Để đạt điểm cao kỳ thi Đánh giá năng lực

(VOH) - Ngày 31/3 tới, Kỳ thi Đánh giá năng lực Đợt 1 do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức sẽ chính thức diễn ra.

Hiện có hơn 20 trường đại học trong và ngoài hệ thống Đại học Quốc gia TPHCM xét tuyển thí sinh từ kết quả kỳ thi này.

thi Đánh giá năng lực

Kỳ thi Đánh giá năng lực Đợt 1 do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức sẽ chính thức diễn ra vào ngày 31/3. Ảnh minh họa: internet

Ở đợt 1, kỳ thi thu hút hơn 37.000 thí sinh đăng ký. Vậy, làm thế nào để đạt điểm cao ở kỳ thi Đánh giá năng lực, những kinh nghiệm làm bài thi được các thí sinh thuộc top 15 thí sinh có số điểm cao nhất năm ngoái, các chuyên gia chia sẻ dưới đây:

Theo Đại học Quốc gia TPHCM (ĐHQG-HCM), kỳ thi Đánh giá năng lực nhằm tuyển chọn những thí sinh xuất sắc tuyển vào các trường đại học thành viên, trực thuộc ĐHQG-HCM và một số trường ĐHQG-HCM trong kỳ tuyển sinh Cao đẳng, đại học năm 2019. Riêng ĐHQG-HCM, kỳ thi đánh giá năng lực chiếm 40% chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường thành viên, trực thuộc ĐHQG-HCM năm 2019.

Theo thống kê của Trung tâm khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo ĐHQG-HCM, năm 2018 phổ điểm trung bình của các thí sinh là 689 điểm. Trong tổng số 4.351 bài thi, có gần 75% bài thi đạt điểm từ trung bình trở lên - đạt từ 600/1.200 điểm.

Nguyễn Thị Ngọc Trâm, hiện là sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, đã trúng tuyển vào Trường nhờ đạt điểm số cao ở kỳ thi Đánh giá năng lực năm ngoái, hơn 1.000 điểm. Ngọc Trâm chia sẻ, kỳ thi này nhẹ nhàng hơn kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia, vì vậy mà thí sinh không nên áp lực mà thi với tâm lý thoải mái: “Khi ôn tập, các bạn ôn những kiến thức cơ bản ở các môn. Sau đó, các bạn có thể đọc một số thông tin thú vị vừa giải trí trước kỳ thi, lại vừa có thêm kiến thức. Các bạn nên đọc một lượt để xem qua cấu trúc của bài, kiểm tra đề thi. Các bạn nên làm câu dễ trước, câu khó hoặc câu mình có thể làm nhưng hơi tốn thời gian thì để sau. Sau khi làm xong một lượt, các bạn quay trở lại để làm những câu đó”.

Tương tự, Trần Hoàng Long, hiện là sinh viên năm nhất Trường Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, sở hữu số điểm hơn 1.000 điểm ở kỳ thi Đánh giá năng lực năm ngoái, chia sẻ cách làm bài: “Cá nhân em làm bài chưa hết thời gian, dư khá nhiều. Em thấy đề thi cũng phân ra khá hợp lý. Những câu đầu tiên hỏi ngắn, suy luận ít thì mình làm trước. Càng về sau, những câu đòi hỏi suy luận nhiều thì mình để sau, mình làm từ từ. Cá nhân em không quá căng thẳng với bài thi này, không yêu cầu phải học bài quá nhiều. Trước ngày thi, buổi tối em ngủ sớm, giữ cho tinh thần thoải mái”.

Bài thi Đánh giá năng lực của ĐHQG-HCM gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm với thời gian làm bài là 150 phút. Điểm số tối đa của bài thi là 1.200 điểm, trong đó điểm tối đa phần Sử dụng ngôn ngữ là 400 điểm, phần Toán học, tư duy logic và phân tích số liệu là 300 điểm, phần giải quyết vấn đề là 500 điểm.

Thạc sĩ Trà Thanh Trung, Ban Đại học – Đại học Quốc gia TPHCM khuyên thí sinh: “Trong đề thi, những kiến thức đưa ra cho các em cũng sẽ nằm trong kiến thức đã học ở Trung học phổ thông, khi các em tiếp cận với những nội dung đó các em sẽ không cảm thấy mới lạ. Tôi khuyên các em nên tập cách suy nghĩ, cách tư duy khi gặp một vấn đề hay một câu hỏi, bản thân các em phải đặt ra vấn đề các em suy nghĩ cặn kẽ, đưa ra đáp ứng – cách giải quyết vấn đề đó như thế nào”.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính – Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo ĐHQG-HCM lưu ý các thí sinh: “Nói chung, thí sinh cần chuẩn bị dài hơi nhưng cũng lưu ý rằng đến gần ngày thi cần có sự bình tĩnh, tỉnh táo đi đến phòng thi trong tình trạng tốt nhất.

Một vấn đề quan trọng nữa mà thí sinh cũng cần có một số kỹ năng để làm bài thi. Với những câu hỏi khó quá, mình tạm thời chưa xử lý, mình dành thời gian xử lý những câu dễ dàng hơn, phải cố gắng không bỏ trống bất cứ câu hỏi nào”.

So với lần đầu tiên tổ chức năm 2018, năm nay, trong Đợt 1 năm 2019, số lượng thí sinh đăng ký tham gia gấp hơn 5 lần, trên 37.000 thí sinh và được tổ chức tại 03 khu vực: Phân hiệu ĐHQG-HCM tại Bến Tre, khu nội thành TPHCM gồm 6 điểm thi: Trường Đại học Bách Khoa, Trường Đại học Khoa học Xã hội và nhân văn, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, Trường Trung học phổ thông Gia Định, Trường Phổ thông Năng khiếu; Khu Đô thị ĐHQG-HCM.