Đào tạo trực tuyến (Kỳ 2): Học để trở thành người có trách nhiệm trong thế giới mở

(VOH) - Nền tảng xây dựng giáo dục mở dựa trên 4 nguyên tắc học – hỏi – hiểu – hành. Quan trọng nhất, mục tiêu cao nhất của giáo dục là trở thành con người có trách nhiệm.

Giáo sư, Viện sĩ Cao Văn Phường, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học – cao đẳng VN, người có hơn 40 năm theo đuổi và xây dựng nền giáo dục mở, đã có những trăn trở, suy ngẫm, định hướng phát triển nền giáo dục mở tại VN

VOH: Thưa ông, hơn 40 năm kiên trì theo đuổi nền giáo dục mở, từ những ngày đầu khai sinh hệ đào tạo tại chức ở Trường Đại học Cần Thơ, cho đến chương trình đào tạo từ xa Trường Đại học Mở TPHCM, và hiện tại là Trường Đại học Bình Dương, ông có trăn trở gì về nền giáo dục mở của VN hiện nay?

Giáo sư Cao Văn Phường: Thực ra nền giáo dục mở quan trọng từ xưa tới giờ. Đến thế kỷ 21, công nghệ thông tin phát triển làm cho giáo dục mở phát triển hơn. Nhờ công nghệ thông tin đưa giáo dục mở tiệm cận mọi người, mọi nhà, vùng sâu, vùng xa. Muốn làm được điều đó, phải xây dựng một nền giáo dục mở có luật pháp, ổn định, trên nguyên tắc là “Mở để học – Học để mở”, trở thành công dân có trách nhiệm trong thế giới mở.

Đó là triết lý của giáo dục mở, để mỗi con người có thể hoàn thiện tâm lực, trí lực, thể lực, tài lực thì mới hoàn thành tốt trách nhiệm của mình với bản thân, gia đình, xã hội, với thiên nhiên.

Đó là điều quan trọng với tất cả mọi người. Trong thế kỷ này, người ta mới nhận thấy rằng thiên nhiên rất quan trọng. Tất cả mọi triết lý về đạo giáo, chính trị đều hướng đến xây dựng một thế giới ổn định về thiên nhiên. Muốn được như vậy, không thể một người hay một quốc gia có thể làm được mà phải là tất cả mọi người để bảo vệ thiên nhiên, vì vậy con người phải học.

GS Cao Văn Phường trong buổi lễ chào cờ đầu năm 2018 tại Trường ĐH Bình Dương (Nguồn: Website Trường ĐH Bình Dương)

VOH: Thưa ông, để xây dựng nền giáo dục mở, theo ông đâu là cơ sở nền tảng?

Giáo sư Cao Văn Phường: Mỗi quốc gia đều đang xây dựng nền giáo dục mở thông qua nhiều cấp học, được xây dựng trên phương pháp “cộng học”, có nghĩa là học trong gia đình, học ở nhà trường, học ngoài xã hội, bạn bè, những người xung quanh….Học thông qua báo, đài, internet…

Nền giáo dục mở được xây dựng trên nền tảng cộng học đó, thể hiện qua học – hỏi – hiểu – hành. Nếu như mọi người có phương pháp học tập như vậy thì có thể học ở bất cứ nơi nào, thời gian nào.

Lớp học không nhất thiết phải tổ chức như hiện nay, thầy giáo cũng không cần phải xuất hiện trên lớp mà có thể ngồi ở nhà nhưng có thể gặp gỡ sinh viên trên cả các khuc vực. Phòng thí nghiệm ảo, tài liệu cũng không phải là kho tài liệu như bây giờ nữa mà ở trên mạng, sinh viên cần thì kéo tài liệu ở kho tài nguyên trên mạng xuống. Việc tổ chức lại trường lớp khi có nền giáo dục mở sẽ khác hoàn toàn bây giờ.

VOH: Nghị quyết 29 về Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo cũng đã xác định rõ, mục tiêu của giáo dục VN là “xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp….. gắn với xây dựng xã hội học tập”. Vậy, Nhà nước đóng vai trò như thế nào trong việc xây dựng nền giáo dục mở, thưa ông?

Giáo sư Cao Văn Phường: Mỗi quốc gia muốn xây dựng giáo dục mở trước hết phải ổn định luật pháp, có chủ trương đường hướng rõ ràng. Ngoài hệ thống giáo dục truyền thống thì cần xây dựng những lớp học ảo ở mọi nơi nhờ vào công nghệ thông tin. Nhà nước phải đầu tư cơ sở hạ tầng là đầu tiên, vì học liệu rất quan trọng.

Thứ hai, về hệ thống đánh giá, có người đi học nhưng không cần bằng cấp thì họ tự đánh giá mình, còn nếu họ cần bằng cấp thì Nhà nước phải có hệ thống đánh giá đặc biệt, chính xác, để khi họ cầm tấm bằng cấp đó xứng đáng với học vấn của họ.

Tôi nghĩ Nhà nước phải đầu tư, chứ cá nhân không làm được. Ví dụ, mặc dù mấy chục năm qua Trường Đại học Mở TPHCM cũng đầu tư xây dựng nhiều cho chương trình đào tạo từ xa, đầu tiên thông qua phát thanh là Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM, rồi qua mạng internet…..nhưng cần phải củng cố lại. Nhà nước cũng phải đầu tư cho cơ sở hạ tầng, ví dụ như ở Đài, viết tài liệu sách vở, liên kết trong và ngoài nước, để xây dựng nguồn học liệu.

VOH: Thưa ông, ở cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, sự học của con người có gì thay đổi?

Giáo sư Cao Văn Phường: Sự học trước hết, là học để trở thành con người có trách nhiệm, có đạo đức, đó mới là quan trọng. Trong thế giới công nghệ thông tin càng phát triển, nếu con người thiếu trách nhiệm thì thế giới sẽ trở nên lộn xộn, môi trường thông tin bị nhiễu.

Người học phải hoàn thiện cho mình, đó là tâm lực – trí lực – thể lực – tài lực, bốn điều này tạo nên một con người hoàn chỉnh trong thế giới 4.0. Theo Liên hợp quốc định nghĩa: học để biết, học để làm việc, học để chung sống và học để khẳng định mình.

Mục tiêu học tập là vậy, nhưng đến cuối cùng, trở thành con người có trách nhiệm chính là giải quyết bốn trụ cột đó./.

VOH : Xin cảm ơn ông!