Làm gì để trẻ thích đi học lớp 1

(VOH) - Có thể nói đi học lớp 1 là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời của trẻ. Việc trẻ thích học, thích đến trường hay không, bắt đầu từ những ngày đầu tiên đi học tiểu học

Lễ khai giảng năm học 2015 tại trường tiểu học Him Lam, quận 6. Hình: N.T

Ở bậc học mẫu giáo, bé quen được chăm sóc, vui chơi. Nay vào lớp 1, bé bị bắt học, bắt ngồi một chỗ viết bài làm toán trong thời gian dài, bắt đầu có những kỷ luật phải tuân theo trong môi trường tiểu học... Vì vậy để việc chuẩn bị tâm lí và kĩ năng cho trẻ trước khi vào lớp 1 là rất quan trọng.

Làm cho con thích đến trường

Bé sẽ thích đi học khi được xúng xính trong bộ đồng phục mới, cặp sách mới. Cha mẹ có thể để con tự lựa chọn bàn học ở nhà, tủ sách theo sở thích và để con chủ động sắp xếp.

Từ đó, con sẽ thích ngồi vào bàn học và luôn có ý thức giữ gìn, chăm chút cho góc học tập của mình.…Cha mẹ có thể kể cho bé nghe những câu chuyện thú vị về trường tiểu học để khơi dậy sự tò mò và mong muốn được đến trường. Không đưa nhà trường, cô giáo ra để dọa trẻ.

Đồng hành cùng con

Bé cần được cha, mẹ giải thích rõ ràng và dễ hiểu về việc đi học ở trường mới. Chẳng hạn bạn mới, lớp mới, con phải học nhiều hơn chơi và phải làm bài, học bài theo những yêu cầu của cô giáo. Tuy nhiên, không tạo áp lực hoặc hù dọa cho trẻ sợ.

Cha hoặc mẹ mỗi ngày cùng con soạn sách vở theo thời khóa biểu, cùng con ôn bài.

Mỗi ngày bé ở trường về, cha mẹ trò chuyện với bé, hỏi han bé ở trường hôm nay có gì vui? Điều gì làm con thích thú? Con nhớ cô giáo dạy con bài gì? Đặc biệt, không la mắng, phạt khi bé học chưa tốt mà cần tìm hiểu nguyên nhân và khích lệ trẻ.

Những ngày đầu, cha mẹ hướng dẫn bé cách ứng phó với các tình huống ở trường như khi muốn đi vệ sinh và cách tự đi vệ sinh, lúc muốn nêu ý kiến trong lớp,…

Cha mẹ cần giữ gìn và bảo vệ hình ảnh của thầy cô giáo trước mặt con

Đối với trẻ tiểu học, thầy cô giáo là thần tượng, là “mẫu” lý tưởng trực tiếp của trẻ. Thầy cô là người duy nhất đúng trên đời đối với trẻ. Vì vậy, khi trẻ đi học lớp 1, muốn tác động đến trẻ, phụ huynh nên thông qua thầy cô của con.

Cha mẹ không nên chê thầy cô giáo trước mặt con trẻ. Điều đó sẽ gây khó khăn cho việc thầy cô giáo cùng các vị phụ huynh rèn cặp con.

Dạy con biết chơi hòa đồng với các bạn

Khi đi học, trẻ rất muốn được các bạn chơi cùng bởi trẻ tiểu học sống bằng tình cảm. Vì vậy, bố mẹ nên nhắc nhở con chơi hòa đồng với các bạn, chia sẻ đồ chơi, đồ ăn với các bạn ngay từ khi còn nhỏ để con luôn được sống trong tập thể, không bị tách biệt.

Cha mẹ cùng với cô giáo cần giúp bé hòa đồng với bạn bè. Ảnh: N.T

Thường xuyên khích lệ trẻ thay vì so sánh với "con người ta"

Không so sánh con mình với con người khác, bởi mỗi đứa trẻ có một đặc điểm tích cách và khả năng khác nhau. Việc chê bai con, luôn để con cảm thấy mình kém hơn các bạn sẽ làm con tự ti về bản thân

Phát triển ngôn ngữ cho trẻ

Vốn ngôn ngữ của trẻ khi đi học lớp 1 phải đảm bảo hai yêu cầu. Thứ nhất, trẻ phải diễn đạt cho người khác hiểu. Thứ hai, phải hiểu được những người khác nói về những chủ đề gần gũi với cuộc sống của trẻ.

Ở nhà, cha mẹ nên thường xuyên trò chuyện với con, đọc truyện tranh cho con vừa nghe vừa xem hình để con có thể phát triển ngôn ngữ tốt. Đồng thời, dạy cho con biết tên gọi, công dụng của các đồ vật, nhiệt tình trả lời các thắc mắc của con

Chuẩn bị các kỹ năng khác cho trẻ:

Hướng dẫn trẻ về tư thế ngồi học, khoảng cách khi nhìn vào sách, viết chữ...

Tư thế ngồi viết phải thoải mái, không gò bó.

Khoảng cách từ mắt đến vở 25 -30 cm.

Cột sống luôn ở tư thế thẳng đứng, vuông góc với mặt ghế ngồi.

Tay phải cầm chắc bút bằng 3 ngón tay (cái, trỏ, giữa). Đầu ngón trỏ cách đầu ngòi bút chừng 2,5cm.

Khi ở nhà, phụ huynh nên dành thời gian (mỗi ngày khoảng 30 phút) để chơi với trẻ một hoạt động nào đó, giúp trẻ có kỹ năng tập trung và công việc và kiên trì với công việc đó,