Một số mẹo chọn mua ô tô đã sử dụng

(VOH) - Toàn bộ vỏ xe có thể tân trang bắt mắt nhưng có những vị trí mà người thợ lành nghề không để ý hoặc không thể khắc phục.

Trước khi quyết định mua một chiếc xe, bạn phải chuẩn bị đủ tài chính, bao gồm phí đăng kí sang tên, bảo hiểm và chi phí bảo dưỡng định kỳ, chi phí nuôi xe... Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ tài chính, công việc tiếp theo cần làm là tìm hiểu thông tin về dòng xe mình muốn mua và cả những kinh nghiệm mua ôtô đã qua sử dụng từ trên các diễn đàn và bạn bè xung quanh.

Việc làm này rất quan trọng và nó có thể giúp bạn nắm được ưu-nhược điểm của từng dòng xe muốn mua và không bị "hớ" giá.

Khi đã tìm được chiếc xe ưng ý, công việc tiếp theo là đi xem trực tiếp và kiểm tra tổng quát chiếc xe. Hãy kiểm tra nội, ngoại thất, khả năng vận hành máy móc, mức tiêu thụ nhiên liệu. Nếu không rành về xe, bạn nên yêu cầu đem xe đến trung tâm bảo dưỡng để kiểm tra chi tiết chính xác hơn hoặc tốt nhất là mua xe qua sử dụng ở các trung tâm có bảo hành chính hãng.

Các bộ phận của xe cần kiểm tra kỹ bao gồm: thân xe, động cơ, phanh, hệ thống truyền động, hệ thống giảm xóc, hệ thống đèn, quạt thông gió và điều hòa không khí, két làm mát, ống dẫn, ống xả, bảng điều khiển, lốp...

Tay nắm phía trong cửa cũng là chi tiết không thể giấu về sự xuống cấp.

Toàn bộ vỏ xe có thể được tân trang bắt mắt nhưng có những vị trí mà cả những người thợ lành nghề trong lĩnh vực này cũng không để ý hoặc không thể khắc phục. Đó là mặt bên trong của móc tay nắm cửa cạnh ghế lái (chứ không phải ở các vị trí khác). Một chiếc xe sử dụng nhiều thì chi tiết này sẽ mòn nhiều, thậm chí là mòn nhiều nhất trong số tất cả chi tiết ngoại thất xe.

Bạn cần kiểm tra các đồng hồ báo, các nút bấm ở bảng điều khiển. Hãy chắc chắn rằng mọi thứ vẫn hoạt động ổn định. Bề mặt trên của táp-lô là khu vực dễ bị bạc màu nhanh nhất do gần kính lái nhất, hứng nhiều bụi bặm, thường xuyên bị nắng nóng, trong khi lại ít được chăm chút trong quá trình vệ sinh nội thất xe.

Trên một chiếc xe còn tốt, các phần ốp táp-lô hay tap-pi cửa, trần xe, bệ trung tâm phải chắc chắn.

Ghế lái đã bị xẹp nệm, da ghế bị chùng và có dấu hiệu rạn.

Bên cạnh đó, sự xuống cấp của ghế lái và vô-lăng là hai phần luôn luôn song hành với tần suất sử dụng xe. Một chiếc xe đã bị sử dụng nhiều, nệm mút của ghế lái sẽ bị nhũn hơn, thậm chí là bị bẹp chứ không căng với các ghế còn lại.

Sau công đoạn kiểm tra tổng quát xe, bạn nên lái thử xe để cảm nhận thực tế độ ổn định của xe, máy móc, giảm xóc, hệ thống truyền động có êm ái và mượt mà hay không. Mục đích là đánh giá lần nữa về chiếc xe mình muốn mua.

Sau cùng, hãy khéo léo "đàm phán" để giảm bớt chi phí mua xe. Bạn nên tận dụng những điểm yếu của chiếc xe và khả năng đàm phán của mình để thương lượng giá cả cuối cùng với chủ xe hoặc doanh nghiệp mua bán.