Đề xuất lập doanh nghiệp khoa học công nghệ trong trường đại học

(VOH) - Đây được xem là giải pháp hiệu quả để tháo gỡ khó khăn trong chuyển giao công nghệ.

Nội dung được đề cập trong Hội thảo khoa học Xúc tiến thương mại hóa kết quả nghiên cứu và hỗ trợ khởi nghiệp tại các trường đại học, cao đẳng kỹ thuật do Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), phối hợp với Trường Đại học Tôn Đức Thắng tổ chức sáng nay, 29/09.

Chỉ riêng TPHCM, số lượng đơn đăng ký cấp bằng sáng chế và giải pháp hữu ích trong giai đoạn 2014 – 2017 có xu hướng tăng, trung bình gần 220 đơn đăng ký/năm và 38 văn bằng bảo hộ/năm. Tuy nhiên con số này là quá ít đối với một thị trường rộng lớn như TPHCM.

Mặc dù các trường đại học, viện nghiên cứu là nguồn cung cấp tài sản trí tuệ dồi dào, nhiều tiềm năng nhưng kết quả nghiên cứu cho thấy nguồn lực này chưa cho ra kết quả tương xứng.

Tiến sĩ Lê Văn Út, Trưởng phòng Quản lý phát triển Khoa học và Công nghệ, Đại học Tôn Đức Thắng

Tiến sĩ Lê Văn Út, Trưởng phòng Quản lý phát triển Khoa học và Công nghệ, Trường Đại học Tôn Đức Thắng

Tiến sĩ Lê Văn Út, Trưởng phòng Quản lý phát triển Khoa học và Công nghệ, Trường Đại học Tôn Đức Thắng cho hay, nhà trường xác định ba lĩnh vực: nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và nghiên cứu chuyển giao quan trọng như nhau. Hiện Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của trường đang tài trợ cho 29 đề tài với đầu vào được thẩm định cẩn thận và đầu ra phải đúng với ký kết ban đầu.

Tính đến tháng 9/2017, có 31 đề tài trong năm được chuyển giao, tập trung chủ yếu các lĩnh vực nghiên cứu chế tạo dược liệu, công nghệ chế biến thực phẩm, điều khiển tự động, ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Theo Tiến sĩ Lê Văn Út, cần có một kênh thông tin kết nối các đề tài nghiên cứu khoa học của trường đại học với doanh nghiệp, có thể gọi là “sàn giao dịch” kết quả nghiên cứu khoa học, đặc biệt là xem xét thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ trong chính trường đại học với quy chế ưu đãi: 

“Đây chính là cách làm của các trường đại học tiên tiến trên thế giới, đặc biệt là các đại học về công nghệ. Như vậy, chính các mô hình doanh nghiệp này giúp cho các nhà khoa học trực tiếp kết nối với doanh nghiệp bởi nhiệm vụ của nhà khoa học lànghiên cứu, nhiệm vụ của doanh nghiệp là mang kết quả nghiên cứu ra cộng đồng”.

Tiến sĩ Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề CNC Hà Nội đồng tình với đề xuất này, ông cho rằng: “Khi đã thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ trong trường đại học, các trường sẽ chủ động từ hoạt động khoa học công nghệ, nghiên cứu cho đến sản xuất, sản phẩm, thương mại hóa, thậm chí là đăng ký bản quyền”.

Ở góc độ quản lý, Phó Cục trưởng Lê Minh Khánh, Cục Công tác phía Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất mô hình liên kết ba nhà đối với hoạt động khai thác, thương mại hóa kết quả từ các viện nghiên cứu, trường đại học vào doanh nghiệp. Ông cho rằng mối liên kết “ba nhà” là viện, trường – doanh nghiệp – nhà nước chưa được hình thành rõ ràng.

Ông đánh giá: “Về phía các trường, công nghệ thường dừng lại ở quy mô phòng thí nghiệm, cho nên khi áp dụng vào thực tiễn sẽ có rủi ro, hoặc thiếu vốn để sản xuất hàng loạt. Trong khi đó, doanh nghiệp có thể đáp ứng được nguồn vốn, có khả năng thương mại hóa được sản phẩm nhưng lại thiếu thông tin.

Do vậy, rất cần vai trò của nhà nước để đưa ra các chính sách hỗ trợ, làm đầu mối để cho thị trường khoa học công nghệ, cầu nối để các trường đại học và doanh nghiệp bắt tay nhau”.