Còn nhiều khó khăn trong triển khai học 2 buổi/ngày

(VOH) - Sáng nay 20/5, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo Góp ý hoàn thiện hướng dẫn dạy học lớp 1 từ năm học 2020-2021.

Đến tham dự có đại biểu các 32 tỉnh thành khu vực phía Nam cùng tham gia đóng góp ý kiến cho công tác triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước hiện có hơn 15.500 trường tiểu học, với hơn 9.000 trường đạt Chuẩn quốc gia, tỷ lệ hơn 60%. Cả nước hiện có tỷ lệ phòng học/lớp đạt gần 0.9 phòng/lớp, 80% học sinh học 2 buổi/ngày, tỷ lệ giáo viên/lớp bình quân đạt 1.4 giáo viên/lớp.

So với yêu cầu khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới là 100% học sinh được học 2 buổi/ngày và có tối thiểu 1.5 giáo viên/lớp, ngành giáo dục có đủ điều kiện cơ bản để tổ chức thực hiện việc dạy học 2 buổi/ngày.

Hội thảo Góp ý hoàn thiện hướng dẫn dạy học lớp 1 từ năm học 2020-2021

Thành phố Hồ Chí Minh hiện có trên 500 trường tiểu học trong đó 93% số trường thực hiện dạy học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, chỉ hơn 70% học sinh theo học 2 buổi/ngày, tỷ lệ giáo viên cũng chỉ đạt 1.3 giáo viên/lớp nên gặp khó khăn khi thực hiện 100% dạy 2 buổi/ngày.

Vì vậy, bà Huỳnh Thị Kim Trang, Phó Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học cho biết: "Hiện nay với số lượng tăng cơ học thành phố cũng đã cố gắng điều chỉnh nhất định một số điều kiện phát triển cho từng quận huyện theo nguyên tắc phải đảm bảo điều kiện cho học sinh đi học thuận lợi và an toàn. Đầu tiên, thành phố triển khai các đơn vị chuẩn bị tốt các điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị đồ dùng dạy học. Bên cạnh đó, có kế hoạch kế hoạch thực hiện 2 buổi ngày trên tinh thần học sinh phải có nhu cầu, cha mẹ học sinh tự nguyện cho con em học tập"

Khó khăn trong tổ chức dạy học 2 buổi/ngày còn gặp tại nhiều vùng nông thôn vùng sâu, khoảng cách đến trường xa và khó khăn. Chưa kể nhiều địa phương đang hướng đến việc sáp nhập các trường tiểu học với trung học cơ sở sở nhằm tinh giản biên chế.

Ông Phan Văn Hải, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học tỉnh Thừa Thiên Huế nêu thực trạng: "Sáng đi, trưa về, chiều đi, tối về, các em phải đi 4-6 lượt, nên rất khó khăn với vùng sâu vùng xa. Trong khi đó hành lang pháp lý của chúng ta về bán trú rất đơn giản, nơi nào có điều kiện thì tổ chức bán trú. Buổi trưa nếu các cháu ở lại thì ai lo? Cũng là cán bộ giáo viên của nhà trường lo. Hiện thống kê 80% học sinh học 2 buổi, 20% còn lại chúng ta hướng dẫn gọn nhẹ lại thôi. Đối với các lớp không học 2 buổi/ngày thì hiệu trưởng chủ động về mặt nôi dung chương trình phù hợp"

Thống kê của Unesco cho thấy số giờ học trung bình của học sinh Việt Nam so với các nước ở giai đoạn giáo dục cơ bản từ lớp 1 đến lớp 9 ít hơn 2.500 giờ. Để đáp ứng yêu cầu về kiến thức đầy đủ như các nước, ngành giáo dục cần giải quyết việc học 2 buổi /ngày. Làm tốt công tác này còn giúp học sinh tránh khỏi tình trạng quá tải.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục Phổ thông mới, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục,Thanh niên,Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: "Học sinh các nước phần lớn học 2 buổi/ngày đến tận cấp trung học phổ thông. Mình học có 1 buổi/ngày rõ ràng sẽ quá tải. Tổ chức dạy học 2 buổi/ngày sẽ làm giảm áp lực cho học sinh và giáo viên. Ngoài ra, dạy học 2 buổi/ngày còn nhằm góp phần bảo đảm quyền được học tập vui chơi của học sinh"

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Thuyết phát biểu tại hội thảo

Tại Hội thảo Bộ Giáo dục và Đào tạo còn lưu ý vế chương trình giáo dục địa phương nên được lồng ghép tích hợp vào các hoạt động trải nghiệm. Trong đó đề cập đến các di tích lịch sử, ý thức bảo vệ môi trường, tình yêu quê hương làng xã, kỹ năng phòng tránh thiên tai hay gặp ở địa phương...