Hãy nhớ thắt dây an toàn cho trẻ khi đi xe ô tô

(VOH) - Theo các chuyên gia Nhật Bản, việc thắt dây an toàn sẽ cứu sống được 75/100 trường hợp xe gặp tai nạn. Tuy nhiên, trên thực tế, còn nhiều người thờ ơ với việc thắt dây an toàn, đặc biệt là thắt dây an toàn cho trẻ khi đi xe ô tô.

Không chỉ có vậy, nhiều phụ huynh có thói quen để trẻ ngồi một mình ở ghế trước hoặc bế trẻ nhỏ trong lòng khi ngồi ở ghế trước. Điều này có thể khiến trẻ bị chấn thương nặng do túi khí bung hoặc rơi khỏi tay cha mẹ khi xảy ra va chạm trên đường.

Không thắt dây an toàn, hậu quả khôn lường

Trung tâm an toàn đường bộ NSW (Australia) đã thử nghiệm một tình huống mà chúng ta hay gặp hàng ngày: đó là phụ huynh bế trẻ nhỏ trong lòng hoặc cho chúng ngồi cùng ở ghế trước. Thông thường khi bế trẻ trong lòng thì chỉ người lớn thắt dây an toàn, còn trẻ thì không.

Kết quả cho thấy, trong tình huống nguy hiểm, túi khí bật ra với tốc độ khoảng 300km/h sẽ đẩy mạnh trẻ về phía nóc xe, gây chấn thương nặng ở vùng cổ, vùng đầu, còn phụ huynh thì bị chấn thương vùng mặt.

Do đó, trẻ em được khuyến cáo không ngồi ghế cạnh tay lái và chỉ nên ngồi ở vị trí giữa của hàng ghế sau, trên ghế chuyên dụng và thắt dây an toàn vì đây được đánh giá là vị trí an toàn nhất trên xe ô tô.

Ghế sau an toàn hơn cho trẻ (Ảnh: philadelphialawyerpersonalinjury)

Khi ngồi tại vị trí này, trẻ sẽ tránh được áp lực bung của túi khí phía trước và túi khí hai bên thành xe, đồng thời tránh được chấn thương khi xe không may bị đâm từ bên hông.

Theo Cục quản lý đường cao tốc và an toàn giao thông quốc gia Mỹ (NHTSA) thì đặt trẻ ngồi ở ghế đằng sau thay vì ghế đằng trước có thể giảm rủi ro tử vong lên đến 27% dù chiếc xe có túi khí bên hông hay không.

Video: Hướng dẫn an toàn cho trẻ khi đi xe ô tô

Một thử nghiệm khác của NSW là: cho trẻ ngồi hàng ghế sau thắt dây an toàn nhưng luồn dây đai xuống dưới cánh tay. Thử nghiệm tai nạn xảy ra ở vận tốc 48 km/h cho thấy khi đó dây đai thắt chặt gây chấn thương vùng bụng, tổn thương cột sống và khuôn mặt.

Theo khuyến cáo của Trung tâm an toàn đường bộ NSW, ngoài việc rèn thói quen thắt dây an toàn cho bản thân mình, phụ huynh nên học cách thắt dây an toàn cho trẻ đúng cách và phù hợp với từng lứa tuổi. Đừng vì chủ quan mà mà gây ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ.

Cách thắt dây an toàn cho trẻ chuẩn

Khi thắt dây an toàn, người ngồi trên xe sẽ tránh bị lao đầu vào kính chắn gió, văng ra khỏi chỗ ngồi nếu chẳng may xe bị lật. Chính vì vậy, khi đã sở hữu một chiếc ô tô, các bậc cha mẹ đừng ngại ngần “đầu tư” thêm cho trẻ loại ghế xe chuyên dụng hay ghế nâng thích hợp với độ tuổi, chiều cao và cân nặng của trẻ.

Với bé dưới 2 tuổi cha mẹ nên lắp ghế an toàn dạng nôi xách quay ngược về phía sau xe. Khi bé lớn và vượt quá quy chuẩn của ghế đang sử dụng, cha mẹ hãy lựa chọn ghế khác vì ghế cũ sẽ không còn bảo vệ bé hiệu quả nữa.

Hãy chọn loại ghế xe phù hợp với sự phát triển của trẻ (Ảnh: bandspeed)

Với bé trên 2 tuổi, cha mẹ chọn loại ghế xe phù hợp với cân nặng của trẻ, phù hợp với loại xe và lắp ghế quay về phía trước như người lớn. Khi đã lắp ráp đúng cách, ghế không thể dịch chuyển nhiều hơn 2 cm đến 2,5 cm từ bên này sang bên kia hoặc từ trước ra sau.

Với trẻ khoảng từ 4 hoặc 6 tuổi, tùy theo chiều cao bé sẽ cần dùng đến chiếc ghế nâng nhằm nâng cơ thể lên độ cao nhất định và bé có thể thắt dây an toàn dành của người lớn.

Trẻ không cần dùng đến ghế xe, ghế nâng chuyên biệt khi cao khoảng từ 1,2m trở lên. Lúc này, trẻ có thể sử dụng dây an toàn sẵn có trên xe. Nhưng nhớ, cách thắt dây an toàn đúng, đó là phần dây ngang phải đặt trên đùi trên của trẻ (không phải là dạ dày) và phần dây chéo đặt trên vai và ngực (chứ không phải là đặt trên cổ). Cách thắt dây đúng có thể giúp trẻ oằn đúng trong trường hợp xe bị va chạm mạnh.

Thống kê tại Mỹ cho thấy, tai nạn giao thông đường bộ là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em. Tuy nhiên, nếu các bậc cha mẹ lắp đặt ghế chuyên dụng cho con và lắp đúng cách có thể làm giảm nguy cơ tử vong lên tới 71%.

Một con số khác cũng đáng chú ý, đó là 73% số ghế chuyên dụng cho trẻ em không được sử dụng hoặc cài đặt một cách chính xác. Do đó, các bậc phụ huynh cần tìm hiểu kĩ cách cài đặt dây trong sách hướng dẫn đi kèm hoặc hỏi người bán hàng, nhà sản xuất hay nhà phân phối để được trợ giúp.