Bỏ biên chế giáo viên - khó nhưng phải làm

(VOH) - Trong tương lai sẽ bỏ biên chế trong giáo dục - chủ trương mới này của Bộ Giáo dục và Đào tạo đang khiến dư luận hết sức quan tâm, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã đặt vấn đề ra nghị trường Quốc hội.

Chủ trương thí điểm không để giáo viên là công chức, viên chức, thay vào đó là hình thức hợp đồng được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) đưa ra trong một chương trình tiếp xúc cử tri chuyên đề của Đoàn đại biểu Quốc hội ở Bình Định. Bộ cho biết sẽ triển khai từng bước từ bậc giáo dục chuyên nghiệp, dạy nghề, sau đó đến bậc học phổ thông.

Chế độ hợp đồng theo hình thức có vào có ra, có chế độ đãi ngộ lớn; lĩnh vực đào tạo sẽ theo hướng thị trường lao động, chú trọng tăng cường hơn nữa về chất lượng. Tuy nhiên, chủ trương thí điểm này của ngành giáo dục đang vấp phải nhiều ý kiến.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ. Ảnh: GDTĐ

Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) bày tỏ: "Khi đã đứng đầu tư lệnh ngành, Bộ GD&ĐT cũng phải suy nghĩ cần phải làm thế nào, cụ thể từng bước đi để đảm bảo hoạt động của ngành giáo dục hiệu quả, chất lượng; chọn được người thầy tốt mới đào tạo nên trò tốt. Do vậy, cách làm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tôi rất đồng tình".

Đại biểu Lâm Quang Đại (TPHCM) cho rằng, nếu không cân nhắc kỹ sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến tâm tư, đời sống sinh hoạt của công chức, viên chức là giáo viên: "Về tâm lý, tư tưởng sẽ có tác động không nhỏ tuy nhiên, theo tôi, đây là đổi mới sự nghiệp giáo dục và đào tạo nhưng bước đi phải hết sức thận trọng. Đổi mới phải trên nền tảng văn hóa, đặc điểm xã hội của đất nước".

Cơ sở thực hiện chủ trương đổi mới này xuất phát từ Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục; trong đó trọng tâm là đổi mới cách tuyển dụng, sử dụng lao động đã qua đào tạo theo hướng chú trọng năng lực, chất lượng, hiệu quả công việc thực tế, không quá nặng về bằng cấp, trước hết là trong các cơ quan thuộc hệ thống chính trị.

Coi sự chấp nhận của thị trường lao động đối với người học là tiêu chí quan trọng để đánh giá uy tín, chất lượng của cơ sở giáo dục đại học, nghề nghiệp và là căn cứ để định hướng phát triển cơ sở giáo dục, đào tạo và ngành, nghề đào tạo.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban dân nguyện của Quốc hội chia sẻ: "Nếu nhìn ở góc cạnh tính cực sẽ là luồng gió mới, tạo sự tích cực cho giáo viên trong cập nhật kiến thức, nâng cao chất lượng bài giảng, say mê với nghề nghiệp, qua đó cơ chế lương bổng cũng khác. Người giỏi thì lương cao, người dạy thiếu chất lượng thì lương bổng cũng khác.

Thế nhưng, ở góc độ khác, bởi nước ta có những địa bàn khó khăn, vùng 135… Ở những nơi này, thầy cô giáo gắn bó rất lâu năm với trẻ em, nếu giả sử họ không đáp ứng được yêu cầu đổi mới của chất lượng giáo dục thì rất khó khăn tìm công việc mới".

Báo cáo trước cử tri tại phiên làm việc sáng nay 9/6 về nội dung này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, cho biết, để nâng cao chất lượng giáo dục, vai trò của giáo viên có vị trí quan trọng, góp phần làm nên thành công của sự nghiệp đổi mới giáo dục.

Việc tuyển dụng công chức, viên chức đối với bậc học phổ thông, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, còn tình trạng tuyển dụng chưa phù hợp với nhu cầu về môn học, tình trạng thừa môn này, thiếu môn kia phổ biến: "Phần nhiều giáo viên có tâm lý vào biên chế cho ổn định, rất khó khăn trong nâng cao kiến thức, phẩm chất năng lực để đáp ứng nhu cầu đổi mới của ngành. Từ đó đã dẫn đến tình trạng giáo dục không thể lên cao.

Thế nên, tôi mới đặt vấn đề thí điểm chuyển dần từ công chức viên chức sang hợp đồng lao động. Trước hết sẽ thí điểm từ đại học và một số trường phổ thông có điều kiện, sau đó từng bước rút kinh nghiệm, nhân rộng. Chúng tôi cho rằng, đối với giáo viên và quản lý nhà giáo phải được đặc biệt đổi mới, vì đây là yếu tố quyết định nâng cao chất lượng giáo dục và cũng đề ra lộ trình cụ thể để thực hiện".

Theo giải trình của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, chủ trương này rất khó khăn nhưng không thể không làm để có thể đưa ra khỏi ngành những giáo viên không đạt yêu cầu mới. Điều quan trọng là nghiên cứu thật kỹ từng lộ trình, bước đi, thực hiện thí điểm trước hết ở bậc giáo dục chuyên nghiệp, giáo dục dạy nghề, giáo dục phổ thông, tránh xáo trộn trong môi trường giáo dục.