Để thi tuyển sinh lớp 10 đạt điểm cao

(VOH) - Để có một kỳ thi lớp 10 thành công như ý, thí sinh cần có những kỹ năng làm bài thi nhằm đạt kết quả tốt nhất.

Cần nắm vững yêu cầu của đề Toán

Theo giáo viên Đặng Hữu Trí, Trường THCS Nguyễn Du (Q.1), sau khi nhận đề thi môn toán, thí sinh cần phải đọc kỹ đề để phân tích và suy luận.

Trong quá trình làm bài, lưu ý những điểm mấu chốt như giải phương trình không được sai dấu, đọc kỹ dữ liệu các bài toán thực tiễn. Khi làm bài tập hình học, nên vẽ hình chính xác, rõ ràng sẽ làm nhanh và không nhầm lẫn.

Ngoài ra, trước những lo lắng của học sinh (HS) về việc đề thi sắp tới tăng số câu hỏi thực tiễn so với năm 2017, ông Dương Bửu Lộc, chuyên viên phụ trách môn toán Phòng GD trung học, cho biết dù tích hợp kiến thức hóa học hay vật lý thì bản chất câu hỏi vẫn yêu cầu giải quyết vấn đề thuộc môn toán.

Để làm câu hỏi này, HS vận dụng kiến thức về tam giác đồng dạng, tỷ số lượng giác, lãi suất phần trăm, tính diện tích, thể tích, định lý Pitago, Talet...

Để làm bài tốt kỳ thi tuyển sinh lớp 10

Học sinh lớp 9 Trường THCS Lê Quý Đôn chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2017. Ảnh: TNO

Còn theo giáo viên Nguyễn Thanh Tịnh, Trường THCS Nguyễn Du (Q.1), cho biết từ cấu trúc đề thi, có 6 nội dung kiến thức học sinh (HS) cần phải lưu ý: Về phương trình và hệ phương trình có từ 2 đến 3 bài nhỏ.

Mọi năm Sở cho phương trình chính tắc, HS áp dụng công thức để giải, nay Sở sẽ không cho như vậy mà đòi hỏi phải chuyển về dạng chuẩn tắc để giải. HS nào kỹ năng biến đổi kém thì sẽ sai ngay từ đầu và sai do lâu nay HS quen sử dụng máy tính, không hiểu nguyên tắc, giờ cần quy đồng, khử mẫu...

Nội dung thứ 2 về định lý Vi-et quen thuộc với HS, kiểm tra kiến thức đã học ở trường.

Vấn đề thứ 3 là biểu thức chứa căn bậc 2. Toàn bộ kiến thức này nằm trong chương trình lớp 9 và kỹ thuật biến đổi nằm ở lớp 8 tức là kết hợp cả lớp 8 và lớp 9.

Vấn đề thứ 4 là đồ thị và hàm số. Thường có 3 câu, vẽ đồ thị, tìm tọa độ, viết phương trình. Đây là bài toán quen thuộc trong sách giáo khoa (SGK) lớp 9.

 Thứ 5 là bài toán thực tế. Do năm trước là năm đầu tiên có dạng bài này nên Sở có giới hạn bài toán về lãi suất tiết kiệm. Năm nay Sở không giới hạn, ngay giáo viên cũng mông lung, có thể nói tính vận tốc quãng đường, tiền điện, tiền nước, giá cước taxi, phân loại trái cây, phân loại tiền... cũng là bài toán thực tế. Loại bài này tổng hợp từ tiểu học đến THCS; ở lớp 5 gọi là bài toán giả thiết tạm. Tuy nhiên dạng bài này chủ yếu sử dụng kiến thức về phương trình bậc 2 để giải nên HS chú ý kiến thức này.

Bài toán hình học là nội dung thứ 6 HS cần lưu ý. Đó là dạng bài về quan hệ giữa đường tròn và đường thẳng, 2 đường tròn với nhau.

Ngay từ bây giờ HS cần rèn các dạng toán như biến đổi biểu thức chứa căn bậc 2, đồ thị hàm số... và xoay quanh 6 nội dung kiến thức nêu trên. Đặc biệt lưu ý bài phương trình và hệ phương trình có thể khó hơn mọi năm. Thí sinh có học lực khá trở lên thì thực hiện ngay được bước biến đổi với chuyển vế đổi dấu, quy đồng, còn học lực yếu sẽ gặp khó khăn.

Cần hiểu rõ yêu cầu đề Văn

Giáo viên Nguyễn Thị Hiền, Tổ trưởng tổ ngữ văn Trường THCS Nguyễn Du (Q.1), cho rằng HS cần có kỹ năng sử dụng kiến thức mình có vào trong bài thi nhằm đạt kết quả cao. Nhiều HS nắm vững tác phẩm nhưng làm bài thi vẫn sai, lạc đề, lan man do thiếu kỹ năng, học máy móc, không hiểu rõ yêu cầu của đề.

