẩm đều thể hiện những góc nhìn đầy sáng tạo của các tay máy chuyên và không chuyên trong cả nước, tất cả họ cùng hướng đến một thông điệp, đó là: “Bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống văn hóa dân tộc VN”.

Ban tổ chức cho biết, qua sơ tuyển, đã chọn ra 20 tác phẩm tiêu biểu của 19 tác giả đến từ 8 tỉnh, thành phố để trao giải. Về thể loại ảnh đơn, giải nhất thuộc về tác phẩm “Khoảnh khắc Hạ Long” của Nguyễn Phụng Chí (Bắc Ninh). Giải nhì thuộc về tác phẩm “Mưa trên phố cổ” tác giả Trần Thị Tuyết Mai (TP.HCM). Hai giải Ba trao cho tác giả Ngô Dư (Hà Nội) với tác phẩm “Nắng sớm cửa ô” và tác giả Vũ Chiến (Yên Bái) với tác phẩm “Vào vụ mới”.

Bên cạnh những tác phẩm khắc họa vẻ đẹp của thiên nhiên, bộ ảnh “Tây Nguyên màu xám” của tác giả Nguyễn Na Sơn đã khiến người xem suy tư chạnh lòng trước nạn đốt và chặt phá rừng của con người hiện nay. Bên cạnh đó, bộ ảnh “Tàn sát loài khỉ” của tác giả Lê Hoài Phương cũng là một tiếng kêu cứu về ý thức bảo tồn động vật hoang dã, gìn giữ sự cân bằng sinh thái thiên nhiên.


Tác phẩm "Tây Nguyên màu xám" - Ảnh: TNO

Về thể loại ảnh bộ, giải Nhất kèm theo Giải đặc biệt (có ý nghĩa về môi trường) được trao cho tác phẩm “Tây Nguyên màu xám” của Nguyễn Na Sơn (Hà Nội). Giải Nhì thuộc về tác phẩm “Vật cầu bùn” của Phạm Văn Lự (Hà Nội). Hai giải Ba được trao cho tác phẩm “Lễ tảo mộ của người Chăm Bani trong dịp tết Ramưwan” của Huỳnh Văn Nam (Nha Trang) và tác phẩm “Làm miến” tác giả Lại Diễn Đàm (Hà Nội). Ngoài ra, ban tổ chức còn trao 11 giải khuyến khích cho 11 tác giả thuộc 2 thể loại ảnh bộ và ảnh đơn.

Đoạt giải cao nhất của thể loại ảnh bộ, tác giả Nguyễn Na Sơn ở Hà Nội tâm sự: "Khi tôi tham gia cuộc thi, đây là một cơ hội để mình mang bộ ảnh môi trường, tiếng nói về môi trường đến cho cộng đồng, để mọi người nhìn thấy thực trạng về rừng của Việt Nam nói chung và rừng của Tây Nguyên nói riêng qua những bức ảnh. Qua đó, mọi người cần biết gìn giữ những cái chúng ta có".


Trao giải thưởng cho tác giả Nguyễn Na Sơn - Ảnh: TNO

Có thể nói, các tác phẩm đoạt giải lần này chính là những thành tích xứng đáng dành cho các nghệ sĩ nhiếp ảnh. Nhiều đề tài phong phú và đa dạng về di sản - văn hóa Việt Nam cũng như về thiên nhiên - con người được gói gọn trong từng khung ảnh, gây chú ý người xem, bạn Mai Ánh Ngọc, sinh viên trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn nói lên cảm nghĩ của mình: "

Qua cuộc triển lãm lần này, mình thấy những người trẻ như mình thêm được rất nhiều kinh nghiệm, mở rộng thêm tầm nhìn. Qua đó, học hỏi cũng như biết được nhiều hơn về văn hóa, con người và đất nước Việt Nam".

Đại diện Ban Giám khảo của cuộc thi ảnh Di sản Việt Nam 2012, nhiếp ảnh gia Đào Hoa Nữ nhận xét: "Đây là lần đầu tiên tôi được chấm một bộ ảnh, một cuộc thi ảnh như thế này. Rõ ràng rằng, Ban tổ chức đã nghĩ ra một cách làm để góp phần gìn giữ di sản văn hóa của Việt Nam, giới thiệu đến bạn bè các nước. Cần phải gìn giữ di sản đó, nhất là tuổi trẻ của các em, là bổn phận của chúng ta để các thế hệ sau này biết và giới thiệu đến mọi người, nhất là bạn bè khắp nơi".

Qua triển lãm, các tác phẩm đã toát lên hình ảnh một đất nước Việt Nam năng động trên đường hội nhập phát triển, đồng thời bảo tồn chiều sâu, sắc thái văn hóa thuần Việt lâu đời của cha ông ta để lại. Những bức ảnh gây ấn tượng trong lòng người xem ở nhiều góc cạnh văn hóa đa dạng, đa vùng miền trên khắp đất nước Việt Nam. Từ đất rừng Tây Bắc đến Tây Nguyên đất đỏ, từ một Việt Nam còn trong bom đạn chiến tranh đến cuộc sống yên bình, từ cuộc sống nông thôn đến chốn thị thành… tất cả đã tái hiện một cách chân thực, sống động và rất nhân bản. Thông qua các tác phẩm, không chỉ tôn vinh nét đẹp di sản văn hóa dân tộc, mà còn là thông điệp gửi đến mọi người: “Hãy góp phần xây dựng ý thức cộng đồng, cùng chung tay bảo vệ những di sản văn hóa của Việt Nam”.