Có nên dạy con phản kháng khi bị bạn đánh?

(VOH) - Ở lứa tuổi mẫu giáo, việc trẻ giành giật đồ chơi, đánh hoặc cắn bạn là chuyện tương đối phổ biến. Nhưng nếu việc bị bạn đánh, cắn nhiều lần mà không có cách xử lý thích hợp – trẻ có thể bị ảnh hưởng nhiều đến vấn đề tâm lý.

Chỉ còn cách dạy con phản kháng

Chị Vân Quỳnh, ngụ tại quận Tân Bình chia sẻ, bé Panda con chị đang được gửi ở trường tư. Cơ sở vật chất trường tốt, cô giáo dễ thương, chỉ có mỗi một vấn đề lớn nhất là trong lớp Panda có một bé bị tăng động – và tất cả những trẻ khác giống như con chị ít nhiều đều bị bạn tăng động đánh.

Có hôm về, thấy mắt con gái sưng vù - hỏi con sao, con nói bị bạn H. đánh. Chị khó xử vô cùng vì quen biết và thường nói chuyện với mẹ bé H. Chị cũng biết là mẹ của H. rất khổ tâm khi con cái khác biệt với bạn bè.

“Để giúp bé tránh bị bạn đánh, mình chỉ biết dặn con là hãy chạy thật nhanh khi bạn H. đến gần. Nếu chạy không kịp thì phải la, hét thật to để cô giáo biết và giúp cháu – chứ không biết làm cách nào khác nữa” – chị Quỳnh chia sẻ.

Dạy trẻ cách ứng xử khi bị bạn bắt nạt thường không đơn giản (Ảnh minh họa: themotherco.com)

Khác chị Quỳnh, con chị Ngọc Hương được gửi trong một trường mầm non công lập tại P.6. Q.Bình Thạnh. Chuyện bé bị bạn lớn hơn bắt nạt không phải là chuyện hiếm và cách chị dạy con là nhắc bé hãy phản kháng nếu chẳng may bị bạn lớn hơn đánh.

Chị chia sẻ: “Bạn dữ dằn trong lớp lớn hơn con tôi một cái đầu, việc cháu đánh lại đôi khi là chuyện không khả thi. Tôi chỉ nói con là, nếu bạn đánh, con hãy né hoặc chạy, nếu không chạy được thì hãy cắn thật mạnh, thật đau vào bên hông để bạn sợ, lần sau không đánh con nữa”.

Bé HN. nhà chị Ngọc Hương có vẻ rất nghe lời nhưng hậu quả là, sau khi đánh trả, bé lại bị cô giáo đánh đòn và phạt, cô lập với bạn bè. Bé quá bức bối, lại chán nản, nằng nặc khóc đòi mẹ cho nghỉ học. Áp lực cho con 4 tuổi đến trường vô cùng lớn với người mẹ này.

Dạy con đánh trả khi bị bạn bắt nạt là cách dạy con của nhiều người, tuy nhiên, vẫn có những phụ huynh “thuần tính” hơn thì nhắc con hạn chế sử dụng bạo lực với bạn.

Chị Hồng Duyên (Q.Bình Tân) kể, con chị là con gái, vì vậy, khi con đi học chị chỉ nhắc nếu bị bạn đánh con vùng chạy và nhờ người lớn, chẳng hạn như cô giáo hỗ trợ chứ hoàn toàn không muốn bé “động tay động chân” với bạn bè.

Mỗi người một quan điểm nhưng theo các chuyên gia tâm lý cách dạy con ứng xử như thế nào trước hành vi bắt nạt cũng có thể ảnh hưởng lớn đến tâm lý của trẻ khi trưởng thành.

Phản kháng là điều nên làm

Đưa vấn đề trẻ bị bắt nạt trong lớp mẫu giáo ra bàn, Thạc sĩ Tâm lý kĩ năng sống Bích Phượng chia sẻ, trẻ giành giật đồ chơi là chuyện bình thường, nhưng nếu ở mức độ nặng hơn là bị bạn thường xuyên bắt nạt, cắn, cào cấu, đánh thì việc can thiệp là điều cần thiết.

Có không ít bậc cha mẹ trước đây dạy con là khi bị bạn đánh chạy đến mách cô để cô giải quyết. Tuy nhiên, trong một ngày, chỉ cần nghe trẻ “kiện cáo” và “hòa giải” 4-5 trường hợp thôi là các cô rất áp lực, huống hồ, các vấn đề tranh giành của trẻ nhiều vô kể.

Với người Nhật, khi dạy con ứng xử trước vấn đề này, họ hoàn toàn không dạy trẻ nhờ giúp đỡ mà cần tự bảo vệ chính mình, vì thực tế trẻ không thể “hở” một chút lại mách cô, và nếu mách cô, cô cũng khó giải quyết ngọn ngành. Đó là chưa kể đến chuyện, khi cô vắng mặt, việc trẻ bị bắt nạt có thể xuất hiện trở lại và “leo thang” dữ dội hơn.

Thạc sĩ Tâm lý Bích Phượng cho biết: “Cha mẹ không thể ở mãi bên con để che chở cho chúng. Do đó, cần dạy con cách tự vệ để bạn không tiếp tục bắt nạt con nữa. Nếu trẻ cứ giữ tâm lý chịu đựng, không dám chống trả hay nhờ cô giáo giúp, lớn lên sẽ dễ bị tự ti và có tâm lý trông mong sự can thiệp, giúp đỡ của người khác”.

Cách tự vệ có thể là né tránh tình huống đánh nhau, hoặc là chống trả (nếu bị bạn cố tình đánh) - dù mình yếu hơn, hoặc đơn giản chỉ là hét to để bạn biết được là mình không sợ hãi và sẵn sàng phản ứng mạnh mẽ. “Tôi phải khẳng định, đây là dạy con phản kháng khi bị bắt nạt chứ không phải là dạy con chủ động đánh bạn – phản kháng để tự bảo vệ mình” – Thạc sĩ Bích Phượng nhấn mạnh.

Khi những video trẻ cấp 2-3 bị bạn bè bạo hành, đánh hội đồng lan truyền trên mạng. Nhiều người không chỉ cảm thấy “chết lặng” vì sự hung hãn của những đứa trẻ mới lớn, mà con thấy “đau” vì đứa trẻ bị bạo hành chỉ biết im lặng ôm đầu chịu trận – đây có thể nói là cách phản ứng tự ti được bồi đắp từ nhỏ. Điều này đôi khi rất có hại cho tâm lý cho trẻ.

Do đó, ngay từ lứa tuổi mẫu giáo, các bậc cha mẹ cần có cách giáo dục trẻ phù hợp để trẻ có sự tự tin và tự bảo vệ mình trong các tình huống bị bắt nạt hay tấn công.