Bảng xếp hạng đại học: chỉ có tính "tham khảo"!?

(VOH) – Sau khi Bảng xếp hạng các trường đại học Việt Nam được công bố - nhiều người đặt ra câu hỏi giá trị của bảng xếp hạng là gì?

Sáng 7/9, sau khi đề nghị lãnh đạo một số trường đại học đưa ra ý kiến của mình về “Bảng xếp hạng đại học” thì phóng viên đều nhận được sự từ chối bởi theo nhiều trường – bảng xếp hạng – ngay từ cơ sở dữ liệu đầu vào đã thiếu, lại thiếu cả tính khách quan (nhiều thông tin lấy ngay từ trên website của trường đại học). Về cơ bản, Bảng xếp hạng chỉ "xem cho vui" thôi chứ… không nói lên điều gì!?

Vấn đề đầu tiên của bảng xếp hạng nằm ở dữ liệu sử dụng. Nguồn dữ liệu mà nhóm tác giả thu thập có cả báo cáo từ các trường và cả dữ liệu lấy từ website trường – đây được coi là nguồn dữ liệu chủ quan, nếu không nói là sẽ mang tính “PR” quá nặng.

Ngay cả nhóm nghiên cứu cũng phải thừa nhận về sự minh bạch của dữ liệu – rằng dù có số liệu nhưng lại 3 không: Không thống nhất, không đáng tin cậy và không cập nhật.

Nếu bảng xếp hạng dựa trên số liệu không đáng tin cậy thì kết quả có rất nhiều vấn đề chứ không chỉ đơn thuần là đưa ra để… tạo động lực cho các trường đại học ở Việt Nam thực hiện cải cách - như mong muốn của nhóm nghiên cứu.

Vấn đề thứ hai, đó chính là sự “khập khiễng” khi so sánh về quy mô giữa một hệ thống trường lớn với một trường đại học đơn lẻ.

Chẳng hạn, không thể so sánh hệ thống trường Đại học Quốc gia TPHCM (6 trường đại học thành viên) hay Đại học Quốc Gia Hà Nội (7 trường đại học thành viên) với một trường đại học đơn thuần khác.

Sinh viên Đại học Quốc tế trong giờ học (Ảnh: BN)

Khi so sánh như vậy, ngay cả số liệu về quy mô đào tạo, đội ngũ giảng viên, số sinh viên đại học/sau đại học đã có sự chênh lệch quá lớn, đó là chưa kể tới hình thức đào tạo liên kết – một trường liên kết với nhiều trường để đào tạo tại các chi nhánh, hay hình thức đào tạo hệ vừa làm vừa học.

Vấn đề thứ ba, theo tiêu chí của bảng xếp hạng, chỉ số về "nghiên cứu khoa học" được chọn làm điểm nhấn (chiếm tới 40% tổng số điểm), nhưng trên thực tế tại Việt Nam, số nghiên cứu khoa học được ứng dụng vào thực tế thực sự chưa nhiều – hay nghiên cứu chỉ dừng ở mức độ nghiên cứu.

Trong khi đó, nhóm nghiên cứu độc lập lại dựa vào số bài báo nghiên cứu được đăng trên tạp chí Quốc tế thuộc danh mục ISI. Theo một số chuyên gia, việc đạo văn, mua bài, “chạy đua công bố”, không phải là chuyện hiếm và thực tế việc trường có nhiều bài báo được đăng trên ISI rõ ràng “không giúp ích” được cho việc đào tạo sinh viên và cũng không nói lên được chất lượng đào tạo.

Nếu đưa tiêu chí “số nghiên cứu khoa học được ứng dụng vào thực tiễn” thì có lý hơn trong trường hợp này.

Vấn đề thứ tư, ngay cả khi chưa có bảng xếp hạng, nhiều trường đại học đã tự chuẩn hóa và được các tổ chức quốc tế kiểm định. Điều này là một trong những tiêu chí khách quan quan trọng, tại sao lại không được đưa vào tiêu chí xếp hạng?

Chẳng hạn, HCERES - một tổ chức kiểm định uy tín được công nhận bởi Hiệp hội đảm bảo chất lượng Châu Âu - ENQA (European Association for Quality Assurance in Higher Education) đã kiểm định chất lượng cấp cơ sở giáo dục và chứng nhận 4 trường: Đại học Bách Khoa TPHCM (ĐHQG TPHCM), ĐH Bách Khoa Hà Nội, ĐH Bách Khoa Đà Nẵng và ĐH Xây dựng đạt kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn HCERES nói riêng và kiểm định quốc tế nói chung.

Hay, Đại học Quốc tế có 6 chương trình thuộc các khoa đạt chuẩn AUN. Bộ tiêu chuẩn AUN-QA được AUN ban hành năm 2004, với mục tiêu thúc đẩy quá trình đảm bảo chất lượng giáo dục tại các trường ĐH trong khu vực, hướng đến tính chuyển động của người học trong việc tích lũy tín chỉ từ các chương trình đạt chuẩn của những trường trong mạng lưới…

Cùng với đó, việc mở rộng hợp tác, liên kết đào tạo quốc tế cũng được nhiều trường áp dụng. Việc đào tạo các chương trình liên kết giúp sinh viên học tập trong môi trường quốc tế, có nhiều học bổng nước ngoài, được nhà trường hỗ trợ hồ sơ chuyển tiếp, sau khi tốt nghiệp bằng cấp sẽ do các trường Đại học nước ngoài có uy tín cấp bằng... 

Trong khi nhiều trường đã phát triển từng bước theo hướng chuẩn mực quốc tế thì dường như các tiêu chí xếp hạng trên lại bỏ qua.

Vấn đề thứ năm quan trọng hay đúng hơn là “quá quan trọng” và gần như là quyết định hoàn toàn tiêu chí chọn trường, chọn ngành của nhiều phụ huynh, học sinh – đó là tiêu chí “tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi ra trường”.

Tuy nhiên, thật đáng tiếc, chỉ số về "kết quả việc làm của sinh viên tốt nghiệp sau 6 tháng của trường", nhóm nghiên cứu chỉ thu thập được thông tin của 15 cơ sở đào tạo. Và yếu tố này do đó không được cho là tiêu chí đánh giá theo bảng xếp hạng.

49 cơ sở giáo dục đại học gồm 5 đại học cấp quốc gia và cấp vùng, 5 học viện, 39 trường đại học công lập và tư thục đã được chọn để xét rất nhiều tiêu chí và đưa vào bảng xếp hạng. Tuy nhiên, xếp hạng này lại “chệch” khá nhiều nếu xét về chất lượng tuyển sinh đầu vào, sự năng động/khả năng của sinh viên sau khi ra trường và cả yếu tố nhà tuyển dụng luôn "ưu ái” sinh viên trường top.

Một bảng xếp hạng không phản ánh được toàn diện những gì mà một trường ĐH đang làm và chất lượng thực sự của trường thì sẽ còn gây tranh cãi rất nhiều. Và nếu lỡ bảng xếp hạng được coi là thước đo chất lượng đào tạo thì rất có thể gây ảnh hưởng tới trường cũng như quyết định chọn trường, chọn ngành của học sinh.