Luật Giáo dục sửa đổi cần quan tâm đến chuẩn bằng cấp quốc tế

(VOH) - Cần quan tâm đến chuẩn bằng cấp chứng chỉ phù hợp với yêu cầu hội nhập là nội dung được nhiều đại biểu đưa ra tại Hội thảo Góp ý Dự án Luật Giáo dục sửa đổi...

Cần quan tâm đến chuẩn bằng cấp chứng chỉ phù hợp với yêu cầu hội nhập là nội dung được nhiều đại biểu đưa ra tại Hội thảo Góp ý Dự án Luật Giáo dục sửa đổi do Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức vào sáng 2/10.

Theo đại biểu Nguyễn Hoàng Hà, Phó chánh văn phòng Sở Thông tin và Truyền thông, chương trình phổ thông hiện nay khá hàn lâm nhưng không được thế giới công nhận. Chương trình học, sách giáo khoa rất quan trọng vì sẽ quyết định tầm của giáo dục Việt Nam trong khu vực. Tuy nhiên, dự thảo Luật, nghị định lại thể hiện rất chung chung. Đại biểu Nguyễn Hoàng Hà cho rằng: "Bằng cấp có được công nhận hay không phụ thuộc vào chương trình học và sách giáo khoa. Phải xem chuẩn ở khu vực và thế giới. Ví dụ học sinh cấp 2 ra thì chuẩn thế nào thì sách giáo khoa cũng tương đương như vậy, thì bằng cấp chúng ta mới được công nhận. Bằng cấp sẽ quyết định sự công nhận của thế giới đối với Việt Nam, cũng như Việt Nam công nhận thế giới. Chúng ta phải tập trung vào vấn đề này để làm sao chuẩn giáo dục của chúng ta ngang bằng với ít nhất là khu vực"  

Luật Giáo dục, chuẩn bằng cấp quốc tế

Các đại biểu góp ý về vai trò vị trí, chính sách với nhà giáo

Cùng quan điểm về vai trò của sự công nhận quốc tế đối với bằng cấp của chương trình phổ thông trong nước, Luật sư Trương Thị Hoà cho rằng đây là vấn đề rất quan trọng, đặc biệt trong quá trình hội nhập quốc tế. Thực tế hiện nay, học sinh bỏ thời gian học, được chứng nhận cấp bằng,  nhưng ra nước ngoài thì xem như mất hết. Luật sư Trương Thị Hoà, đề nghị phải nỗ lực như thế nào trong những quan hệ, thoả thuận quốc tế, khu vực. Thậm chí phải có cách thức văn bằng như thế nào để có tiêu chuẩn, tiêu chí được nước ngoài thừa nhận, có tính quốc tế, mang tính hội nhập. Tính hội nhập của giáo dục cực kỳ quan trọng ở chỗ chứng chỉ, văn bằng. Nếu không chú ý đến điều đó thì không thể hội nhập được"   

Luật Giáo dục, chuẩn bằng cấp quốc tế

Luật sư Trương Thị Hoà góp ý về Dự án Luật Giáo dục sửa đổi

Các đại biểu cũng kiến nghị Luật Giáo dục nên đề cập thêm vấn đề tự học tại nhà. Đặc biệt, trong bối cảnh việc học tập thông qua các khoá học trên mạng ngày càng phát triển, cho phép người học theo học theo các chương trình, văn bằng quốc tế và linh động thời gian. Vì vậy, đại biểu Trương Minh Tước Nguyên, Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành đoàn, cho rằng Luật giáo dục nên quy định người học không chỉ là những người đang học tập tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân mà cần mở rộng ra đối với những người đang tự học tại các gia đình: "Cũng nên quy định thêm trong Luật để phù hợp với nhu cầu của xã hội hiện nay. Có những văn bằng chứng chỉ gì, trường hợp các em tự học ở nhà theo sách giáo khoa của Bộ GD&ĐT thì đến một mức nào đó thì buộc các em phải thi chung với các bạn để được chứng chỉ đó. Quy định rõ trong Luật để  có những cái mới, cập nhật cho đến thời điểm hiện nay"  

Ông Đỗ Văn Đạo, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho rằng, giáo dục trong thời đại cách mạng 4.0 phải đáp ứng yêu cầu thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền, học sinh vùng sâu vùng xa vẫn có thể tiếp cận với những kiến thức của thời đại. "Làm sao để các em có điều kiện, muốn đi học thì chúng ta vẫn có thể phổ cập giáo dục đến tận nơi. Ở miền núi nhiều khi mấy em muốn đi đến  trường thì thậm chí cả chục tiếng đồng hồ mới tới trường. Phải có một công nghệ giáo dục hiện đại thông qua công nghệ thông tin để có thể phổ cập giáo dục đến tất cả những em ở vùng sâu vùng xa", ông Đạo cho biết.

Ngoài ra, các đại biểu còn đóng góp ý kiến xung quanh vần đề nâng chuẩn giáo viên, quy định mức lương cho giáo viên theo tinh thần định hướng của Đảng, đề xuất chức danh giám thị trong trường học...