Các trường phải thay đổi để thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần 4

(VOH) - Cuộc cách mạng công nghiệp lần 4 đặt giáo dục đại học trước nhiều thách thức lớn. Các trường không dự đoán được các kỹ năng mà thị trường lao động sẽ cần trong tương lai gần do tốc độ thay đổi diễn ra quá nhanh.

Đó là nhận định được các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục đưa ra tại hội thảo quốc tế Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và ứng dụng tại các trường ĐH, CĐ Việt Nam, do Hiệp hội các trường ĐH và CĐ Việt Nam tổ chức trong ngày 24 và 25/2.

Các chuyên gia giáo dục tại hội thảo quốc tế "Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và ứng dụng tại các trường ĐH,CĐ Việt Nam

Các chuyên gia cho rằng giáo dục Việt Nam còn phát triển chậm so với sự phát triển của khoa học công nghệ, đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới.

Trong khi đó, nhu cầu về lao động trong thời gian tới sẽ có nhiều thay đổi theo hướng sử dụng lao động có trình độ cao. Tài năng, chất xám, sự sáng tạo mới là những yếu tố cần thiết tạo ra của cải.

PGS.TS Mạc Văn Tiến, Tổng cục Dạy nghề cho rằng: "Chúng tôi tạm thời gọi Việt Nam là nền kinh tế 3.0 (nền kinh tế dựa trên cuộc cách mạng kỹ thuật số và điện tử), hoặc dưới 3.0 một chút. Thế nhưng nền kinh tế 3.0 thì nhân lực trong nước nói chung cũng như nhân lực qua đào tạo nghề vẫn không đáp ứng được nền kinh tế 3.0 này, thì đến nền kinh tế 4.0 tôi nghĩ chắc chắn là không thể đáp ứng được nếu như chúng ta vẫn tư duy đào tạo theo kiểu cũ".

Trước thực tế này, các đại biểu khẳng định các trường phải đi trước, phải nhanh chóng thay đổi. Trường đại học không chỉ dừng ở việc cung cấp kiến thức mà cần có những mô hình đột phá để thích ứng.

"Trước đây, người học phải đến trường để có kiến thức để đi làm, bây giờ lên mạng là người ta có tất cả mọi thứ. Cho nên, nếu như trường ĐH chỉ dừng lại ở việc cung cấp kiến thức thì rõ ràng không còn lý do để tồn tại. Tất cả các hiện thực đó đang định nghĩa lại nhiều khái niệm trước đây, trong đó có khái niệm trường ĐH. 

Hơn lúc nào hết, các trường ĐH phải nghĩ về bối cảnh xung quanh, nhu cầu của XH, và điều quan trọng nhất là chúng ta đáp ứng được những thay đổi đó", TS. Phạm Thị Ly, Đại học Quốc gia phân tích.