Bộ Khoa học Công nghệ ký kết hợp tác với ĐHQG TPHCM

(VOH) - Chiều 21/4, tại trụ sở Đại học Quốc gia TPHCM đã diễn ra lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Khoa học Công nghệ và Đại học Quốc gia TPHCM.

Cụ thể, hai bên hợp tác triển khai hiệu quả "Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ", các chương trình phát triển khoa học cơ bản trong lĩnh vực vật lý, hóa học, khoa học sự sống, khoa học trái đất và khoa học biển.

Quang cảnh lễ ký kết giữa Bộ Khoa học Công nghệ và ĐHQG TPHCM.

Bên cạnh đó, Bộ Khoa học Công nghệ và ĐHQG còn phối hợp triển khai các hoạt động hỗ trợ ứng dụng và đổi mới công nghệ cho khu vực doanh nghiệp và các nhóm nghiên cứu ứng dụng làm chủ công nghệ. Sự hợp tác này còn nhằm triển khai kịp thời các nhiệm vụ đột xuất theo yêu cầu của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

Về lợi ích ký kết hợp tác, PGS.TS Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc ĐHQG TPHCM cho rằng ký kết này tạo điều kiện cho ĐHQG nói chung đặc biệt đối với các nhà nghiên cứu trong ĐHQG, các giảng viên, sinh viên có những cơ hội thuận lợi, nhất là trong nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ đỉnh cao và phục vụ cộng đồng. Qua đó, có thể cùng nhau thực hiện được những chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và của Bộ KHCN về lĩnh vực khoa học công nghệ".

Đồng thời, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ hỗ trợ ĐHQG TPHCM thực hiện “Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; triển khai thực hiện các hoạt động liên quan đến sở hữu trí tuệ; các hoạt động về doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; nâng cấp tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ của ĐHQG TPHCM đạt chuẩn quốc tế.

Ông Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ cho rằng, với đội ngũ hơn 3.000 cán bộ giảng viên, 38% là tiến sĩ, 60 phòng thí nghiệm, trong đó 2 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, sự hợp tác, ký kết giữa Bộ và ĐHQG TPHCM sẽ là một bước cụ thể hoá các đường lối chủ trương chung của Đảng về phát triển khoa học công nghệ.

"TPHCM và khu vực có trách nhiệm là đầu tàu khoa học công nghệ cả nước, ĐHQG TPHCM đương nhiên cũng là đầu tàu. Sắp tới, tầm nhìn của ĐHQG TPHCM là châu Á, thế giới đòi hỏi thực tiễn là chúng ta phải sát cánh bên nhau để thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động trong khu vực", Bộ trưởng Ngọc Anh khẳng định.