Chàng sinh viên khiếm thị trúng tuyển vào Tập đoàn Grab tại Singapore

(VOH) - Cậu sinh viên khiếm thị khiến không ít người ngỡ ngàng khi “chưa kịp” tốt nghiệp đã được Tập đoàn Grab tại Singapore tuyển dụng vị trí lập trình viên android.

"Tính liều"

Vượt qua bài test trên mạng và 3 vòng phỏng vấn bằng tiếng Anh, cậu sinh viên khiếm thị tên Nguyễn Hoàng Giang đã trúng tuyển vị trí lập trình viên android, Tập đoàn Grab (Grab Taxi) tại Singapore.

Giang đang học năm cuối Khoa Công nghệ thông tin trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM) và trước khi bay qua Singapore hai ngày, cậu sinh viên mới hoàn thành môn thi cuối cùng.

Chiếc điện thoại với ứng dụng dành cho người khiếm thị là người bạn thân nhất của cậu sinh viên này (Ảnh: LH)

Nói Giang liều chẳng hề sai khi cậu quyết định qua Singapore mà không có người thân nào đi cùng. “Em hoàn toàn không thấy lo gì cả, chỉ cảm thấy thích vì thử thách này khá hay. Em đã tham khảo trước các thông tin trên sách báo về đất nước Singapore và qua trước hai tuần để làm quen với việc di chuyển cũng như các sinh hoạt khác. Nếu không biết thì hỏi sẽ biết” – Giang chia sẻ.

Trước đó, chuyến đi dài nhất của Giang là chuyến đi khám phá Nha Trang một mình và phải đấu tranh rất nhiều cậu sinh viên này mới được người thân “thả” cho đi chơi “một thân một mình” như thế. Chuyến đi Singapore thêm một lần nữa làm gia đình Giang mất ăn mất ngủ nhưng Giang đang đếm từng ngày để xách ba lô lên và tìm kiếm trải nghiệm mới.

PGS.TS. Trần Mạnh Hà - Trưởng Khoa Công nghệ thông tin (Đại học Quốc tế) chia sẻ: “Tôi rất vui khi biết Giang được tuyển dụng bởi một công ty Singapore. Nhưng, tôi không ngạc nhiên về điều này vì Giang đã từng là một trong số ít sinh viên được tuyển dụng thực tập tại công ty Intel Việt Nam”.

Giang bắt đầu đi làm từ năm thứ 3 với công việc là nhân viên phục vụ nhà hàng, sau đó thực tập tại công ty Intel (Khu Công nghệ cao Q.9) và làm bán thời gian tại một công ty phần mềm (Công viên phần mềm Quang Trung) cho tới khi trúng tuyển vào Grab.

Với Giang, trúng tuyển vào Grab Singapore là điều bất ngờ cũng là cơ hội lớn để Giang đến gần với ước mơ được khám phá thế giới của mình. Công việc của Giang tại Grab là lập trình viên và Giang sẽ cùng các thành viên của công ty tối ưu hóa ứng dụng dành cho người khiếm thị của Grab.

Đôi mắt không cản bước chân

Một sinh viên bình thường, bắt đầu chương trình học hoàn toàn bằng tiếng Anh không phải là điều dễ dàng. Với một người khiếm thị như Giang điều đó khó hơn nhiều nhưng cậu vẫn lựa chọn và chấp nhận các thử thách.

Khi được hỏi tại sao lại đăng ký học ngành kĩ thuật hoàn toàn bằng tiếng Anh, Giang chia sẻ: “Em thích học bằng tiếng Anh và thích cả môi trường học tập... mở. Trong giai đoạn đó, trường Đại học Quốc tế là trường dạy bằng tiếng Anh có học phí...rẻ nhất – và em còn được giảm 50% học phí nữa nên em quyết định học tại đây” – Giang cười.

Khi bắt đầu chương trình đại học, vốn tiếng Anh của Giang chỉ gói trọn trong những kiến thức được học ở trường cấp ba, cộng thêm 1 khóa học ngắn hạn 2 tháng tại trường ĐH Sư phạm. Sau đó, Giang tiếp tục học tiếng Anh tại trường đại học cùng các môn học khác.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đối với Giang không phải là tiếng Anh mà đó là học hai môn Toán và Vật lý - bởi các công thức trong 2 môn học này quá phức tạp, phần mềm hỗ trợ người khiếm thị không thể đọc được. Giang phải nhờ thầy cô, các bạn và người thân hỗ trợ, đọc công thức để làm bài.

Giang cười: “Toán cố gắng em còn học được chứ lý thì… học khá vất vả. Vậy nên điểm lý em thường thấp hơn các môn khác”. Nói là thấp nhưng theo tổng kết của khoa, điểm GPA (trung bình đánh giá sinh viên) của Giang đạt 81 điểm - không hề dở chút nào đối với một sinh viên bình thường. 

TS. Nguyễn Thị Thanh Sang – GV Hướng dẫn luận văn tốt nghiệp cũng là giảng viên môn Cơ sở dữ liệu của Giang chia sẻ, cậu sinh viên đặc biệt này luôn cố gắng và nỗ lực trong học tập, đào sâu nghiên cứu và hoàn thành môn học khá tốt. Giang có nhiều khả năng nghiên cứu trong lĩnh vực IT và đã từng tham gia nghiên cứu với TS. Sang.  

“Giang đã có thể tự nghiên cứu và lập trình giải thuật rất tốt. Tôi không những hướng dẫn Giang hoàn thành Luận văn tốt nghiệp mà còn làm đề tài Nghiên cứu sinh viên cấp trường và đã có một bài báo khoa học được chấp nhận ở hội nghị quốc tế (ICIST 2017)” - TS. Thanh Sang cho biết.

Điều thú vị ở cậu sinh viên này đó là cậu không thích nghĩ mình khác biệt, và luôn tìm cách “đòi quyền” được bình thường. Muốn được làm thẻ ngân hàng, nhưng gặp nhiều khó khăn, cậu cũng tìm, rồi thuyết phục để làm được thẻ riêng cho mình; Muốn thi TOEFL nhưng không được vì đề thi TOEFL không có phần mềm đọc hỗ trợ người khiếm thị, cậu này điện thoại, email sang Mỹ đề nghị hỗ trợ đặc biệt, cuối cùng cũng được hỗ trợ để có đề thi dành riêng cho mình. Thậm chí, muốn đi học bằng xe buýt mà cả nhà không cho, cậu cũng trốn đi thử rồi về giải thích năn nỉ để được đi học bằng xe buýt mới thôi…

Bất chấp rào cản ánh sáng, Giang sống đầy lạc quan và độc lập như tất cả các sinh viên khác. Giang thích tự làm mọi thứ cho mình, tự dọn dẹp phòng, tự di chuyển, thích đi chơi thì tự xách ba lô lên và đi du lịch một mình chỉ với sự hỗ trợ của chiếc điện thoại với ứng dụng cho người khiếm thị.

Chiếc điện thoại mở ra cho Giang cả thế giới, giờ lại mở ra cho giang cơ hội bước chân ra ngoài thế giới và việc thiếu đi một chút ánh sáng mặt trời hình như không cản được bước chân của cậu sinh viên mê thử thách này.