NASA công bố chấm hết cho dự án Mars Exploration Rover

(VOH) - Thứ tư 13/2, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) họp báo xác nhận tàu thăm dò Opportunity "đã chết" sau 5.515 ngày hoạt động trên sao Hỏa.

Phát biểu trước báo giới tại buổi họp báo, ông Thomas Zurbuchen, Quản lý Ban sứ mệnh khoa học của NASA nói:

"Đây chính là lý do tôi đứng đây: cảm kích một cách sâu sắc để thông báo rằng: Opportunity đã hoàn thành sứ mệnh !"

Opportunity

Những thành quả của cặp robot song sinh trong dự án Mars Exploration Rover - Đồ họa: tinhte

Opportunity là robot tự hành thứ 2 trong dự án Mars Exploration Rover - một dự án được đánh giá cực kì thành công về cả mặt thu thập thông tin khoa học lẫn PR cho hình ảnh của NASA nói riêng và chương trình khám phá vũ trụ của Mỹ nói chung.

Trước đó, người "anh em sinh đôi" của nó là Spirit, cũng là một robot tự hành được thiết kế để di chuyển trên bề mặt sao Hỏa nhằm thăm dò bề mặt của hành tinh đỏ đã dừng hoạt động vào năm 2010.

Ngay trước cặp song sinh này, hai dự án đáp xuống Sao Hỏa gần nhất của NASA diễn ra năm 1999, đều thất bại thảm hại do sai số trong đo đạc cùng nhiều lý do khác.

Đến giữa năm 2000, NASA chấp thuận dự án tàu mới. Việc các nhà khoa học phải làm là tạo ra một con tàu đủ chức năng, dùng cho sứ mệnh 2003 và tránh thảm cảnh 1999 lặp lại.

Opportunity

Các nhà khoa học đang lắp ráp Opportunity và Spirit trước khi phóng lên sao Hỏa vào năm 2004

Opportunity được phóng vào ngày 07/07/2003, hạ cánh xuống bề mặt sao Hỏa ngày 25/01/2004, 3 tuần sau khi Spirit đặt chân xuống phía bên kia của hành tinh này. Kể từ ngày ấy, robot tự hành có kích thước bằng chiếc xe golf này đã di chuyển được quãng đường tương đương 45km - xa nhất cho đến thời điểm này với các loại robot thám hiểm bề mặt hành tinh nào khác.

Năm 2011, với các bức ảnh của mình, Opportunity đã làm được điều mà theo Giáo sư Steve Squyres của Đại học Cornell (Mỹ), chuyên viên chính của dự án Mars Exploration Rover nhận xét: "Điều này cho chúng ta biết rằng đã có thời nước lấp xấp chảy qua các vết nứt dưới lòng đất trong đá". Nó cũng chụp được hình ảnh về những "con quỷ bụi" - là các cơn lốc khổng lồ thỉnh thoảng xuất hiện và di chuyển trên bề mặt sao Hỏa.

Trong quá trình hơn 5 năm hoạt động, Opportunity đã khảo sát một khu vực rộng lớn kéo dài từ miệng núi lửa Eagle đến miệng núi lửa Endeavour, cung cấp các thông tin về khoáng chất cũng như áp suất để tìm hiểu kĩ hơn về lịch sử của sao Hỏa, qua đó giúp các nhà khoa học khẳng định ngôi sao này đã từng có thời gian có nước và các nguyên tố cũng như thành phần cấu thành sự sống.

Các thông tin quý giá này là bước đệm cho các phát hiện mới hơn, chi tiết hơn của các dự án về sau của NASA.

Opportunity

Bức ảnh "selfie" của Opportunity chụp cái bóng của mình trên bề mặt hành tinh đỏ

NASA đã mất liên lạc với Opportunity kể từ lần liên lạc cuối cùng ngày 10/6/2018, thời điểm một trận bão cát lớn kéo dài hàng tháng trời bao phủ cả hành tinh đỏ, che mất ánh sáng mặt trời, khiến các tấm pin năng lượng của nó không nhận được ánh sáng. Hậu quả là Opportunity cạn kiệt năng lượng, ngừng hoạt động.

"Có một vài người sẵn sàng cho tàu nghỉ hưu, nhưng có vô vàn người khác bất đồng", cô Tanay Harrison, người đã có mặt lúc NASA cố gắng bắt liên lạc lần cuối cùng với Opportunity, nói. "Chúng tôi nghĩ rằng ta phải cho Opportunity một cơ hội". Nhưng điều không may đã xảy ra, Opportunity không bao giờ tỉnh dậy nữa.

Clip do Nasa thực hiện về toàn bộ dự án Mars Exploration Rover

Tuy thế, các dự án thăm dò hành tinh đỏ chưa bao giờ dừng lại, Dự án Curiosity được phóng lên năm 2012 với trang thiết bị hiện đại hơn, còn có cả trang Twitter riêng để thỉnh thoảng gửi ảnh Sao Hỏa về cho dân mạng xem.

Thậm chí, NASA còn đang dự định phóng thêm một tàu thăm dò nữa vào năm 2020. Và biết đâu được, sẽ có ngày những chiếc xe mới lại chụp được hình về Opportunity hay Spirit thì sao? Hoặc có thể khi con người đặt chân lên sao Hỏa, chúng ta sẽ gặp lại được những người bạn cũ này.