Liệu có thể hồi sinh sau khi ướp xác?

(VOH) – Sau khi cô bé 14 tuổi mắc bệnh ung thư ở Anh quyết định đông lạnh cơ thể với hy vọng có cơ hội chữa khỏi tương lai, không ít người tò mò tìm hiểu về dịch vụ ướp xác chờ hồi sinh.

Các thùng nitơ lỏng để ướp xác (Ảnh: Daily mail)

Mất bao nhiêu tiền để có thể ướp xác?

Theo Daily Mail, tại The Cryonics Institute ở Michigan, chi phí ướp xác vào khoảng 35.000 đô la Mỹ để bảo quản lạnh toàn thân trong khi trung tâm đối thủ Alcor ở Arizona phí lên tới 200.000 đô la Mỹ.

Các công ty cung cấp dịch vụ này khẳng định, việc ướp xác có thể kéo dài vài thập kỷ hoặc thậm chí nhiều thế kỷ.

Có người cho rằng đây chỉ là một biểu hiện của chủ nghĩa tự do chi tiêu xa xỉ nhưng nhiều người khác cho rằng, điều này không công bằng và quyền sử dụng các dịch vụ ướp xác nên được thực hiện công bằng hơn, hay ít nhất nên được phổ biến như chăm sóc sức khỏe định kỳ.

Quá trình đông lạnh diễn ra như thế nào?

Quá trình đông lạnh là việc giảm sâu nhiệt độ của cơ thể tới – 196 độ C để ngăn chặn các tế bào bị hư hỏng. Hai tổ chức chính của Mỹ thực hiện quá trình này là Alcor ở Arizona và The Cryonics Institute ở Michigan.

Quá trình này chỉ có thể thực hiện khi cơ thể đã chết một cách hợp pháp:

     1. Lý tưởng nhất là bắt đầu trong vòng 2 – 15 phút sau khi tim ngừng đập.

     2. Thi thể phải được giữ lạnh và được tiêm chất chống đông máu, máu được thay thế bằng một dung dịch đệm bảo vệ các cơ quan.

     3. Cơ thể tiếp tục được tiêm một hóa chất khác để ngăn chặn tinh thể băng hình thành trong các mô và cơ quan.

     4. Sau đó làm lạnh tới – 130 độ C.

     5. Bước cuối cùng là đặt cơ thể vào một vật chứa và hạ xuống một bồn chứa nitơ lỏng ở – 196 độ C.

Liệu có cơ hội hồi sinh?

Nhiều chuyên gia cho rằng câu trả lời là KHÔNG. Các cơ quan như tim, thận chưa bao giờ đông lạnh và “rã đông” thành công, do đó, có ít cơ hội để toàn bộ cơ thể và não bộ có thể tái hoạt động sau khi đông lạnh.

Có chuyên gia cho rằng, việc bảo quản lạnh là phương pháp phi tự nhiên. Trên thực tế điều này mang lại cho mọi người “hy vọng sai lầm” rằng nó sẽ thực sự hiệu quả và họ sẽ sống lại vào một ngày nào đó.

Hiện không có thông tin chính xác rằng có bao nhiêu người đã và đang được bảo quản lạnh, có lẽ vài trăm người ở Mỹ và Nga, nơi mà các trung tâm đông lạnh dạng này hoạt động – theo Daily mail.

Không có luật nào cấm việc đông lạnh bảo quản cơ thể nhưng vẫn có những khó khăn về pháp lý vì hầu hết các nước chỉ định phương pháp này chỉ thực hiện với thi thể - và không bao gồm việc lưu trữ thi thể lâu dài.

Những người chọn ướp xác thường bị thu hút bởi hy vọng cơ thể được bảo tồn cho đến một thời điểm nào đó trong tương lai, khoa học và công nghệ sẽ khắc phục bất kỳ nguyên nhân nào của cái chết, chữa lành các mô bị hư hỏng và quan trọng nhất, đưa họ trở lại với cuộc sống.

Nhưng một điều như vậy có đúng đắn?

Mô tế bào con người và các động vật khác tất nhiên có thể được bảo tồn. Xác chết của voi ma mút, bảo quản trong lớp băng vĩnh cửu, đã được chứng minh là có thể xác định DNA sau hàng ngàn năm. Thêm vào đó, tinh trùng và phôi người cũng có thể được bảo quản trong nhiều năm và vẫn giữ được khả năng thụ tinh.

Cơ thể được đông lạnh ở nhiệt độ - 196oC và bảo quản trong bồn nitơ lỏng (Ảnh: Daily mail)

Mặc dù hầu hết các nhà khoa học hoài nghi về khả năng phục sinh một xác chết đông lạnh, nhưng nhiều người vẫn luôn ấp ủ mong ước sống bất tử.

Trong khi đó, các công ty cung cấp dịch vụ vẫn thẳng thắn về các thủ tục và hứa hẹn nhiều điều. Quảng cáo của họ vẫn ghi là “chăm sóc y tế cho bệnh nhân” và được mô tả như là “một phương pháp điều trị đột phá” trong tương lai -  điều này gây hiểu nhầm với những người sử dụng dịch vụ.

Việc ướp xác cũng đặt ra nhiều vấn đề liên quan tới đạo đức khi hình thức “chăm sóc” kiểu này sẽ làm một đứa trẻ cô đơn và một tương lai mịt mờ - không gia đình, không bạn bè, không tài sản. Đó là chưa tính tới việc dân số thế giới tăng lên nhanh chóng khi người ta cố nuôi dưỡng mong muốn bất tử - phi tự nhiên.