Từ đó, cô Hiền nhấn mạnh, thí sinh đừng phân tích quá rạch ròi giữa nghị luận văn học và nghị luận xã hội. Hiện người ra đề có xu hướng lấy một tác phẩm văn học để yêu cầu nghị luận xã hội. Thêm vào đó, đề bài nghị luận văn học lại yêu cầu liên hệ thực tế.

Do vậy, khi làm bài, thí sinh nên lưu ý chia tác phẩm, chọn dẫn chứng theo chủ đề. Không nên sử dụng những dẫn chứng xưa cũ khiến người chấm thấy nhàm chán. Tốt nhất là liên hệ thực tế với con người hiện tại thì sẽ thuyết phục, gần gũi, mang hơi thở cuộc sống hơn.

Cũng theo cô Nguyễn Thị Hiền, vài năm trở lại đây Sở ra đề theo hướng mở với định hướng phát triển năng lực của HS. Cách ra đề như vậy hạn chế học vẹt nên để ôn thi lớp 10 hiệu quả, trước hết HS phải học, hiểu, nắm được kiến thức căn bản và biết vận dụng. Đặc biệt đối với phần đọc hiểu văn bản, đa số nội dung đề hướng đến đều ngoài phạm vi SGK, vì vậy phải có kiến thức đọc hiểu chung và đặc biệt kiến thức tiếng Việt để ứng dụng, làm bài tập chứ không phải thuần túy là lý thuyết.

Phần nghị luận xã hội với nội dung mở, liên quan đến các vấn đề của cuộc sống, vì vậy ngoài kiến thức, kỹ năng viết thì cần có vốn kiến thức về cuộc sống, xã hội. Cập nhật thông tin qua các phương tiện truyền thông, trên mạng để nắm được thông tin nóng, từ đó bày tỏ, trình bày quan điểm cá nhân.   Điểm yếu của HS trước đây với nghị luận văn học là hay học tủ, học vẹt, nay nếu không có khả năng khái quát và tổng hợp vấn đề thì không thể làm tốt được. Vì vậy việc nắm cho tốt phương pháp lập luận, nghị luận cho từng thể loại, biết triển khai các luận điểm, dẫn chứng, luận cứ cho chặt chẽ, logic thì cần có thời gian luyện viết. Để thành công cho một bài thi cần 2 yếu tố: có kiến thức và kỹ năng diễn đạt.

Cách hiệu quả nhất là khi học hết tác phẩm nào thì vẽ sơ đồ tư duy về kiến thức nền của tác phẩm đó. Chẳng hạn tác phẩm có 2 nhân vật thì mỗi nhánh là một nhân vật, trong mỗi nhân vật có các nhánh hoàn cảnh nhân vật, phẩm chất... Việc thực hiện sơ đồ tư duy như vậy sẽ rất dễ nhớ, không mất nhiều công sức học và có kiến thức nền về tác phẩm đó.

Quan sát chỗ trống trong đề và nắm chắc kiến thức SGK môn tiếng Anh

Theo giáo viên Trần Hữu Thắng, Tổ trưởng tổ tiếng Anh Trường THCS Lê Quý Đôn (Q.3), đề thi năm nay có sự thay đổi, đó là hai câu tìm lỗi sai sẽ được thay thế bằng hai câu chọn lựa qua hình ảnh thường là bảng cảnh báo (sign).

Đối với trường hợp này thí sinh chú ý đến dấu gạch chéo xuống (có nghĩa là cấm) và chú ý đến modal verbs (can, must, should) khi làm bài.

Ngoài ra, thời gian làm bài là 60 phút, “các em có đủ thời gian đọc kỹ từng từ, câu để trước khi chọn đáp án chính xác, ví dụ quan sát vị trí của chỗ trống, trước và sau nó là cái gì?”, ông Thắng hướng dẫn.

Theo thầy Hữu Thắng, qua đề thi những năm gần đây, những HS nào nắm chắc kiến thức của SGK cũng đạt được 7 hoặc 8 điểm, 2 điểm còn lại dành cho kiến thức nâng cao, chủ yếu nằm trong phần loại từ (word form) và phần chuyển đổi câu (transformation).

Chia sẻ kinh nghiệm đạt kết quả cao trong kỳ thi sắp tới, Hứa Trân Trân (47 điểm), thủ khoa đầu vào của Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3) năm 2017, nói: “Học kỹ bài, chắc chắn mình “ăn điểm” ở những câu dễ. Đối với toán nên cẩn thận khi bấm máy, giải phương trình. Môn văn nên cố gắng tạo cho mình cảm xúc bằng cách đọc và hiểu về tác phẩm.

Tiếng Anh, ngoài từ vựng nên chú ý đọc kỹ câu để không bị đánh lừa khi làm bài”. Cũng theo Trân, hôm đi thi nên dậy sớm một chút để chắc chắn mình đã chuẩn bị sẵn sàng bước vào kỳ thi.