Bỏ miễn học phí, nhiều sinh viên sư phạm sẽ nghỉ học

(VOH) - Nếu bỏ chính sách miễn học phí ngành sư phạm, hơn 55% sinh viên đang theo học các ngành sư phạm sẽ bỏ học...

Kết quả nghiên cứu này được nhóm giảng viên Khoa Sư Phạm, Đại học Cần Thơ chia sẻ tại Hội thảo "Tác động của chính sách miễn học phí đối với chất lượng tuyển sinh và đào tạo giáo viên", do Bộ GD-ĐT phối hợp với Trường Đại học Sư Phạm TPHCM tổ chức sáng 13/12. 

Trong khi nhiều đại biểu cho rằng chính sách miễn học phí sư phạm đã không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay, vì vậy cần có sự điều chỉnh tiến đến xóa bỏ chính sách này. Nhiều ý kiến khác cũng đồng tình nhưng cần có lộ trình và các điều kiện kèm theo.

Mất cân đối giữa cung và cầu

Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thám, Trường Đại học Sư Phạm – Đại học Huế, trong những năm gần đây, Bộ GD-ĐT đã có chủ trương giảm chỉ tiêu sư phạm hàng năm, đặc biệt năm 2017 giảm 20% chỉ tiêu so với năm 2016 nhưng trên thực tế, số lượng tuyển sinh năm 2017 có tới hơn 100 trường đại học, cao đẳng đăng ký tuyển sinh các ngành đào tạo giáo viên với chỉ tiêu trên 54.000. Trong lúc nhu cầu tuyển dụng giáo viên thấp, tạo sự mất cân đối giữa cung và cầu, vì vậy số sinh viên tốt nghiệp sư phạm tìm kiếm việc làm đúng ngành nghề diễn ra trong điều kiện gay gắt.

PGS.TS Nguyễn Thám phân tích nếu ngay từ bây giờ, bỏ hẳn chính sách cấp bù học phí cho sinh viên sư phạm thì các trường sư phạm sẽ rất khó khăn. Nhưng theo tôi, sau khi quy hoạch được mạng lưới, khống chế được chỉ tiêu sư phạm, dần dần cân bằng được cung và cầu thì tới đó sẽ tiến đến bỏ cấp bù học phí ngành sư phạm.

PGS.TS Nguyễn Thám, Trường Đại học Sư Phạm - Đại học Huế phát biểu tại hội thảo

Mạnh dạn đề xuất bỏ chính sách miễn học phí các ngành sư phạm, Phó Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư Phạm Kỹ Thuật TPHCM khẳng định đây là sự bất công lớn giữa sinh viên ngành sư phạm với các ngành học khác, khi kinh phí mà Nhà nước cấp bù chỉ ở mức thấp.

“Những trường do nhận tiền cấp bù thấp như vậy cho nên nếu lấy tiền đó mà đào tạo các em thì sẽ không có chất lượng. Cho nên đa phần các trường đều phải bù thêm từ học phí của các hệ khác mới đủ đào tạo, đặc biệt là các ngành sư phạm kỹ thuật rất tốn kém. Trong khoảng 5 năm nay, trường phải bù lỗ khoảng 30 tỷ đồng. Đó là cái bất công, bởi vì tiền này là tiền của các sinh viên hệ khác đóng vào”, ông Dũng cho biết.

Bỏ miễn học phí, 55% sinh viên thôi học

Nghiên cứu về những yếu tố tác động đến việc chọn ngành sư phạm của sinh viên, nhóm nghiên cứu đến từ Khoa Sư Phạm, Đại học Cần Thơ đã chia sẻ những kết quả khá thú vị. Theo Tiến sĩ Trần Lương, kết quả nghiên cứu cho thấy có hơn 50% sinh viên chọn ngành sư phạm do được miễn học phí. Nếu ngành sư phạm sẽ phải đóng học phí, hơn 55% sinh viên nói họ sẽ bỏ học; hơn 20% sinh viên lưỡng lự có nên học nữa hay không và chỉ có khoảng 22% khẳng định họ vẫn tiếp tục học ngành sư phạm. Như vậy, nếu chính sách miễn học phí thay đổi sẽ làm giảm số lượng sinh viên theo học các ngành sư phạm.

Chia sẻ câu chuyện từ thực tế giảng dạy mấy chục năm qua, giảng viên Đoàn Văn Điều, Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Sư Phạm TPHCM cho rằng nhờ việc miễn học phí mà nhiều con em nhà nghèo học giỏi được tạo cơ hội vào đại học, vì vậy theo ông nên tiếp tục duy trì chính sách nhân văn này. 

“Nếu chúng ta duy trì tiếp tục thì sẽ có những người thầy dạy Toán giỏi, tạo cơ sở cho những học sinh phổ thông giỏi để họ đi vào những ngành tốt. Thay vì các em nghèo ở nhà nghỉ học, thì giờ các em đi học được trở thành những giáo viên giỏi...”, ông Điều nói.

Giảng viên Đoàn Văn Điều phát biểu.

Cần cân đối giữa chất lượng đầu vào và chính sách cho sinh viên

Phó Giáo sư Tiến sĩ Vũ Thị Lan Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội, nhóm nghiên cứu Dự thảo Luật Giáo dục Đại học thông tin thêm, khi mức học phí tăng lên thì chính sách miễn học phí ngành sư phạm sẽ tác động rất lớn đến người học. Nhưng khi các trường được tự quyết định mức học phí, Chính phủ sẽ điều chỉnh mức học phí các trường công thì mức học phí sẽ không còn cào bằng nữa.

“Với mức học phí có thể tăng lên như vậy thì chính sách miễn học phí sẽ có tác động rất lớn. Nếu như muốn học ở các trường tốt hoặc muốn học các trường theo nhu cầu của mình, thì lúc đó những sinh viên nghèo không có điều kiện. Vậy chính sách miễn học phí sẽ thúc đẩy và thu hút sinh viên đến với trường sư phạm nhiều hơn. Theo chúng tôi hình dung, có lẽ trong thời gian tới khi mà mức học phí các trường đều tăng mạnh, sinh viên sẽ vào sư phạm nhờ chính sách miễn học phí này rất lớn”, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội nhận định.

Có thể thấy, trong điều kiện khó khăn trong tuyển sinh sư phạm như hiện nay, nếu bỏ chế độ miễn học phí sư phạm thì đầu vào sư phạm còn khó khăn hơn. Bên cạnh đó, việc miễn học phí chỉ giải quyết ở phần ngọn, việc chính là cần cân đối giữa chất lượng đầu vào, chính sách giải quyết việc làm cho sinh viên sư phạm sau tốt nghiệp, đặc biệt thu nhập của giáo viên. Nếu các giải pháp trên được giải quyết một cách đồng bộ thì vấn đề bỏ cấp bù học phí sư phạm theo lộ trình không còn là vấn đề lớn nữa.