Đề xuất xây dựng Viện Công nghệ Công nghiệp theo mô hình của Hàn Quốc

(VOH) - Sở Khoa học và Công nghệ TP sẽ xây dựng mô hình hợp tác nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trên phạm vi toàn thành phố, hướng tới mục đích hỗ trợ cho các doanh nghiệp, trường, viện...

Sáng 03/10, Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM tổ chức Hội thảo Mô hình Khung hợp tác thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, nhằm lấy ý kiến các cá nhân, đơn vị liên quan, từ đó đề xuất mô hình khung hợp tác giữa TPHCM và một số thành phố/tỉnh của Hàn Quốc.

Nhấn mạnh bốn nội dung trụ cột cần có để đổi mới trong khoa học và công nghệ, Phó Giáo sư Tiến sĩ Lê Hoài Quốc, Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao chia sẻ, khoa học và công nghệ phải góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế; Thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo mạnh mẽ; Phải đẩy mạnh việc ứng dụng và đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, chú trọng phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ; cuối cùng, khoa học công nghệ phải góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.

PGS.TS Lê Hoài Quốc, Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao chia sẻ tại Hội thảo

PGS.TS Lê Hoài Quốc, Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao chia sẻ tại Hội thảo

Ông Lê Hoài Quốc đặt vấn đề, cần xây dựng Viện Viện Công nghệ Công nghiệp, là thiết chế cơ bản theo mô hình Viện Công nghệ Công nghiệp của Hàn Quốc để phát triển các hoạt động chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tại VN, ông dẫn chứng: “Một Viện ở Incheon chuyên nghiên cứu về điện tử bán dẫn, vào năm 2015 họ nhận được ngân sách từ Nhà nước là 72 triệu đô/năm. Sản phẩm của họ là gì: là bài báo công bố quốc tế, trong năm đó khoảng 300 bài; hơn 72 bằng phát minh sáng chế. Họ chuyển giao công nghệ cho hơn 100 doanh nghiệp và thu lại chỉ hơn 2 triệu đô. Điều đó nói lên điều gì? Với công nghệ mà họ chuyển giao được cho hơn 100 doanh nghiệp, doanh nghiệp đó làm ăn phát triển sẽ đóng thuế lại cho Nhà nước. Cho nên, tôi nghĩ rằng đây là một thiết chế mà chúng ta cần thiết phải nghiên cứu để bổ sung cho hệ thống khoa học công nghệ ở Việt Nam”.

Phát biểu tại hội thảo, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Kỳ Phùng – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP nhấn mạnh, TP luôn đứng đầu trong nghiên cứu khoa học và các hoạt động đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, vai trò của khoa học công nghệ cũng như việc thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu vẫn chưa được như kỳ vọng.

“Vai trò của trường, viện, các trung tâm nghiên cứu, các doanh nghiệp…hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy thương mại hóa và chuyển giao công nghệ. Sự hợp tác hữu cơ giữa các trường đại học, viện, doanh nghiệp chính là chìa khóa để thành công. Vai trò quản lý Nhà nước của chúng tôi ở đây chỉ đóng vai trò “bà đỡ” xây dựng khung pháp lý”, Giáo sư Phùng đánh giá.

Trên cơ sở đề xuất, góp ý và tổng hợp các ý kiến của các đơn vị, Sở Khoa học và Công nghệ TP sẽ xây dựng mô hình hợp tác nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trên phạm vi toàn thành phố, hướng tới mục đích hỗ trợ cho các doanh nghiệp, trường, viện….trên địa bàn TP.

Trước đó, trong khuôn khổ hợp tác hỗ trợ nghiên cứu và phát triển đã được Sở Khoa học và Công nghệ TP và Đơn vị khởi nghiệp thuộc Thành phố Daegu, Hàn Quốc đã ký kết biên bản ghi nhớ. Cụ thể, hai bên định hướng hợp tác về chia sẻ thông tin, phối hợp đổi mới công nghệ, triển lãm công nghệ.